Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trẻ con đùa dại

Tạp Chí Giáo Dục

 Tự nhận mình là thành viên IS, các tài khoản này đã viết những dòng bình luận thách thức ngây ngô cư dân mạng gọi là ngôn ngữ của đám “trẻ trâu”.

Trong những ngày tháng mà nỗi lo lắng bất an trước sự tàn bạo của phiến quân IS được chia sẻ như một dòng thông tin chính trên nhiều phương tiện truyền thông, người dùng mạng xã hội ở Việt Nam xôn xao lan truyền tin nhóm phiến quân này sẽ có hành động trả đũa vì một số trang facebook Việt Nam đã lên tiếng thách thức, xúc phạm.

Tự nhận mình là thành viên IS, các tài khoản này đã viết những dòng bình luận thách thức thô thiển, ngây ngô mà cư dân mạng gọi là ngôn ngữ của đám “trẻ trâu”. Khi có một hồi đáp rằng họ sẽ “gửi một tin nhắn” đến Việt Nam, mọi việc bắt đầu trở nên có tính chất nghiêm trọng, ngoài tầm kiểm soát.

Một trong các chủ nhân facebook này đã tự nhận mình là hàng “nhái”, chỉ làm vậy để “giỡn vui”. Cơ quan chức năng vào cuộc, phát hiện chủ các tài khoản facebook trên chỉ là các học sinh cấp II, do thiếu hiểu biết chính trị – an ninh xã hội, do nhận thức hạn chế về pháp luật nên đã hành động thiếu suy nghĩ. Các bạn trẻ cam kết không tái phạm, Bộ Công an quyết định giao chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường có biện pháp quản lý, giáo dục các em.

Tre con dua dai
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Nhưng mũi tên đã rời khỏi cung. Trò đùa dại dột của nhóm bạn trẻ này đã lan truyền trên mạng như một cơn bão. Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo còn chưa lường được hết. Chỉ biết bên cạnh những phản ứng phê phán của đông đảo người dùng mạng, bên cạnh những biện pháp răn đe giáo dục của chính quyền, người ta vẫn thấy một xu hướng phản ứng khá phổ biến của các thành viên gần độ tuổi, theo kiểu “chời ơi, giỡn tí thôi mà, làm gì dữ vậy!”.

Thái độ xem thường mọi việc, thái độ muốn “làm khác”, đi ngược lại ý kiến của mọi người cũng nguy hiểm như kiểu a dua theo đám đông một cách thiếu suy nghĩ. Và tất cả vẫn đang được hồn nhiên vô tư quẳng lên mạng xã hội, cùng với những ồ, à, những thủ thuật lợi dụng để câu view, câu like, tạo nên một bức tranh đáng buồn, đáng lo về nhận thức và hành vi xã hội của một nhóm người, không chỉ là người trẻ.

Có thể hình dung chuyện giả danh phiến quân IS, thách thức xúc phạm… để “giỡn vui” dại dột của nhóm học sinh cấp II trên cũng giống như trò chơi “dọa ma” ngày nhỏ. Nhưng những đứa trẻ đóng vai ma quỷ để cho vui kia không biết rằng những con ma thật đang quanh quẩn lượn lờ đâu đó sau lưng mình!

Trẻ con vốn giàu trí tưởng tượng và vô tư trong suy nghĩ, hành động, nhưng người lớn thì xin đừng bỏ qua những câu chuyện này. Khác với trò chơi dọa ma ngày trước, đây là một kiểu “bệnh” lây nhiễm từ truyền thông vào những đứa trẻ – tương lai của xã hội chúng ta.

Việc giả trang, mạo danh một người khác trên mạng xã hội, bây giờ có khi trẻ con giỏi hơn người lớn. Người lớn nghĩ rằng trò trẻ con, bỏ qua, nhưng chính qua vụ phiến quân IS giả này, chúng ta giật mình nhận ra mình bị tác động bởi chính những trò của lũ trẻ con ấy, và không chỉ mình, cả cộng đồng cũng có thể bị đe dọa theo.

Tất nhiên, giáo dục của gia đình, của xã hội không thể cứ canh chừng, cứ bám theo mãi những trò đùa như thế. Vấn đề là phải xây dựng một nền tảng cho trẻ, xây dựng những nguyên tắc sống, kể cả cung cấp những thông tin đầy đủ về mạng – để trẻ hiểu rằng mạng thực chất “thực” hơn mình tưởng rất nhiều.

Việc những đứa trẻ dán mắt vào màn hình máy tính, điện thoại, đã là một thực tế phải chấp nhận. Thời gian gần đây, việc chuyền nhau những đoạn video hành quyết ghê rợn con tin, tù binh… đang là một thực tế, mà người ta cố tình ngoảnh mặt làm ngơ vì cho rằng chuyện xảy ra ở đâu đó xứ người, có xem cũng vô hại, hoặc không làm gì khác hơn được.

Những đoạn video độc ác ấy đang làm chai sạn tâm hồn người xem, trong đó có không ít đứa trẻ, khiến chúng dần vô cảm trước những sự tàn ác hay nỗi đau đớn mà con người phải chịu đựng.

Sự bình an của mỗi gia đình, mỗi con người phải được quý trọng và gìn giữ một cách có ý thức. Có thể phải bắt đầu câu chuyện ấy với những đứa trẻ của chúng ta hôm nay, sinh ra trong thời bình, chưa từng biết chiến tranh là gì.

Cần phải truyền lại cho con trẻ những ký ức đau đớn về chiến tranh, về sự mất mát vô nghĩa và cái chết, về hòa bình quý giá phải đổi bằng xương máu của cha ông. Nếu hiểu được điều này, đã không có chuyện đùa giỡn giả danh những bóng ma IS – những kẻ gieo rắc nỗi sợ hãi bất an trên toàn thế giới…

 

Lập phương/ PNO

 

Bình luận (0)