Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trẻ con và đời sống

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Phần đông những đứa trẻ ở lứa tuổi  nhà trẻ 3, 4 tuổi thường vụng về trong các hành động, chẳng hạn như việc làm đổ ly nước khi ngồi vào bàn ăn, hoặc ồn ào chạy nhảy nơi công cộng. Nhưng đối với đứa trẻ tiểu học (6 tuổi) thì những vụng về nói trên chúng ta phải nhìn thấy đó là trường hợp không tốt.

Trong đời sống xã hội không ai có thể phủ nhận việc mọi người vẫn dành sự kính phục cho những người có tư cách. Do đó, nhiệm vụ của phụ huynh là hướng dẫn con cái trong đời sống.

Sau đây là những lời khuyên của các nhà xã hội, tâm lý học:

Trẻ cần được dạy dỗ, hướng dẫn từ nhỏElizabeth James, tác giả của tác phẩm Social Smart: Manners for Today’s Kids (Nhà xuất bản Clarion, 1996) nói rằng: “Tôi không thể chấp nhận việc có nhiều phụ huynh cho rằng họ không phải lo lắng về cách cư xử tốt hay xấu của con cái vì thời gian sẽ làm chúng thay đổi. Các phụ huynh nên nhớ rằng cư xử tốt là phương cách để hòa đồng với mọi người”.

Trong việc giáo dục con cái, phụ huynh dùng nhiều thời giờ để dạy dỗ con cái về cách giao tế ngoài xã hội. Ngược lại, xã hội cũng ảnh hưởng không ít đến việc giáo dục của cha mẹ cho con cái trở nên một người biết cách ứng xử tốt.

Mercedes Ojeda-Castro, một chuyên viên tâm lý làm việc cho cơ quan Psychological Affiliates ở Winter Park, Florida, Hoa Kỳ viết: “Cư xử không phải chỉ là những điều lệ cho chúng ta biết phải làm thế nào cho đúng trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng còn giúp cho chúng ứng xử cho hợp với xã hội mà chúng ta đang sống trong đó”.

Ngày nay, tại Hoa Kỳ phụ huynh không có nhiều thời giờ dành cho con cái như trước kia, nhưng nếu biết thu xếp thì đó chính là một món quà quí giá cho cả cuộc đời của con họ sau này. Bà James nhấn mạnh: “Cha mẹ sẽ muốn dạy con mình biết kính trọng người khác, và cố gắng nhìn mọi việc dưới con mắt khách quan. Con cái cần biết rằng đối xử với người khác đàng hoàng sẽ góp phần vào việc tạo một thế giới tốt đẹp hơn ở chung quanh chúng”.

Khi nói về cách cư xử, hầu như các nhà tâm lý học và giáo dục đều đồng ý với nhau một điểm là những hành động của con cái học theo cách hành xử của cha mẹ. Chẳng hạn như nếu cha mẹ cười nói ồn ào ở nơi công cộng, trước đám đông thì con cái của họ thường làm giống như vậy. Dạy dỗ cách cư xử không có gì bằng cách làm gương (role model). Beth Brainard, tác giả cuốn sách Soup should be seen, Not Heard: The Kid Etiquette Book (Nhà xuất bản DTP, 1990) viết “Trước hết, phụ huynh phải dẫn dắt trẻ bằng cách làm gương: Cha mẹ không thể mong chờ con cái của mình trở nên lễ phép nếu họ có hành động hay xử sự một cách thô lỗ, bất lịch sự. Tôi nghĩ rằng trẻ con cần được dạy dỗ về các cư xử từ khi chúng con nằm trong nôi. Nhưng điều quan trọng là chúng được dạy dỗ cách cư xử như thế nào: tốt hay xấu, đúng hay sai?”.

Khi trẻ con bắt đầu bước qua tuổi sơ sinh (khoảng từ 1 đến 2 tuổi trở lên), đó là lúc cha mẹ nên bắt đầu dạy cho con cái về cách cư xử. Phụ huynh không cần phải thuyết giảng cả tiếng đồng hồ với con cái. Một cách tự nhiên, trẻ con luôn luôn muốn làm vui lòng người khác và sẽ lấy làm thích thú khi được giải thích là tại sao “đối xử như vậy là một hành động dễ thương với người khác”. Bà Elizabeth James cũng cho biết là trẻ con rất muốn biết những luật lệ trong gia đình là gì. Bởi vì những hiểu biết này sẽ giúp chúng thoải mái và biết phải hành xử sao cho đúng khi gặp phải trường hợp khó giải quyết.

Phụ huynh có thể bắt đầu dạy con những điều căn bản về cách cư xử như biết nói “xin vui lòng” (please) và “cảm ơn” (thank you) bất cứ khi nào có thể. Rồi dần dần “Xin cho tôi được phép” (excuse me) và “Tôi xin lỗi” (I’m sorry). Luôn khen thưởng con khi chúng nhớ dùng những chữ đúng và giải thích cho chúng thấy là một cách cư xử tốt biểu lộ sự dễ thương đồng thời có thể làm cho mọi người vui vẻ.

Một đôi khi chúng ta nên nhớ rằng ngay cả người lớn cũng lầm lỗi và có những hành động không hợp lẽ. Nếu đang ở nơi công cộng, đám đông, khi con lỡ có một hành động không thích hợp, chớ nên la mắng, ngược lại nên nói nhỏ nhẹ và bảo con phải sửa ngay cách cư xử đó, tránh đừng làm cho con bị xấu hổ trước mặt mọi người. Sau đó, khi về nhà gọi con vào phòng riêng và nói chuyện về câu chuyện vừa xảy ra và cho biết là hành động đó không được chấp nhận, cha mẹ nên đề nghị ngay những cách thức để sửa đổi cho khá hơn.

Vài điều căn bản thông thường cần dạy con về cách cư xử:

1. Khi ăn uống: Phải dùng đũa muỗng như thế nào. Ngồi ra làm sao. Trong trường hợp đang ăn mà lỡ ợ hơi thì nhớ nói “xin lỗi”.

2. Trả lời điện thoại như thế nào. Lấy lời nhắn ra sao. Phải trả lời như thế nào khi có người gọi lộn số.

3. Phải xử sự như thế nào ở nơi công cộng. Tự giới thiệu mình như thế nào? Khi đến thăm viếng hay có người lớn đến nhà thì phải làm những điều gì?

4. Khi dự tiệc: Biết tôn trọng tài sản của người mời mình đến. Nhận xét tế nhị khéo léo, tránh phê bình.

Sự thành công của phụ huynh trong việc dạy con về cách cư xử sẽ đạt được kết quả hơn nếu quí vị chờ cho đến khi con mình sẵn sàng để học những phương cách này. Sau đây là từng hạng tuổi:

– Từ 3 đến 5 tuổi: Dạy con chào hỏi khi đến và đi (hello và goodbye), nói “xin vui lòng” (please) và “xin lỗi” (excuse me) khi đụng phải người khác hay muốn người khác tránh chỗ cho mình đi qua.

Biết hỏi xin phép nếu muốn lấy thức ăn xa nơi mình ngồi.

Không nói khi thức ăn đầy trong miệng. Tỏ sự kính trọng người khác, bao gồm những người tàn tật, lớn tuổi.

– Từ 6 đến 7 tuổi: Biết chờ đến phiên mình rồi mới nói. Kính trọng người lớn tuổi, chẳng hạn như biết nhường cho họ đi trước khi vào cửa tiệm hay vào nhà.

– Từ 8 đến 10 tuổi: Gửi thiệp cám ơn khi nhận được quà. Học cách nói điều tế nhị để không làm người khác buồn lòng.

Nếu được dạy dỗ và hướng dẫn ngay từ nhỏ, trẻ con có thể biết cách cư xử đúng ở những nơi công cộng; thí dụ như không nói to tiếng hay làm những hành động gây khó chịu cho những người chung quanh khi chúng khoảng 5, 6 tuổi. Khi trẻ được 10 tuổi, chúng đã có thể biết sử dụng sự thận trọng như không nói đến những chuyện riêng tư của gia đình chúng.

Trên đây là những bài học mẫu trong các chương trình đào tạo các cô giáo nhà trẻ và giáo viên cấp một tại các trường đại học (viết theo tạp chí Family  Child Education Department Development).

Lệ Thanh (California)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)