Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trẻ cũng bị trầm cảm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Thiếu sự chăm sóc của người thân, đặc biệt là mẹ, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi dễ mắc bệnh “trầm cảm vắng mẹ”, ảnh hưởng đến phát triển tinh thần và thể chất của trẻ
Do chồng công tác trong ngành hàng hải thường xuyên vắng nhà, bản thân cũng phải đi làm nên chị Nguyễn T.H.T (quận 5 – TPHCM) buộc phải để người vú nuôi đảm đương hầu hết việc chăm sóc con gái T.H.Nh từ lúc 4 tháng tuổi. Mỗi ngày, chị ra khỏi nhà từ sáng sớm khi con còn ngủ, đến tối mới về và thời gian dành cho con cũng hạn hẹp bởi nhiều đêm chị cũng bận rộn với công việc.
Sự cô đơn của con trẻ
Khi bé Nh. được hơn 1 tuổi, công việc thư thả hơn, có thời gian chơi với con, chị lại nhận ra dường như cháu bé cũng không thích chơi với mẹ mà chỉ loay hoay một mình với đồ chơi. Nh. thờ ơ với mọi nỗ lực giao tiếp của mẹ, cứ nhìn sang chỗ khác mỗi khi chị chuyện trò, nói chuyện với con. Qua sách vở, chị T. thấy con có những dấu hiệu hay gặp ở trẻ tự kỷ nên đưa đi khám. Rất may, Nh. không bị tự kỷ, cháu chỉ rơi vào trạng thái trầm cảm nhẹ vì gần một năm trời thiếu vòng tay mẹ.
Được gần mẹ, trẻ sẽ có điều kiện phát triển tốt về thể chất lẫn tinh thần
“Khi ở trong bụng mẹ, đứa bé với mẹ là một. Khi ra đời, trẻ cần được cảm nhận hơi ấm, mùi của mẹ. Tuy nhiên ngày nay, người mẹ thường tham gia vào công việc xã hội chứ không ở nhà chăm con như những thế hệ trước. Đa phần sau 4 tháng bà mẹ nghỉ thai sản, đứa bé đã phải xa mẹ và thường được giao cho bà, người thân trong gia đình hay người giữ trẻ chăm sóc. Thậm chí có nhiều phụ nữ phải đi làm sớm hơn. Nếu công việc của mẹ quá bận rộn khiến bé cảm thấy thiếu hơi ấm, tình thương, sự vuốt ve của mẹ, không được bú mẹ… rất có thể bé sẽ bắt đầu tự cô lập mình và có những dấu hiệu xa cách với mẹ” – BS Phạm Ngọc Thanh, cố vấn Khoa Tâm lý Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, phân tích.
Trong trầm cảm ở trẻ em nói chung, sự thiếu vắng mẹ trong những năm tháng đầu đời cũng có thể dẫn đến một dạng trầm cảm đặc trưng ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi – “trầm cảm vắng mẹ”. Trẻ mắc bệnh này có những biểu hiện khá giống với bệnh tự kỷ: không nhìn mẹ, phớt lờ nỗ lực giao tiếp của mẹ; không chịu bú, bú vào là ói hoặc các dạng rối loạn ăn uống khác; khó ngủ, hay khóc… BS Thanh lý giải: “Khi vắng mẹ, ban đầu trẻ sẽ cố gắng tìm cách để được gần mẹ, kêu gọi sự chú ý của mẹ. Nhưng nếu làm mãi không được, trẻ dần cô lập mình và “không thèm” mẹ nữa rồi rơi vào trạng thái trầm cảm. “Trầm cảm vắng mẹ” ở trẻ nhỏ có thể kéo dài đến 3 tuổi, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về thể chất lẫn tinh thần”.
Trầm cảm ở trẻ em có thể bám theo trẻ cho đến tuổi trưởng thành và có thể hình thành từ những bất ổn tinh thần ở giai đoạn sơ sinh đối với trẻ không được gần gũi mẹ. BS Phạm Văn Trụ, Phó Giám đốc BV Tâm thần TPHCM, cho biết: “Trẻ ở giai đoạn sơ sinh đã cần có sự tiếp xúc với người thân, đặc biệt là mẹ. Nếu quan sát một đứa trẻ sơ sinh vừa mở mắt, chúng ta sẽ nhận ra khi trẻ nhìn thấy người đầu tiên – thường là mẹ – trẻ sẽ chúm chím cười. Khi cảm nhận được khuôn mặt người mẹ trong một thời gian dài, trạng thái tâm thần của trẻ sẽ phát triển ổn định nhất”.
Trẻ cần môi trường ổn định
BS Thanh cho biết một số trẻ em lại bắt đầu bị trầm cảm ở tuổi đi nhà trẻ – khoảng 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi. Thiếu mẹ, bị gửi đến môi trường lạ, nhiều trẻ không đủ khả năng thích nghi và bị stress. Cha mẹ thấy con có biểu hiện lạ, nghĩ rằng nhà trẻ ấy không phù hợp, trẻ bị đối xử không tốt, bị bạn bè bắt nạt… lại vội vàng tìm nhà trẻ khác. Càng bị thay đổi về môi trường, trẻ càng stress và lâu ngày sẽ trầm cảm. Điều này cũng khiến trẻ bị ảnh hưởng về thể chất, giảm sức đề kháng, dễ bị ho, sốt, tiêu chảy… Gia đình thấy bé bệnh, để bé ở nhà chăm sóc. Được gần mẹ, người thân, trẻ tự dưng khỏi bệnh nhưng khi cha mẹ gửi nhà trẻ trở lại thì trẻ lại bị… bệnh tiếp.
“Trẻ bị trầm cảm thường dễ cáu gắt, khóc, từ chối mẹ sau một thời gian vô vọng đòi mẹ, thu mình vào thế giới riêng. Nhiều trẻ sẽ có xu hướng gắn bó với người nuôi dưỡng – có thể là người thân nào đó hay người giúp việc. Người nuôi dưỡng này nếu bị thay đổi nhiều lần cũng dễ ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ” – BS Thanh lưu ý.
Rối loạn tâm thần về sau
BS Phạm Văn Trụ cho biết một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỉ lệ loạn thần và rối loạn trầm cảm khi trưởng  thành sẽ cao hơn ở người trải qua tuổi thơ trong trại mồ côi, thiếu tình thương của cha mẹ. Một số trẻ khi đến độ tuổi trung học bắt đầu xuất hiện các hành vi tự hủy hoại nguy hiểm, thường do trầm cảm hoặc là dấu hiệu của các rối loạn hoạt động tâm thần khác. BS Phạm Ngọc Thanh lưu ý trầm cảm có thể khiến một số trẻ gặp tình trạng chậm nói.
Theo TNO

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)