Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trẻ đắm chìm trong thế giới mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Thế giới mạng internet rất phong phú và sinh động, có sức hấp dẫn rất mạnh mẽ đối với con người nói chung và thế hệ trẻ nói riêng. Điều mà các bậc cha mẹ cần lưu ý là trẻ chìm đắm trong thế giới mạng internet không chỉ lãng phí tiền bạc và thời gian mà có ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển cả về tâm hồn lẫn thể chất.

Cha mẹ cần luôn kiểm soát chặt chẽ các phương tiện công nghệ thông tin trong gia đình (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

1.Hải Bội 13 tuổi (Bình Thạnh, TP.HCM) đã có những ngày tháng chìm đắm trong thế giới internet để chơi điện tử, chẳng giao tiếp, chơi đùa với ai. Điều đáng tiếc là những năm học tiểu học, Hải Bội vốn là một học sinh giỏi toàn diện. Đầu năm học này, cô giáo chủ nhiệm đã nhiều lần nhắc nhở phê bình nhưng cậu bé vẫn chứng nào tật nấy. Cha mẹ Hải Bội đã hết sức cố gắng gần gũi con mới hay nguyên nhân chính khiến con sa đà vào thế giới ảo là vì khi bước vào lớp 6, Hải Bội thật sự ngỡ ngàng vì nội dung và phương pháp học ở cấp 2 khác hẳn với tiểu học. Do không theo kịp, nên Hải Bội học đuối dần và đâm ra chán nản, buông xuôi. Cha mẹ thấy cậu học kém hơn, nhưng do bận rộn không tìm hiểu kỹ nguyên nhân mà cho rằng chỉ vì con lười học nên cứ quát tháo, mắng mỏ. Cô giáo phê bình khiến Hải Bội cảm thấy xấu hổ. Vào thời điểm đó, có mấy đứa bạn rủ rê cậu lên mạng chơi game, lập facebook kết bạn ảo… Ở trên mạng Hải Bội như được “lột xác”, không ai biết thân phận thật của mình. Những cảm giác được thỏa mãn bù đắp được những thất vọng mà cậu không có được trong cuộc sống thực. Vậy là Hải Bội dần “sa chân” trong thế giới ảo lúc nào không hay. Cha mẹ cậu phải cậy nhờ đến chuyên gia tâm lý để đưa cậu ra khỏi thế giới mạng internet.

2.Hầu hết các bậc cha mẹ hiện nay thường chỉ quan tâm đến việc con học tập thế nào, lo lắng cho con đầy đủ cuộc sống vật chất và ngỡ rằng con trẻ chỉ cần bấy nhiêu thôi. Vì thế đã bỏ qua điều mà chúng thật sự cần là sự quan tâm, gần gũi, chia sẻ, thấu hiểu của cha mẹ. Trẻ hàng ngày sống và đối mặt với những hẫng hụt và áp lực nặng nề. Chúng đã tìm đến mạng internet nhất là những trò chơi, bộ phim cảm giác mạnh cho trẻ cảm giác được thỏa mãn, được khẳng định mình. Đặc biệt, đối với những trẻ có thành tích học tập không như mong muốn, thường bị cha mẹ rầy la, trách mắng, thầy cô nhắc nhở, bạn bè không thích gần gũi, ngại chơi cùng, chúng không thấy được giá trị thực của bản thân. Trong khi đó, trong thế giới ảo của mạng internet như các trò chơi online, trẻ có thể hóa thân thành những nhân vật anh hùng hảo hán. Chỉ cần trẻ đầu tư sức lực,  thời gian và tiền bạc là có thể trở thành nhân vật hào kiệt ai cũng ngưỡng mộ. Trẻ được thỏa mãn lòng tự trọng của mình trong thế giới mạng. Sức mê hoặc như thế rất khó cưỡng nổi, nhất là đối với trẻ khả năng kiềm chế, quản lý cảm xúc, nhu cầu bản thân còn hạn chế. Vì thế, có thể khẳng định rằng sự xao nhãng và thiếu quan tâm kịp thời của gia đình, nhà trường là một trong những nguyên nhân trực tiếp đẩy trẻ đến với thế giới ảo.

3.Để con không đắm chìm trong thế mạng internet, cha mẹ phải dành nhiều thời gian gần gũi, quan tâm, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng và ước mơ cùng trẻ.

Trước hết, cha mẹ cần luôn kiểm soát chặt chẽ các phương tiện công nghệ thông tin trong gia đình. Máy tính, iPhone, iPad… không nên giao cho trẻ thoải mái sử dụng để lên những trang web không lành mạnh. Tuyệt đối không được nghe theo yêu cầu của trẻ để chúng tự ý sử dụng trong phòng riêng. Việc tham khảo hay là chơi các trò game online trong một khoảng thời gian nhất định là một thú tiêu khiển, giải trí có ích, một cách rèn trí thông minh, hình thành một số kỹ năng xử lý vấn đề. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng mà sa đà vào thế giới mạng thì cần phải kiểm soát, ngăn chặn kịp thời.

Thứ hai, cần giáo dục con thái độ tích cực, tự giác. Bởi nếu cha mẹ có giám sát tốt ở gia đình, nhưng trẻ thiếu tính tự giác, thì trẻ sẽ lên mạng ở bên ngoài nhà bạn hoặc ở quán nét ngoài xã hội sẽ có những hậu quả còn đáng nguy hại hơn. Cùng với việc hướng dẫn con cách lên mạng thì cha mẹ kết hợp giáo dục con những phẩm chất nhân cách đáng quý của một người khi muốn gia nhập vào xã hội.

Thứ ba, cần có sự thỏa thuận có lợi cả hai phía cha mẹ và con trẻ. Cha mẹ không thể lúc nào cũng kè kè bên con, như thế chỉ làm cho mối quan hệ trong gia đình càng căng thẳng và không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Cha mẹ cần nói rõ mục đích vì sao con không nên sa đà vào mạng internet, nhưng không cấm đoán một cách cứng nhắc, trẻ vẫn được lên mạng để tìm kiếm thông tin và chơi game đúng như quy ước giữa cha mẹ và trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ cần hướng trẻ vào những hoạt động lành mạnh, bổ ích.

Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)