Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trẻ đau bụng từng cơn dễ là bị lồng ruột

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Khóc thét từng cơn, ưỡn người có thể là triệu chứng bé bị bệnh lồng ruột. Ảnh: Corbis.com.Nhiều phụ huynh thấy trẻ đau bụng lầm tưởng con bị đầy hơi hay đi ngoài bình thường mà không biết đó có thể là triệu chứng của bệnh lồng ruột, một bệnh nguy hiểm đến tính mạng nếu phát hiện chậm.

Theo các bác sỹ chuyên khoa: Nguyên nhân hay gặp nhất của bệnh lồng ruột ở trẻ em là do trước đó trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường ruột hoặc tiêu chảy do thời tiết giao mùa, mưa nắng thất thường, sức đề kháng của trẻ lại yếu.

Những cơn đau lặp đi lặp lại – dấu hiệu của lồng ruột

Đang chơi ngoài sân với bạn, bé Bin (ngõ 195, Đội Cấn, Hà Nội) chốc chốc lại chạy vào nhà nhăn nhó kêu đau bụng và bắt mẹ xoa quanh rốn. Chưa đầy 1 phút sau, bé lại hất tay mẹ với vẻ mặt tươi tỉnh: “Con khỏi rồi!” và chạy ào ra chơi tiếp. Sự việc này lặp đi lặp lại gần 10 lần trong 12 giờ đồng hồ khiến mẹ bé Bin lo lắng. Đưa con vào viện khám, các bác sỹ kết luận bé bị lồng ruột, phải nhập viện ngay.

Nằm cùng phòng số 6 khoa cấp cứu, bệnh viện Nhi trung ương cùng bé Bin còn có gần 10 em khác cũng có dấu hiệu tương tự.

Chị Hoa, mẹ bé Nhím (đường Nguyễn Tam Trinh, Hà Nội) kể: Nhím cũng thi thoảng kêu đau bụng nhưng một lúc lại khỏi ngay nên chị cũng chủ quan. Qua một ngày, bé vẫn bình thường nhưng sang ngày thứ hai, bé kêu đau bụng nhiều hơn, cơn đau lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian 45 phút/1 lần. Chị Hoa lúc đó mới đưa con đi khám, rất may là ruột của cháu vẫn chưa đến mức bị hoại tử.

Bác sỹ Hoàng Thanh Sơn, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cả hai bé trên đã được tháo lồng ruột bằng phương pháp áp lực hơi, dưới sự hướng dẫn của máy soi X – quang. Hơi được bơm vào ruột già, với một áp lực vừa phải cho đến khi khối ruột lồng được tháo ra hoàn toàn. Rất may chỉ sau 10 phút thao tác, cả hai bé đều được bác sỹ tháo lồng ruột an toàn.

Cứ 10 trẻ mắc lồng ruột thì 8 trẻ bị hoại tử ruột sau 72 giờ

Bác sỹ Sơn cho biết, trẻ bị lồng ruột được đưa đến viện kịp thời thì việc tháo lồng khá đơn giản. Tuy nhiên, nếu đến viện quá muộn thì bắt buộc phải phẫu thuật vì ruột đã bị hoại tử.

Cũng theo bác sỹ Sơn, thời gian để trẻ đau càng dài, hai đoạn ruột lồng càng chui sâu vào nhau, làm cho đoạn ruột bị lồng sưng nề, các mạch máu nuôi ruột bị nghẽn, khiến ruột bị tắc gây nhiễm trùng huyết, hoại tử ruột, thủng ruột…

Bác sỹ Thanh Nga, bệnh viện Nhi đồng 1 cảnh báo: Nếu không được điều trị kịp thời, khối lồng sẽ bị hoại tử dẫn đến thủng ruột, sau đó dịch và phân trong lòng ruột xì ra ổ bụng gây nên viêm màng bụng, nhiễm trùng nặng nề. Thống kê cho thấy 2,5% khối lồng bị hoại tử trước 48 giờ và 82% hoại tử sau 72 giờ.

Một lý do hay gặp ở trẻ bị lồng ruột là trước đó trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, tai mũi họng và nhiễm khuẩn đường ruột hoặc bị tiêu chảy. Đặc biệt là thời điểm giao mùa, sức đề kháng của trẻ yếu nên hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Nhận biết trẻ đau vì lồng ruột

Bác sĩ Hoàng Thanh Sơn cho biết, bệnh lồng ruột dễ xảy ra ở trẻ nhỏ do kích thước của ruột non và ruột già quá chênh lệnh nhau. Tuy nhiên, với những trẻ lớn hơn, cha mẹ cũng không nên chủ quan vì bệnh vẫn xảy ra với một số bé 2 – 3 tuổi.

Với những trẻ đã biết nói, cha mẹ có thể dễ dàng đoán bệnh thông qua việc kêu đau bụng ở trẻ nhưng bệnh lồng ruột lại thường hay gặp ở bé còn bú mẹ, trong độ tuổi từ 4 đến 9 tháng. Rất khó phân biệt trẻ khóc bình thường với khóc do bị lồng ruột.

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Lộc, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, khi trẻ bị đau do lồng ruột sẽ có những biểu hiện như: bỏ bú, da tím tái, không chú ý đến xung quanh mà khóc thét từng cơn, có thể ưỡn người hoặc co 2 chân về phía trước do đau bụng dữ dội.

Việc đau bụng thường diễn ra từng cơn, kéo dài khoảng 15-20 phút. Bên cạnh triệu trứng đau bụng, trẻ thường bị nôn ra dịch nhầy màu xanh hoặc vàng. Sau khi nôn trẻ rất mệt, nằm li bì hoặc kích thích vật vã, thở khò khè… Trẻ cũng có thể đại tiện ra máu và thường lẫn với chất nhầy màu đỏ hoặc nâu, có khi cả máu đen. Khi thấy trẻ có những biểu hiện này cần đưa ngay đến bệnh viện chụp X quang, siêu âm để chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị phù hợp.

Bác sỹ Lộc cũng lưu ý, lồng ruột là chứng bệnh nguy hiểm đến tính mạng nếu phát hiện chậm trễ. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhi đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy cấp do người lớn lầm tưởng trẻ bị đầy bụng hoặc đi ngoài thông thường.

Theo Vnexpress

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)