Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi nếu được điều trị bằng thuốc kháng sinh quá sớm sẽ có nhiều nguy cơ bị béo phì sau này.
Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Nhi thành phố Philadelphia, Mỹ, công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y học Mỹ (JAMA) số ra ngày 29/9.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: npr.org)
Để thực hiện nghiên cứu này, các chuyên gia đã theo dõi hồ sơ y tế của gần 65.000 trẻ em được điều trị tại các trung tâm y tế trong giai đoạn 2001-2013.
Hơn 70% trong số này được điều trị bằng kháng sinh phổ rộng trước 2 tuổi.
Kháng sinh phổ rộng là loại kháng sinh có hoạt tính với nhiều loại vi khuẩn khác nhau và thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng phổ biến.
Kết quả nghiên cứu cho thấy nguy cơ béo phì ở những trẻ được khảo sát đã tăng từ 2-20%, chủ yếu ở những trẻ dưới 2 tuổi được điều trị kháng sinh trên 4 lần.
Trong khi đó, những trẻ từ 2-4 tuổi cũng có nhiều nguy cơ béo phì và thừa cân hơn so với những trẻ không sử dụng kháng sinh.
Cũng theo nghiên cứu trên, những trẻ được điều trị bằng kháng sinh phổ hẹp, loại kháng sinh chỉ tác động với một số vi khuẩn, không có nguy cơ gặp các vấn đề về cân nặng sau này.
Nhóm chuyên gia trên khuyến cáo hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh phổ rộng trong điều trị và ưu tiên sử dụng các loại thuốc kháng sinh phổ hẹp. Theo họ, việc các bác sỹ kê kháng sinh bừa bãi và phụ huynh lạm dụng thuốc kháng sinh cho trẻ nhỏ cũng gây ra tình trạng kháng thuốc đang ngày càng phổ biến.
Béo phì là một trong những vấn nạn lớn của ngành y tế Mỹ. Trong những năm gần đây, giới chức y tế nước này đã đẩy mạnh nhiều chiến dịch vận động tuyên truyền, qua đó kêu gọi các bác sỹ hạn chế kê kháng sinh cho trẻ nhỏ đồng thời phổ biến cho các bậc phụ huynh về tác hại của thuốc kháng sinh./.
(TTXVN/Vietnam+)
Bình luận (0)