Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trẻ dễ say nắng khi chơi thể thao

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ chơi bóng ngày hè (ảnh chụp ở P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: TTCả nước bắt đầu bước vào mùa nắng nóng. Trẻ em cũng nghỉ hè nên đây là thời gian các em được chơi thể thao thỏa thích. Bên cạnh các chấn thương hay gặp mà báo chí đã nêu, các bậc phụ huynh cũng nên chú ý đến tình trạng say nắng do các em chơi say mê dưới cái nắng và nóng. Sốc nóng là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba sau tim mạch và chấn thương đầu ở các trường trung học Mỹ.

Tại sao trẻ em dễ bị say nắng hơn người lớn? Vì những nguyên nhân sau đây: một là, trẻ em tạo nhiều nhiệt hơn một cách tương đối so với trọng lượng cơ thể khi chơi cùng một môn thể thao. Hai là, trẻ em thoát nhiệt kém hơn do diện tích bề mặt cơ thể ít hơn. Ba là, trẻ em tiết mồ hôi ít hơn. Bốn là, ngưỡng tiết mồ hôi ở trẻ em cao hơn người lớn. Năm là, thành phần mồ hôi trẻ em khác với người lớn. Sáu là, cùng mất một lượng nước như nhau thì trẻ em sẽ tăng thân nhiệt nhiều hơn. Bảy là, cung lượng tim trên đơn vị oxy tiêu thụ của trẻ em thấp hơn so với người lớn, và như vậy khả năng thích nghi với cái nóng của trẻ em sẽ kém hơn so với người lớn. Điều này khiến trẻ em dễ bị say nắng hơn người lớn.

Triệu chứng say nắng? Say nắng không phải là một chẩn đoán mà là tình trạng biểu hiện bằng triệu chứng mất khả năng đi hay đứng không có sự trợ giúp do cảm thấy đầu nhẹ đi, mệt mỏi, ngất kết hợp với tình trạng kiệt sức, nôn ói, chuột rút và nhiệt độ cơ thể có thể bình thường, giảm hay tăng.

Cách điều trị? Một khi bị say nắng, các em nên được đưa vào chỗ mát, cởi hết quần áo, đặt các túi nước đá vào các vùng thải nhiệt nhiều như cổ, nách, háng. Có thể dùng các dung dịch bay hơi nhanh để xịt lên các vùng cơ thể làm tăng tốc độ thải nhiệt. Làm tăng sự đối lưu không khí bằng cách mở quạt.

Tốt nhất là nên phòng ngừa. Phòng ngừa bằng cách chỉ nên cho các em chơi thể thao vào buổi sáng sớm hay chiều tối khi nhiệt độ môi trường và độ ẩm giảm bớt. Độ ẩm cao làm không bay hơi được mồ hôi do vậy làm giảm cơ chế thải nhiệt quan trọng của cơ thể. Các em phải được làm quen với môi trường nóng, điều này ít quan trọng với xứ nhiệt đới như ở ta vì nóng quanh năm, mặc quần áo làm mồ hôi dễ bay hơi (cotton).

Cho các em uống nước đều đặn trong thời gian thi đấu hay chơi thể thao, uống bất kỳ khi nào thấy khát. Nhiệt độ nước nên thấp hơn nhiệt độ môi trường, nhiệt độ nước uống từ 15-22OC. Nước nên có mùi thơm cho dễ uống, kích thích khẩu vị. Đối với những môn chơi kéo dài hơn một giờ thì nên thêm loại nước uống có carbohydrate (4-8%) và điện giải (nước khoáng chẳng hạn).

BS Tăng Hà Nam Anh/Tuổi Trẻ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)