Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trẻ đi du lịch ăn sao cho khỏe?

Tạp Chí Giáo Dục

BS. CK1 Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) trò chuyện về ăn uống cho trẻ khi đi du lịch.

Đi du lịch, để niềm vui của cả nhà trọn vẹn cần chăm chút cho trẻ ăn uống – Ảnh: Gia Tiến
Theo BS Yến Thủy, tùy từng độ tuổi cũng như thời gian đi, địa điểm và dịch vụ du lịch… mà chuẩn bị chế độ ăn uống cho trẻ. Đi ngắn ngày thì chuyện ăn trễ giờ thiếu bữa, thiếu dinh dưỡng cũng có thể chấp nhận được. Nhưng khi đi chơi xa 4-5 ngày trở lên cần có kế hoạch đảm bảo chế độ ăn cho bé để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thức ăn của trẻ thường là sữa, bột, cháo, bún, nui… và các thức ăn lỏng, loãng, ít năng lượng, mau tiêu, mau đói… nên phải ăn nhiều bữa trong ngày mới đạt đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết. Với trẻ nhỏ thì cần cả những cữ bú mẹ ban đêm.
Bữa ăn sáng bé cần được nạp năng lượng đầy đủ (chiếm 25-35% tổng năng lượng trong ngày). Bữa ăn sáng, trưa, tối phải có đủ bốn nhóm thực phẩm: bột đường (cơm, cháo, bún, mì, nui, phở, khoai…); đạm (thịt, cá, tôm, trứng, đậu hũ…); béo (dầu, mỡ); rau củ và trái cây. Ngoài những bữa ăn chính cần có các bữa ăn phụ xen kẽ (có thể là hộp sữa tươi, hũ sữa chua, bánh bông lan, củ khoai, trái bắp, rau câu, ly kem, trái cây…) để hỗ trợ kịp thời khi các bữa chính cách xa 4-5 giờ. Bữa phụ nên có vào khoảng 9g sáng, 3-4 giờ chiều và trước khi đi ngủ tối.
Hãy cẩn thận khi chọn mua đồ hộp, sản phẩm ăn liền đóng gói sẵn. Cần lưu ý đọc nhãn hiệu bao bì (nơi sản xuất, thành phần nguyên liệu, giá trị dinh dưỡng, hướng dẫn sử dụng và bảo quản). Chọn hàng mới sản xuất và còn hạn sử dụng lâu, cách bảo quản ở nơi bày bán đúng chuẩn (khô ráo, thoáng mát, không bị chiếu nắng). Khi mở bao bì hoặc ăn vào nếu thấy khác lạ, thay đổi màu, mùi vị thì không nên sử dụng.
Cần cảnh giác cao độ về vệ sinh an toàn thực phẩm với các thức ăn hàng quán để cuộc vui trọn vẹn và sức khỏe của trẻ được đảm bảo.
KIM SƠN ghi (TTO)

 

Bình luận (0)