Sự kiện giáo dụcTin tức

Trẻ được chăm sóc một cách toàn diện

Tạp Chí Giáo Dục

Ở trường mầm non, trẻ đang được chăm sóc một cách toàn diện

Chiều 4-2, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác chuyên môn mầm non học kỳ I năm học 2009-2010. Qua đó cho thấy, các bé đang được cô chăm sóc một cách toàn diện từ việc ăn ngủ cho đến bảo đảm an toàn…
Các trường phấn đấu đạt “3 không”
Năm học 2009-2010, các trường mầm non xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững, toàn diện và chất lượng. Cụ thể là cố gắng bảo đảm một năm học “3 không”: không dịch bệnh, không ngộ độc thực phẩm, không tai nạn gây tử vong.
Theo đó, mô hình “Chăm sóc nuôi dưỡng tốt” không chỉ được triển khai trong các trường công lập mà đã nhân rộng cho khu vực ngoài công lập. Ngay từ đầu năm học, tất cả các cơ sở mầm non đã tự kiểm tra về an toàn đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị và thực phẩm. Các quận, huyện cũng tổ chức kiểm tra chéo 100% đơn vị và phúc tra các đơn vị đã khắc phục thiếu sót.
Nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập tiến hành xây dựng bếp một chiều. Còn các trường công lập đầu tư kinh phí để inox hóa đồ dùng thiết bị phục vụ ăn uống cho trẻ…
Chống suy dinh dưỡng (SDD) và dư cân béo phì (DCBP) là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các trường mầm non phải thực hiện. Vì vậy, công việc tính khẩu phần dinh dưỡng rất được quan tâm. “Các đơn vị duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý và thỏa thuận với phụ huynh về chế độ đóng góp tiền ăn để đảm bảo cung cấp được 50-60% nhu cầu dinh dưỡng cho từng lứa tuổi. Ngoài ra, một số đơn vị còn tổ chức ăn bữa sáng và bữa chiều cho trẻ theo nhu cầu của phụ huynh. Ngoài chế độ ăn thông thường, tùy vào thể trạng của trẻ, nhà trường thực hiện các chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ suy SDD, DCBP. Kết quả, tỷ lệ trẻ SDD giảm gần 65%, DCBP giảm trên 40% so với đầu năm học”, bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT cho biết.
Mấy năm học trước, trên địa bàn thành phố đã có một số trường hợp tử vong do dị ứng thực phẩm. Theo đó, các trường đặc biệt lưu ý thực đơn cho trẻ có tiền sử dị ứng với một số thực phẩm…
Về công tác phòng bệnh, phòng dịch, nhà trường phối hợp với y tế địa phương tổ chức khám sức khỏe, tẩy giun cho cháu và cô; xử lý kịp thời khi có dịch bệnh dịch xảy ra trong nhà trường như cúm A/H1N1, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, trái rạ. Một số đơn vị chưa có cán bộ y tế chuyên trách đã liên hệ và hợp đồng với cán bộ y tế phường, xã hỗ trợ nhà trường trong công tác theo dõi và chăm sóc sức khỏe trẻ tại trường…
Áp lực sĩ số
Tính đến thời điểm này, thành phố hiện có 771 trường, trong đó công lập có 411 trường, dân lập, tư thục có 360 trường. Ngoài ra, thành phố còn có 1.639 nhóm lớp mầm non tư thục.
So với cả nước thì tốc độ xây dựng trường lớp ở TP.HCM khá nhanh, năm nào cũng có vài trường mới được ra đời. Tuy vậy, với số trường hiện có, đặc biệt là các trường công lập không thể đáp ứng được hết nhu cầu gửi con của đông đảo phụ huynh. Thậm chí ở một số quận, huyện vẫn chưa xóa trắng được các phường, xã không có trường mầm non công lập. Điều đó càng làm cho các trường công lập, nhất là những trường có cơ sở vật chất khang trang quá tải về sĩ số/lớp. “Theo đó đã dẫn đến sự quá tải về cường độ lao động của giáo viên và phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện các hoạt động giáo dục cá thể hóa đứa trẻ”, bà Kim Thanh nhấn mạnh.
Sự quá tải ở các trường công lập đã tạo điều kiện cho các cơ sở ngoài công lập phát triển. Bên cạnh những cơ sở làm tốt cũng có không ít cơ sở đặt lợi nhuận kinh doanh cao hơn nhu cầu được nuôi dạy, chăm sóc của trẻ. Ở một số cơ sở, nhất là các nhóm trẻ gia đình, chất lượng và điều kiện sống của trẻ còn hạn chế. Nhiều cơ sở còn chật chội và thiếu thốn trang thiết bị, đồ chơi, học cụ. Một số cơ sở quá đông trẻ so với quy định của Điều lệ trường mầm non. Về phía giáo viên, còn nhiều lúng túng khi tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ. Đặc biệt là giờ ăn, giờ chơi, trẻ còn phải sếp hàng chờ lâu và thụ động, chưa được hoạt động tích cực.
Việc quản lý các trường mầm non tư thục có yếu tố nước ngoài trong học kỳ 1 còn lỏng lẻo. Nhiều trường có giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy chương trình tiếng Anh cho trẻ nhưng không có bằng sư phạm mầm non, chỉ có chứng chỉ tiếng Anh. Thậm chí có nhiều trường sử dụng từ “quốc tế” mà không có quyết định cấp phép, gây ngộ nhận cho phụ huynh.
“Những hạn chế này sẽ được khắc phục trong học kỳ 2 để chất lượng GDMN này càng phát triển”, bà Kim Thanh khẳng định.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)