Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trẻ dưới 5 tuổi dễ nhiễm khuẩn hô hấp cấp

Tạp Chí Giáo Dục

Các bệnh nhi mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tại Khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1. Ảnh: H.Triều

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp (NKHHC) là một bệnh rất phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, tần suất mắc bệnh từ 5-7 lần/năm. Bệnh rất dễ lây lan, nhất là ở những môi trường đông trẻ như các trường mầm non. Đặc biệt, bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu không biết cách chăm sóc…
NKHHC là gì?
Nguyên nhân dẫn đến bệnh NKHHC là do vi trùng, vi rút. Đa phần các NKHHC thường gặp là bệnh nhẹ với triệu chứng cảm lạnh, ho, sốt, chảy mũi. Tuy nhiên nếu không biết cách điều trị, bệnh sẽ trở nặng thành viêm phổi, viêm tiểu phế quản, suyễn. 20% trẻ dưới 5 tuổi tử vong có nguyên nhân do viêm phổi, viêm tiểu phế quản và suyễn, trong đó 90% là do viêm phổi.
Tất cả trẻ em đều có thể mắc bệnh NKHHC. Những trẻ dễ mắc hơn và khi mắc bệnh thường nặng là trẻ có cân nặng dưới 2,5kg, suy dinh dưỡng, thiếu Vitamin A và không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ.
Bệnh NKHHC thường xảy ra khi thời tiết lạnh, thay đổi và chuyển mùa. Khói bụi, khói thuốc lá, nhà chật chội thiếu vệ sinh, đời sống kinh tế thấp cũng là nguyên nhân để bệnh xuất hiện.
Khi mắc bệnh, trẻ thường ho, chảy mũi và có thể tự hết bệnh. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, ngoài các dấu hiệu trên còn kèm theo sốt nhẹ, thậm chí là sốt cao. Với các trường hợp này, phải uống thuốc mới hết bệnh. Đôi khi cũng có những trường hợp bệnh diễn tiến xấu với các dấu hiệu như thở nhanh, lồng ngực bị rút lõm khi thở vào, thở rít, khò khè, cánh mũi phập phồng, tím tái. Những trường hợp này nếu không được xử trí kịp thời, trẻ sẽ không thở được và dẫn đến tử vong.
NKHHC được chia làm 2 loại là NKHH trên và NKHH dưới. NKHH trên rất thường gặp và bệnh cũng nhẹ, với các loại bệnh như cảm lạnh, viêm mũi – họng, viêm amidan, viêm tai giữa và viêm xoang. Ngược lại, NKHH dưới ít gặp nhưng bệnh nặng hơn. Đó là các bệnh viêm thanh quản, viêm khí quản – phế quản, viêm tiểu phế quản và viêm phổi.
Cách bảo vệ trẻ khỏi dịch bệnh
NKHHC là do vi trùng gây nên mà vi trùng thì ở khắp mọi nơi. Vì vậy, cách phòng chống bệnh tốt nhất là giảm thiểu lượng vi trùng xâm nhập bằng cách rửa tay và giữ vệ sinh. Theo đó, những người chăm sóc trẻ phải rửa tay sau khi thay tã (cho trẻ), đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với các chất tiết như đàm, nhớt, khi đi đổ rác, sau khi chơi ở sân. Ngoài ra, sau khi chạm vào cá còn tươi sống, chó mèo, cá chưa rửa sạch, thay nước hồ cá cũng phải rửa tay. Đối với giáo viên, trước khi bước vào hay ra khỏi trường học cũng phải rửa tay.
Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh: trẻ trông rất mệt mỏi (lừ đừ, hay khóc, khó thở, nổi rất nhanh các ban lạ); sốt (ở nách trên 37,50C), ở miệng trên 380C), kèm theo thay đổi hành vi hay bất kỳ triệu chứng nào (đau họng, nổi ban, ói, tiêu chảy). Tuy nhiên, nếu trẻ nhỏ hơn 4 tháng tuổi, chỉ cần sốt là phải đưa tới bệnh viện ngay.
Viêm phổi là một trong những bệnh thuộc loại NKHH dưới. So với các bệnh khác như viêm thanh quản, viêm khí quản – phế quản, viêm tiểu phế quản thì nguy hiểm hơn. Trẻ bị viêm phổi rất dễ tử vong, chiếm 90% trong số những trẻ dưới 5 tuổi tử vong có nguyên nhân do NKHHC.
Vậy làm sao nhận biết trẻ bị viêm phổi? Trẻ thở nhanh. Đối với trẻ dưới 2 tháng, thở trên hoặc bằng 60 lần/phút; trẻ từ 2 đến 12 tháng, thở trên hoặc bằng 50 lần/phút; trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi, thở dưới hoặc bằng 40 lần/phút là đã bị viêm phổi. Nếu kèm theo rút lõm lồng ngực là viêm phổi nặng.
Phụ huynh cần chủng ngừa theo lịch, chủng ngừa cúm cho trẻ để hạn chế bệnh.
BS. Trần Thị Hồng Tâm
(Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 2 – TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)