Tình trạng bỏ bê, thiếu sự giao tiếp và chăm sóc phù hợp trong giai đoạn đầu đời ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển về thể chất, tâm lý và nhận thức của trẻ. Do đó, phụ huynh cần quan tâm, chăm sóc trẻ đúng cách, sớm can thiệp nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường để các em có tuổi thơ trọn vẹn, phát triển tốt về thể chất lẫn tinh thần.
Đó là lưu ý của các chuyên gia tại buổi giao lưu “Ngăn ngừa và chữa lành sang chấn tâm lý ở trẻ em: Từ gia đình đến xã hội” diễn ra mới đây tại Đường sách TP.HCM (Q.1).
Bỏ bê gây sang chấn tâm lý
Trước đây, trẻ nhỏ thường sống trong gia đình hai, ba thế hệ. Ngoài cha mẹ, trẻ còn có ông bà, cô chú hay cậu dì hỗ trợ chăm sóc. Ngày nay, xã hội phát triển, nhiều bạn trẻ thích tự lập nên sống riêng, thậm chí ở xa gia đình. Khi có con chỉ có hai vợ chồng chăm sóc. Áp lực tài chính cộng thêm con cái khiến cha mẹ khó làm tròn được bổn phận và vô tình gây tổn thương cho trẻ. Bên cạnh đó, trẻ bị mất mối dây về tình thâm, áp lực đồng trang lứa… dẫn đến bị sang chấn tâm lý. ThS. Nguyễn Tú Anh (nhà thực hành tâm lý trong lĩnh vực trẻ em và làm cha mẹ) cho biết, những trải nghiệm tiêu cực trong thời thơ ấu như bị bỏ bê, lạm dụng, bạo lực… có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ trong tương lai.
Theo ThS. Tú Anh, từ giai đoạn sơ sinh đến 5 tuổi là giai đoạn vàng, giai đoạn kim cương phát triển trí não của trẻ. Đây là thời kỳ trẻ có lượng tế bào thần kinh “khủng” và được ví như “đám rừng”. Nếu phụ huynh cất công chăm sóc, “quy hoạch” thì “đám rừng” đó trở thành “đô thị”. Ngược lại, nếu bị bỏ bê, “đám rừng” sẽ ngày càng rộng lớn, um tùm, tối tăm vì không được chăm sóc. “Trẻ rất cần sự chăm sóc. Không chỉ được cho ăn đầy đủ mà trẻ cần được giao tiếp, tương tác bằng lời ru, ánh mắt, nụ cười của người lớn. Như vậy sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển của trẻ sau này”, ThS. Tú Anh nói.
ThS. Tú Anh cho biết thêm: “Nếu trẻ bị bỏ bê, không được quan tâm, chăm sóc ngay từ nhỏ thì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn ảnh hưởng đến thể chất. Trong quá trình làm việc, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ gặp sang chấn tâm lý. Thậm chí có những ca tưởng như bình thường nhưng qua nhiều tuần, nhiều tháng thì sự thật mới được bóc tách ra. Giống như bóc một củ hành, đến ngày bóc tách ra được thì mới thấy đứa trẻ này đã trải qua rất nhiều sang chấn tâm lý”.
ThS.BS Đào Thị Thu Hương (Chuyên khoa Tâm thần nhi, Bệnh viện Nhi đồng 2) chia sẻ, trẻ từ 13 tháng tuổi trở đi phải tập nói, tập đi đứng. Nếu đối xử với trẻ như “con cún” chỉ biết bò, la hét, không có sự tương tác giữa người với người thì dần dà sẽ khiến trẻ sợ sệt những thứ xung quanh, dễ kích động. Dần dần, trẻ sẽ chậm phát triển, bị trầm cảm, tự kỷ và sang chấn tâm lý. Nếu những dấu hiệu này phát hiện càng trễ thì hậu quả càng nặng, khả năng hồi phục khó khăn.
Cần can thiệp sớm
Theo ThS. Nguyễn Tú Anh, thực tế những trẻ bị sang chấn tâm lý có khả năng hồi phục cao nếu được can thiệp sớm. Trẻ có thể không quên những trải nghiệm đau thương nhưng phụ huynh có thể cho trẻ những trải nghiệm mới để các em thấy cuộc đời này không chỉ có một màu xám mà còn có màu hồng. “Nếu phụ huynh đã lỡ làm tổn thương trẻ, việc đầu tiên chúng ta phải chấp nhận mình mắc lỗi, phải sửa và hàn gắn với trẻ. Việc nhìn nhận đúng, sửa sai, cam kết không tái phạm và thực hành đúng sẽ cải thiện được tình trạng. Muốn biết cách chăm sóc con tốt, trước khi sinh con, cha mẹ nên tìm hiểu về hôn nhân gia đình để khi sống chung nhà không xảy ra những hành động làm tổn thương người khác”, ThS. Tú Anh khuyên.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Nhật (nhà tham vấn và giám sát lâm sàng) cho rằng những người xung quanh sẽ là hình mẫu, vòng tròn bảo vệ cho trẻ. Nếu đó là những giao tiếp tôn trọng, yêu thương tích cực và nâng đỡ. Chúng ta không nhất thiết phải là những người hiểu rất sâu, học bằng này bằng kia để có thể làm việc với trẻ mà chính sự tôn trọng, yêu thương như bác sĩ Perry đã nói rất rõ trong cuốn sách “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó”: “Những mối quan hệ chất lượng mới là sự chữa lành. Mọi phương pháp đều hướng đến một chuyện thôi, đó là làm sao gia tăng số lượng cũng như chất lượng các mối quan hệ bao bọc trẻ và đương nhiên, chúng ta cũng cần những hỗ trợ khác về mặt y khoa, hành vi, giáo dục… Nhưng nếu không có những mối quan hệ chất lượng thì mọi hỗ trợ kia đôi khi có thể trở thành vô nghĩa”.
Theo ThS.BS Đào Thị Thu Hương, để phát hiện sang chấn tâm lý ở trẻ không dễ, vì nhiều phụ huynh cố tình che giấu đi những tình tiết quan trọng khiến bác sĩ khó có thể tìm hiểu. Đối với trẻ lớn, bác sĩ có thể dành thời gian riêng để các em tâm sự nhưng với trẻ chưa phát triển về mặt ngôn ngữ thì bác sĩ chỉ có thể tìm hiểu các em qua hành động, tranh vẽ. Do đó, rất nhiều trường hợp trẻ bị sang chấn tâm lý bị bỏ sót hoặc chẩn đoán sai bệnh. “Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ phía phụ huynh để can thiệp sớm trường hợp trẻ bị sang chấn tâm lý, giúp các em sớm khỏi bệnh”, ThS.BS Thu Hương bày tỏ.
Trẻ khi sinh ra và lớn lên có trình tự phát triển. Trong vòng 5 năm đầu đời, phụ huynh cần theo dõi hành động, nhận thức và tương tác xã hội của trẻ. 6 tháng tuổi biết ngồi, 12 tháng tuổi biết đi. Khi thấy trẻ có hành vi không phù hợp, phụ huynh có thể gặp nhân viên y tế để tìm hiểu để giúp trẻ phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. |
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, việc chăm sóc trẻ gặp sang chấn tâm lý còn cần sự hợp tác của nhiều bên, bao gồm gia đình, nhân viên chăm sóc, bác sĩ, nhà tâm lý, giáo dục và cả cộng đồng. Mấu chốt không nằm ở việc ngăn cản mọi sự tổn thương đến với trẻ mà là làm sao cho trẻ cảm nhận được sự yêu thương, chăm sóc, bảo vệ của mọi người. Đó là nền tảng cho mọi sự phát triển lành mạnh, dù cho trẻ có bị sang chấn tâm lý hay là không.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)