Đã qua rồi cái thời con đàn cháu đống, quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ” không còn được cổ xúy nữa mà xu hướng hiện nay là mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai con. Con ít, chất lượng cuộc sống mỗi ngày được nâng cao. Phần lớn con cái được bảo bọc, chở che.
Đã có những cuộc tranh luận sôi nổi và nghiêm túc về đề tài ba mẹ có nên làm trực thăng (Helicopter Parenting) – thuật ngữ ám chỉ các bậc phụ huynh suốt ngày lo lắng, định hướng, uốn nắn, do thám con… Họ luôn nghĩ rằng, sự quan tâm của mình với con cái như thế là chưa đủ. Tâm thế lúc nào cũng ở bên con, sẵn sàng hạ cánh để giúp đỡ con. Trong khi đó, các chuyên gia tâm lí thì cho rằng: Thay vì cố gắng điều khiển trẻ thì hãy hướng dẫn rồi thả các em tự tìm hiểu, bởi nếu kiểm soát trẻ trong một thời gian dài sẽ khiến mọi chuyện trở nên tệ hại hơn. Trẻ em đã có thể hiểu được ngôn ngữ của ba mẹ từ khi mới 15 tháng tuổi, trước cả khi trẻ có thể trò chuyện. Điều này có nghĩa là bạn có thể yêu cầu con không được gây ồn ào ngay từ những năm tháng đầu đời khiến trẻ có sự giao tiếp từ sớm.
Là một bà mẹ trẻ, cũng là một giáo viên, tôi quyết định làm một cuộc thăm dò từ những học sinh của mình.
Tôi thăm dò ý kiến từ 100 em, hình thức là test. Xin lược trích một vài câu hỏi:
Câu 1: Em có thấy sự quan tâm quá mức của ba mẹ là cần thiết cho mình? A. Cần thiết; B. Quan tâm nhưng đừng quan tâm quá mức, như thế sẽ thấy áp lực; C. Cảm thấy tù túng, không thoải mái; D. Ý kiến của em…
Với câu hỏi này, có đến 60% chọn phương án D là đưa ra ý kiến: đa số các em cho rằng sự quan tâm là cần thiết nhưng hãy để tụi em được quyết định một số việc.
Câu 2: Em nghĩ thế nào về việc ba mẹ luôn luôn ở bên và sẵn sàng giúp đỡ khi em cần? A. Giúp em an tâm, không sợ gặp khó khăn; B. Thích được tự lập, không muốn ba mẹ bảo bọc như một đứa con nít; C. Chỉ nên tư vấn, hỗ trợ. Muốn tự xoay xở để khẳng định mình. Với câu hỏi này, kết quả có đến 68% chọn phương án C.
Câu 3: Điều gì khiến em không muốn ba mẹ đồng hành với mình trong mọi việc? A. Giám sát hành vi và nếp sống; B. Kiểm soát mọi thứ, ngay cả góc riêng tư, sáng tạo; C. Áp đặt con cái mà quên rằng, dù là trẻ con thì cũng có ước mơ, sở thích; D. Bắt con cái sống theo sở thích mà ba mẹ đặt ra.
Kết quả là có 59% chọn đáp án B. Các em cảm thấy áp lực và nặng nề vì ba mẹ kiểm soát mọi thứ, ngay cả góc nhỏ riêng tư.
Một vài thông tin nhỏ thôi cũng đủ để ta nhìn lại một việc lớn – cách giáo dục trẻ. Và vấn đề ở đây là có nên làm trực thăng, làm trực thăng thế nào, có nên để trẻ tự lập. Đương nhiên, với lứa tuổi này thì không ba mẹ nào yên tâm để con tự lập hoàn toàn. Thế nhưng đừng quá bảo bọc, kiểm soát “mọi hoạt động” của trẻ mọi lúc, mọi nơi, đây là cách làm có hại cho đời sống đứa trẻ hơn là mang lại lợi ích cho chúng. Phương pháp dạy con như vậy sẽ khiến trẻ lệ thuộc hoàn toàn vào ba mẹ về cả tình cảm và cả các hoạt động cá nhân. Những đứa trẻ này sẽ khó có khả năng tự phát triển, hay ứng phó với những sóng gió ngoài xã hội. Vậy nên hãy cứ làm trực thăng, có nghĩa vẫn sát cánh bên con để trẻ yên tâm, không bị cảm giác bỏ rơi làm hoang mang sợ hãi nhưng nên nhớ hãy hạn chế sự trợ giúp. Các bậc phụ huynh hãy cứ mạnh dạn để mặc con mình khi chúng vấp ngã và tự tìm cách đứng lên.
Có đứa trẻ nào lớn lên mà không một lần vấp ngã? Mỗi lần ngã là mỗi lần trẻ tự đứng dậy và học được cách để không ngã lần nữa. Sự học hỏi đó dần dần sẽ giúp trẻ tự đối mặt được với những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống.
Nguyễn Thị Bích Nhàn
Bình luận (0)