Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong tình hình mới, thay thế Nghị định 36/2005/NĐ-CP ngày 17-3-2005.
Các hành vi vi phạm quyền trẻ em trong dự thảo nghị định quy định rất chi tiết, trong đó có bổ sung thêm một số hành vi như: hủy hoại sách, vở, đồ dùng học tập của trẻ em; người nhận dạy nghề cho trẻ em bắt trẻ em làm công việc quá sức, nặng nhọc, quá thời gian, trong môi trường độc hại, nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em; người sử dụng lao động sử dụng trẻ em lao động không trả công hoặc trả công không tương xứng, không có cam kết của cha, mẹ, người giám hộ, không có hợp đồng lao động…
Dự thảo nghị định bổ sung quy định về bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự trẻ em. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo, tố cáo khi phát hiện các nguy cơ, xâm hại tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự trẻ em. Cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp có trách nhiệm tổ chức hệ thống bảo vệ trẻ em; tiếp nhận thông tin, xác minh, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, cha, mẹ, người giám hộ, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em… có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ.
Theo dự thảo Nghị định, trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội. Cha, mẹ, người giám hộ, các cơ quan thông tin đại chúng, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em… có trách nhiệm tạo mọi điều kiện để trẻ em được tiếp cận các nguồn thông tin phù hợp với lứa tuổi, giới tính và sự phát triển của trẻ; tạo mọi điều kiện để trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề trẻ em quan tâm và tạo điều kiện cho trẻ em tham gia các hoạt động xã hội phù hợp với năng lực, lứa tuổi của trẻ.
V.O.V
Bình luận (0)