Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trẻ em nghèo khó phát triển trí tuệ

Tạp Chí Giáo Dục

Một nghiên cứu mới cho thấy ảnh hưởng của đói nghèo trên não của trẻ em có thể giải thích lý do tại sao trẻ em nghèo có xu hướng đạt điểm thấp hơn trong các kỳ kiểm tra so với bạn bè đến từ gia đình khá giả.

Trẻ em nghèo đạt thành tích học tập không tốt bằng bạn bè có điều kiện kinh tế tốt hơn (Ảnh AP)

“Chúng tôi đã phát hiện ra rằng luôn có một khoảng cách trong thành tích học tập giữa trẻ em nghèo và trẻ em thuộc tầng lớp trung lưu”, tác giả chính của nghiên cứu Seth Pollak nói với Reuters Health. “Ngay cả khi họ di chuyển đến các khu phố tốt hơn, trẻ em lớn lên trong gia đình nghèo vẫn có xu hướng thực hành kém hơn trong lớp học so với bạn bè đến từ các gia đình khá giả”.

Hơn nữa, các nhà nghiên cứu trong những năm gần đây đã tìm thấy mối liên quan giữa nghèo đói và trí tuệ kém phát triển.

Seth Pollak, đến từ Đại học Wisconsin-Madison, cùng các đồng nghiệp đã báo cáo tại Hiệp hội Y khoa Mỹ ở mảng Nhi khoa về sự chênh lệch khoảng 20% giữa điểm thi của trẻ em nghèo và trẻ em ở tầng lớp trung lưu. Đây có thể là kết quả của sự phát triển não kém ở vùng thùy trán và thùy thái dương.

Các nhà nghiên cứu xem xét hình ảnh não bộ và điểm kiểm tra đánh giá từ 389 trẻ em và thanh thiếu niên, tuổi từ 4 đến 22, tham gia vào một nghiên cứu của Viện Quốc Y tế quốc gia Hoa Kỳ vào giữa năm 2001 và 2007. Trẻ em có tiền sử về nguy cơ chậm phát triển trí tuệ bẩm sinh đã được loại bỏ khỏi nghiên cứu, bao gồm những trẻ có trọng lượng sinh thấp và mắc chứng rối loạn tập trung.

Từ đó, nghiên cứu hoàn toàn áp dụng trên những trẻ em có sức khỏe bình thường và chỉ khác nhau về thu nhập của gia đình. Ông Pollak nói thêm: “Thế nhưng, thống kê cho thấy có một sự khác biệt ở não bộ ảnh hưởng đến 20 hoặc 25% kết quả học tập của các trẻ em nghèo”.

Tiến sĩ Joan Luby, người đã viết một bài xã luận được xuất bản dựa theo nghiên cứu, cho biết kết quả thu được đã củng cố quan điểm về “cách thức mà một số yếu tố vật chất bên ngoài ảnh hưởng đến sự phát triển khỏe mạnh của trẻ em”.

Luby, giám đốc Chương trình Early Emotional Development tại Trường Đại học Y Washington ở thành phố St. Louis, đưa ra ví dụ: trẻ em cần được nuôi dưỡng và cung cấp những nhu cầu thiết yếu từ người chăm sóc chính của họ, nhưng xã hội lại không hề chú tâm đến vấn đề này. “Khi đưa một đứa trẻ vào thế giới, chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ cho ăn và bảo vệ”, cô nói.

Pollak bổ sung: “Mọi người sẽ thường hỏi tôi, 'giáo viên nên làm gì?’, hoặc, ‘nhà trường phải làm gì?’. Nhưng điều này đối với tôi nghĩa là chúng ta phải tạo ra môi trường học tập như thế nào”.

Ví dụ, trẻ em từ các gia đình nghèo, thường không được chuẩn bị chu đáo đến trường, vì thế chúng thường đói hoặc mệt mỏi. Vì vậy, cho dù các giáo viên có giảng bài hay đến đâu, chúng vẫn không sẵn sàng để học. 

Luby nói với Reuters Health rằng các nhà khoa học đang thu thập thêm dữ liệu về vấn đề, nhưng mọi sự thay đổi đều phải nhờ vào những người hoạch định chính sách. Một số biện pháp can thiệp đã được thử nghiệm và thực hiện, cô nói, bao gồm các chương trình kết nối những cha mẹ trẻ và các y tá, người hỗ trợ và hướng dẫn họ trong cách chăm sóc trẻ em.

“Nó thực sự tập trung vào những người chăm sóc chính trong 5 năm đầu đời của trẻ,” Luby cho biết. Nhưng Pollak lại nhận định hiệu quả của biện pháp trên còn thấp, bởi vì “họ luôn cần thêm sự ủng hộ và tài trợ để duy trì”.

TẤN VĨ (Theo Reuters)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)