Sáng 12-8, sân khấu Cầu vồng tuổi thơ đã ra mắt tại Nhà hát TP.HCM. Đây là sân khấu hoàn toàn miễn phí ưu tiên đặc biệt cho trẻ em nghèo, các em thiếu nhi ở các nhà mở, mái ấm, trung tâm khuyết tật, các trường trung học cơ sở ngoại thành…
Các nghệ sĩ hóa trang thành hoàng tử Sọ dừa, nàng út Ống tre, con rối đón các bé vào nhà hát – Ảnh: Nguyễn Lộc |
Mới hơn 8g, hơn 200 em thiếu nhi từ chùa Giác Ngộ, chùa Lá, chùa Từ Hạnh, mái ấm Thiện Duyên… đã được xe đưa đến nhà hát. Chương trình hòa nhạc kèn đồng trước tiền sảnh chào đón các em bằng những giai điệu vui tươi. Có thể thấy được nét háo hức, rạng rỡ của các bé khi lần đầu tiên được bước vào một không gian sang trọng. Bé Thắng (9 tuổi) ở chùa Từ Hạnh cứ ngước nhìn hoài trần nhà hát hỏi: “Sao cái nóc nhà nó cao dữ vậy cô? Mấy cái cột có hình cái bông cũng đẹp quá trời!”…
Có một chút hồi hộp nơi các bé, nhưng giây phút đó nhanh chóng qua đi khi nhóm xiếc của NSƯT Phi Vũ biểu diễn những màn xiếc hề vui nhộn khuấy động không khí. Nhiều bé mạnh dạn bước lên sân khấu tập diễn xiếc cùng các nghệ sĩ đã khuyến khích các bé khác hào hứng ùa lên sàn diễn để hát cùng các ca sĩ Cẩm Vân, Dương Triệu Vũ, Đàm Vĩnh Hưng trong các tiết mục ca nhạc. Vở cải lương tuồng cổ Tiểu anh hùng Nam quốc chiếm thời lượng nhiều nhất nhưng cũng thu hút các khán giả nhí chịu ngồi yên để xem, chỉ đây đó có tiếng lao xao: “Cái ông đó qua nước người ta còn nói bậy, Trần Quốc Toản “quánh” là phải rồi!”…
Nhà hát gần như kín chỗ trong ngày diễn mở màn (kể cả khu vực lầu 1, lầu 2). Ngoài các bé từ các nhà mở, mái ấm, rất nhiều phụ huynh nghe tin về chương trình cũng chở con đến xem, các bé đánh giày, bán vé số gần khu vực nhà hát cũng được ban tổ chức mời vào xem.
Mướt mồ hôi chạy tới chạy lui lo cho chương trình, ông Hữu Luân – phó giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM, người có sáng kiến thành lập sân khấu này – vui mừng chia sẻ: “Trước khi chúng tôi làm chương trình này có quá nhiều ý kiến lo ngại, có người còn sợ cho con nít vô coi hoài tụi nhỏ phá làm hư nhà hát, có người kêu sao không đem chương trình về vùng sâu vùng xa diễn… Nhưng đúng là sợ sẽ không bao giờ làm được, phải làm mới biết như thế nào rồi rút kinh nghiệm từ từ. Sân chơi cho thiếu nhi bây giờ quá thiếu, đặc biệt là với các em nghèo, cơ nhỡ, khuyết tật. Tổ chức diễn tại nhà hát là tạo điều kiện cho các em được thưởng thức văn nghệ ở một nơi đầy đủ chất lượng về âm thanh, ánh sáng, để các em biết được một nhà hát đúng nghĩa là như thế nào…”.
Vì là chương trình miễn phí nên theo ông Luân, kinh phí thực hiện chương trình đều xuất phát từ sự sẻ chia. Để tăng suất diễn từ hai suất/tháng lên đều đặn hằng tuần (bắt đầu từ năm 2013), ban tổ chức đang chờ đợi sự đồng hành từ các đơn vị, doanh nghiệp… để có thể mở rộng phục vụ thêm các em thiếu nhi đến từ các tỉnh thành khác.
Chương trình đầu tiên khép lại, niềm vui dành cho các em dường như đã có khi bé Nam (ở chùa Lá) cười toe sau suất diễn: “Coi ở đây thấy hay hơn khi mấy chú, mấy cô về chỗ tụi con diễn, cái ống nói cứ bị rè rè hoài. Con ráng hổng quậy để mai mốt được đi coi nữa!”.
Theo TTO
Bình luận (0)