Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trẻ em người Mông ngày càng xa… con chữ

Tạp Chí Giáo Dục

Những đứa trẻ nheo nhóc con của anh Hờ An Hủ và chị Sùng Thị Ư không được tới trường, dù đã qua mấy mùa khai giảng

Buôn người Mông nhỏ nhoi ở chốn thâm sâu cùng cốc (xã Ea Đah, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk) mỗi năm thiếu ăn từ 4 đến 5 tháng. Cuộc sống của gần một ngàn con người nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Năm học đã bắt đầu được 2 tháng, vậy mà còn biết bao đứa trẻ nơi này vẫn chưa một lần cắp sách tới trường.
Buôn làng mang tên… “những con số không”
Cách đây mấy năm, tỷ lệ học sinh đến trường của buôn Giang Đông chỉ khoảng 40%, thậm chí có lúc chưa đầy 20%. Đến nay, con số này đã được cải thiện đáng kể. Dù đã nâng lên, nhưng số con em đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học giữa chừng còn rất nhiều, một phần vì học lực yếu, lớn tuổi, đi học xa, một phần vì hoàn cảnh gia đình khó khăn… Nhiều em đang học dở dang cấp 3, thậm chí cấp 2 đã gác bút, từ giã mái trường về lấy vợ, lấy chồng. Cụ thể như em Sùng Thị Lâu (17 tuổi) đang học lớp 6 bỗng nghỉ ngang về nhà lấy chồng, còn Sùng A Thọ học đến lớp 10 thì về nhà lấy vợ…
Tại đây, nhiều tập tục lạc hậu vẫn còn được duy trì. Mỗi khi ốm đau, một số đồng bào cho rằng mình bị ma quỷ ám nên thuê thầy về chữa trị. Ông Sùng Vảng Lao – Trưởng buôn Giang Đông tâm sự: “Những năm về trước bà con chết vì bệnh tật nhiều lắm, một phần do đường sá xa xôi đi lại rất khó khăn, một phần vì kém hiểu biết nên không chịu tới bệnh viện chữa trị. Nay thì đỡ rồi. Tuy nhiên vẫn còn không ít bà con mê tín, chữa bằng bùa phép, mời thầy chữa vài ba lần không được, họ mới chịu đến bệnh viện”.
Buôn người Mông nằm cách trung tâm xã chừng 15km, tại đây được mệnh danh là xứ sở mang tên “những con số không”. Ở đây không có điện, không có nước sạch, không một mái nhà ngói, người dân không có việc làm, không có trường mẫu giáo, lắm hộ nghèo không có gạo ăn trong nhiều tháng… Và đặc biệt rất nhiều em nhỏ không được đến trường. Ông Lao nhấn mạnh thêm: “Đồng bào trong buôn chỉ trồng được bắp và mì, rồi đổi lấy gạo để ăn, nên đổi hoài vẫn không đủ”.
Những túp lều “khát khao” con chữ
Chốn nương thân của dân làng buôn Giang Đông là những túp lều nhỏ xíu, được che chắn rất tạm bợ, dột nát, nằm ẩn khuất giữa đại ngàn. Trong những mái lều tăm tối và ẩm ướt đó không có một thứ vật dụng gì đáng giá. Một vài hộ khá giả thì mua được chiếc radio, tivi đen trắng. Hầu như tất cả bà con trong buôn chưa biết khái niệm dùng điện thắp sáng là gì. Họ vẫn còn chịu cảnh thắp đèn dầu, đi chân đất và ở nhà lều.
Trong những mái lều lụp sụp ấy có rất nhiều bé trai, bé gái đen đúa, gầy teo, hốc hác bởi thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu cả học hành. Vợ chồng anh Hờ A Hủ và chị Sùng Thị Ư dù mới 30 tuổi nhưng đã có 4 đứa con. Đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi, và chẳng em nào được tới trường. Căn lều xác xơ của gia đình anh chị rộng chừng 6m2, không có phên che chắn. Tài sản duy nhất trong mái lều đó là chiếc giường thô sơ, vài ba cái nồi nhem nhuốc, mấy bộ bát đũa cũ sờn sứt mẻ…
Khác với bạn bè đồng trang lứa có điều kiện, những đứa con của anh Hủ không được cắp sách tới trường, dù ngày khai giảng đã qua. Em Hờ Thị Y là chị lớn trong nhà, dù đã 12 tuổi nhưng trông em như đứa trẻ lên 5. Do hoàn cảnh gia đình quá nghèo nên em chưa một phút giây nào được tới trường. Không chỉ có Y, mà ba đứa em của Y cũng vậy. Hình như, chúng được sinh ra theo bản năng của bố mẹ, còn sự chăm sóc, quan tâm thì hầu như không có.
Ở buôn Giang Đông, ngoài gia đình anh Hủ còn có rất nhiều hộ không có điều kiện cho con cái đến trường. Điển hình như gia đình anh Vàng A Dinh, anh Sùng A Sinh, anh Vàng A Chống, anh Vàng A Lâu… Còn nhiều hộ khác thì đứa được đi học, đứa phải ở nhà. Anh Sùng A Sinh ngậm ngùi: “Nhà có 5 đứa con, đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ mới 1 tuổi, nhưng chẳng đứa nào được đi học. Tôi cũng muốn con cái lớn lên được học hành tử tế cho đỡ khổ, nhưng vì lo cái ăn chưa đủ thì lấy tiền đâu cho các cháu đến trường. Thôi thì để chúng ở nhà lớn lên làm nương làm rẫy cũng được”.
Chúng tôi rời bản người Mông trong một buổi chiều mưa tầm tã. Ngoảnh mặt về xuôi mà đằng sau chúng tôi như trĩu nặng vì những ánh mắt trẻ thơ đang dõi theo như muốn nhắn nhủ, gửi gắm thiết tha tới các cấp chính quyền cũng như những tấm lòng nhân ái hãy giúp đỡ để các em một lần được đến trường.
Bài, ảnh: Ngọc Quý

 

 

Em Hờ A Phênh khát khao: “Từ khi sinh ra, chúng cháu chưa một lần được ra khỏi làng. Ba mẹ suốt ngày chỉ lo đi nương đi rẫy trồng mì, bắp về cho chúng cháu ăn thôi. Chị em cháu muốn đi học lắm, chúng cháu muốn biết cái chữ…”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)