Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trẻ em và những loại ngộ độc chết người

Tạp Chí Giáo Dục

 

Khi thấy trẻ có những triệu chứng bất thường, tốt nhất là đưa trẻ đến bác sĩ chứ đừng tự chữa trị (ảnh minh họa).  Ảnh: I.T

Sức đề kháng của trẻ em còn yếu nên việc ăn, uống một loại thức ăn không phù hợp rất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Thương cháu hóa ra… hại cháu
Thấy cháu gái N.T.H 6 tháng tuổi (Q.4, TP.HCM) ho cả tuần nay mà không dứt, bà ngoại của bé rất lo lắng. Nghe mấy người hàng xóm mách có một số loại “thảo dược” trị được bệnh ho. Thế là bà nghe lời kiếm một ít nhựa bông không rõ loại đem chưng lấy nước cho cháu uống. Khi mẹ H. đi làm về, phát hiện bé có biểu hiện lừ đừ nên vội đưa vào bệnh viện (BV) Nhi đồng 2. Tại BV, bé bắt đầu có các triệu chứng của ngộ độc á phiện như đồng tử co nhỏ, nhịp thở chậm và có cơn ngưng thở. Ngay lập tức, bé được tiêm thuốc giải. Cũng may, phát hiện sớm nên tình trạng của bé không đến nỗi nguy hiểm…
Cách đây không lâu, em P.V.H. 11 tuổi (huyện Gia Nghĩa, Đắc Nông) và bà nội bắt được hai con cóc. Sau đó, hai bà cháu làm thịt, lấy thịt và cả trứng cóc xào ăn. Vừa ăn xong, cả hai bà cháu thấy đau đầu, đau bụng, ói nhiều lần. Hàng xóm biết được nên đưa hai bà cháu đi cấp cứu ở BV tỉnh Đắc Nông. Tại đây, hai bà cháu được rửa dạ dày, uống than hoạt tính, truyền dịch. Tuy nhiên, sau 2 giờ (từ khi ăn thịt, trứng cóc), bà nội tử vong, còn bé P.V.H. thì vẫn đau bụng và ói nhiều nên được đưa đến BV Nhi đồng 2. Lúc nhận H., bác sĩ phát hiện nhịp tim của bé rất chậm – khoảng 50 lần/ phút. Các bác sĩ tích cực điều trị nên đã cứu sống được em.
Gặp họa từ sự vô ý…
Ngày 6-4-2010, Khoa Cấp cứu hồi sức BV Nhi đồng 1 tiếp nhận một trường hợp là em Ng.V.Đ. 12 tuổi, ngụ tại Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu trong tình trạng bứt rứt, khó thở. Trước đó 3 giờ, do khát nước nên khi nhìn thấy chai “Trà xanh không độ” để trên bàn, em cầm lấy uống ngay. Nhưng vì chai không đựng nước uống mà chứa hóa chất vệ sinh chuồng trại chăn nuôi nên vừa hớp một ngụm vào miệng là Đ. ho sặc sụa, đau rát họng miệng. Thấy vậy, người nhà đưa em đến bệnh viện địa phương sơ cứu rồi chuyển BV Nhi đồng 1. Tại đây, em có biểu hiện khó thở tím tái, lở loét họng miệng, ho khạc liên tục do bị đau. Xquang phổi cho thấy Đ. bị viêm phổi hít. Ngay lập tức, em được thở oxy, đặt ống thông dạ dày dẫn lưu chất độc còn sót, truyền dịch, kháng sinh điều trị viêm phổi hít. Sau hơn 2 tuần điều trị, tình trạng của em được cải thiện.
Đang làm bếp, nghe tiếng khóc to của con, chị H. (Q.11, TP.HCM) vội chạy tới bên giường thì thấy bé L. (3 tháng tuổi) đang sặc sụa, giãy giụa khóc ré lên. Miệng và mũi bé dính đầy dầu gội đầu mà chị vừa mua về còn đặt ở đầu giường chưa kịp cất vào nhà tắm. Thì ra, người anh 3 tuổi của bé đã lấy chai dầu gội này cho bé bú và làm đổ tràn vào mũi, miệng gây hít sặc. Chị H. nhanh chóng lau sạch miệng mũi và tức tốc đưa con đi BV. Tại BV Nhi đồng 1, bé L. đã bị suy hô hấp, môi tím tái, viêm phổi nặng. Nhờ cấp cứu kịp thời, bé đã hồi phục.
Thùy Linh
Theo bác sĩ Nguyễn Thị  Kim Thoa, BV Nhi đồng 1 thì nguy cơ bị ngộ độc từ những đồ gia dụng luôn hiện diện trong nhà khi trẻ em ở độ tuổi hiếu động, rất tò mò, ham khám phá và chưa nhận thức được những mối nguy hiểm. Tình trạng ngộ độc thường gây bệnh cấp tính cho các em, lại khó hồi phục hoàn toàn, có em còn mang di chứng ở phổi suốt đời. Vì thế, các bậc phụ huynh cần chú ý quan tâm dự phòng trước tất cả những nguy cơ cho bé.
 

 

Bình luận (0)