Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trẻ em và nỗi lo sống ở chung cư

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đây có nhiều vụ trẻ em sống ở chung cư liên tục gặp tai nạn như kẹt thang máy, rơi xuống đất bị chấn thương và có cả tử vong…

Không nên để trẻ một mình ở các căn hộ chung cư cao tầng thiếu độ an toàn về cửa nẻo

Sống ở chung cư đang là lựa chọn của các gia đình trẻ. Thế nhưng khi ở nhà cao tầng, trẻ em cũng có những nguy cơ rình rập mà người lớn cần phải để tâm chú ý.

Xót xa trước những tai nạn

Cách đây không lâu, ngày 18-11-2015 bé trai M. – sinh năm 2012 sau khi đi học ở trường mầm non về đã tử vong vì té từ tầng 3 của chung cư Sóng Thần, P.Dĩ An thuộc TX.Dĩ An,  tỉnh Bình Dương. Chị N. – dì của bé M. đau xót kể: “Lúc 5 giờ chiều tôi đến trường mầm non chở cháu về do bố mẹ cháu đi công chuyện. Trong lúc cháu ngồi chơi tôi tranh thủ xuống bếp làm mấy việc không ngờ sau đó cháu kéo ghế chồm qua cửa sổ rồi rơi ra ngoài”. Mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời và được các bác sĩ tại Bệnh viện Thủ Đức ra sức cứu chữa nhưng sau đó cháu đã không qua khỏi do chấn thương đầu quá nặng. Khóc hết nước mắt, chị N. cứ ân hận vì một phút sơ hở của mình khi trông nom trẻ mà mất đi đứa cháu cưng của cả nhà chỉ trong tích tắc.  

Trước đó 2 tuần, tại một chung cư khác ở huyện Nhà Bè, một bé gái 4 tuổi cũng thiệt mạng oan uổng do sơ ý của người lớn mà cháu đã bị rơi từ tầng 15 xuống. Được biết, trong lúc bà ngoại bế em trai sang nhà hàng xóm ở căn hộ kế bên cùng tầng ở lô C chung cư Phú Mỹ Thuận (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM) có chút việc, bé L.A đã leo lên cửa sổ phòng khách khi trong nhà không có ai. Do cửa sổ lùa không có song sắt nên bé đã trượt ngã ra ngoài và rơi xuống đất cùng với chiếc iPad cầm trên tay.

Đây chỉ là những vụ tai nạn trẻ em rơi từ trên tầng cao ở các tòa nhà cao tầng mới xảy ra tại TP.HCM. Trước đó, cũng đã có rất nhiều câu chuyện đau lòng về trẻ ngã từ tầng cao của các căn hộ chung cư ở những tỉnh thành lớn khác có chung cư, cao ốc.

Trẻ con hiếu động, hay nghịch phá mà không lường được sự nguy hiểm về tính mạng rình rập khi sống ở các căn hộ cao tầng trong chung cư, vì vậy phụ huynh cần có sự quan tâm hướng dẫn các kỹ năng cho con. 

Trẻ em vốn có tính hiếu động thích tìm hiểu, trong lúc đó người lớn lại chủ quan không lường được những hậu quả mà bé có thể gây ra khi vắng mặt mọi người trong gia đình.

Cẩn thận thì khỏi lo lắng

Trẻ em hay làm theo người lớn, có thể vì các bé đã thấy người lớn bắc ghế trèo lên cửa sổ để phơi quần áo hay làm một việc gì đó nên cứ vậy mà chúng làm theo. Nguy hiểm rình rập ở phía dưới nhưng chúng không hề ý thức được chuyện xấu có thể xảy ra. Tại chung cư Splendor (27 Nguyễn Văn Dung, P.6, Q.Gò Vấp) do một phút chểnh mảng mà bà Nguyễn Thị C. ở A903 đã để cho bé B. 2 tuổi mở cửa đi ra ngoài một mình. Sau 10 phút đi tìm, bà mới phát hiện đứa cháu ngoại đi lạc xuống mãi tận căn hộ A503. Trong khi bà ngoại không để ý, bé B. đã chạy ra thang máy bấm nút giống như người lớn thường đưa cậu đi học hàng ngày. Khi đến tầng 5 bé B. chạy vào phòng A503 vì cứ ngỡ đây là nhà mình nhưng không có ai mở cửa nên khóc thét lên. Chỉ đến khi đó nhiều người mới “định vị” được nơi thất lạc của bé B. Cũng rất may nếu hôm đó bé đi lạc ra cửa thang bộ thì không biết sẽ có chuyện gì xảy ra sau đó.

Theo quan sát của chúng tôi, để tiết kiệm chi phí, hầu hết các căn hộ chung cư đều chỉ lắp kính ở các cửa sổ mà “quên” đi các rào chắn song sắt để đảm bảo thêm độ an toàn. Chính đây là kẽ hở – theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – để trẻ em “tự khám phá” thế giới xung quanh mà không biết hiểm họa đang rình rập ở những nơi thiếu an toàn đó. Anh Nguyễn Văn Ngọc – một cư dân ở chung cư Hà Đô, P.3, Q.Gò Vấp cho biết: “Hầu hết các cửa sổ chung cư đều chỉ lắp cửa kính và theo quy định của ban quản lý là không được làm thay đổi cấu trúc hiện trạng ban đầu nên thật sự nguy hiểm cho những gia đình có trẻ nhỏ”. Cũng theo anh Ngọc, để đề phòng tai nạn cho hai đứa con còn nhỏ trong gia đình, sau khi mua một căn hộ ở tầng 12, vợ chồng anh đã thuê thợ làm thêm hàng rào sắt để đảm bảo an toàn hơn. Hiện nay, các ban công ở chung cư thường chỉ cao 1 đến 1,2 mét vì thế nhiều hộ dân đã tự cơi nới bằng cách nâng cao hàng rào ban công lên từ 1,5 đến 2 mét để tránh nguy hiểm cho trẻ.

Bài, ảnh: Quang Phan

 

Bình luận (0)