Ngoài giờ học, trẻ em nông thôn còn làm việc để phụ giúp gia đình (ảnh minh họa). Ảnh: I.T |
Trong cuộc sống, mọi người nói chung và trẻ em nói riêng cần phải có những kĩ năng sống nhất định. Các kĩ năng đó có thể là kĩ năng học tập, kĩ năng lao động, nghệ thuật giao tiếp…
1. Tôi có 4 đứa cháu con anh trai ở quê. Đứa lớn năm nay học lớp 9 và đứa bé đang học lớp 1. Nhìn chung các cháu đều ngoan, biết giúp đỡ bố mẹ những việc mà các cháu có thể làm được. Ngoài 1 buổi đến trường, buổi còn lại đứa lớn thì đi cấy hái, làm cỏ, phụ mẹ chăn nuôi, còn đứa bé thì cũng biết chăn trâu, quét nhà… Vì không có nhiều thời gian để học tập nên lực học của các cháu chỉ ở mức trung bình.
Về học tập là vậy, nhưng các cháu sống rất biết “kính trên, nhường dưới”, lễ phép với ông bà, bố mẹ cũng như các bậc trên trước. Anh, chị em trong nhà luôn thương yêu, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Mỗi lần gia đình tôi về quê, các cháu thường sang giúp ông bà dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn và đưa con tôi đi thăm anh em, họ hàng. Có dịp đi đâu xa, các cháu luôn nhớ về bố mẹ và gia đình, điều đó được thể hiện qua những món quà nho nhỏ mà các cháu để dành tặng cho người thân. Như vậy, về phương diện kĩ năng lao động, kĩ năng ứng xử và về mặt tình cảm, các cháu đạt mức tương đối hoàn thiện.
2. Tôi cũng có 2 đứa cháu con chị gái đang sống ở TP.HCM. Cháu lớn học lớp 10, đứa nhỏ học lớp 6. Lực học của cả hai đều đạt loại giỏi, khả năng nắm bắt các thông tin, tiếp cận với các tiến bộ của khoa học kĩ thuật hiện đại rất nhanh nhạy nhưng nếu dùng cho hai cháu cụm từ “gà công nghiệp” thì cũng chẳng “oan” chút nào. Sống trong gia đình có điều kiện kinh tế khá giả ở thành phố nên các cháu được chiều chuộng hết mực. Ngoài việc học ra, hai cháu không phải “đụng tay, đá chân” vào bất cứ việc gì trong nhà. Đi học thì anh, chị tôi phải đưa đi, rước về. Cơm ăn thì có người dọn tận nơi, quần áo thay ra thì để tại chỗ vì đã có người làm dọn, giặt. Chính vì vậy, kĩ năng “lao động” chân tay của hai cháu không được hoàn thiện, đụng vào việc gì thì luống cuống như gà mắc tóc. Cả năm chẳng thấy hai cháu gọi điện hỏi thăm ông bà và các chú bác ở quê lần nào. Mấy năm hai cháu mới “miễn cưỡng” về quê thăm ông bà một lần nhưng cũng chỉ “chớp nhoáng” rồi đi vì sợ ở quê “dơ”. Nhà anh chị và nhà tôi cách nhau chỉ mấy trăm mét nhưng chẳng bao giờ hai cháu đến thăm. Đối với ông bà, anh em họ hàng đã vậy, còn đối với bố mẹ mình, hai cháu cũng chẳng khá hơn. Hiếm khi các cháu tỏ thái độ âu yếm, tình cảm đối với bố mẹ. Mỗi lần bố mẹ đi đâu xa nhà, hai cháu cũng chẳng tỏ vẻ nhớ nhung gì cả, miễn là có người phục vụ chúng là được. Khổ thân cho vợ chồng anh chị, đặc biệt là chị tôi, mang tiếng là con cái đã lớn rồi nhưng lúc nào cũng tất bật như đang nuôi con mọn. Mỗi lần đi công tác hoặc đi đâu xa mấy ngày là chị sốt ruột, đứng ngồi không yên vì lo lắng ở nhà con cái ăn uống có đầy đủ không, có hợp khẩu vị không?
3. Quan sát của tôi thông qua nhóm bạn của các cháu, thấy được những điểm chung: các cháu sinh ra ở nông thôn có kỹ năng sống, kĩ năng khéo léo trong lao động tốt hơn so với các cháu ở thành phố. Khả năng học tập, tư duy, nhạy bén, thời sự… thì có thể các cháu thành thị tốt hơn ở nông thôn. Điều này đã được nhiều phụ huynh ở thành thị thừa nhận: “nuôi con bây giờ như nuôi gà công nghiệp”. Thậm chí, có phụ huynh còn ví von con mình như “khách trọ trong nhà” vì con họ chỉ biết học mà không biết đỡ đần bố mẹ các việc lặt vặt trong nhà. Nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa thì “liệt” nhóm này là “những chàng trai (cô gái) không biết lớn”.
Nguyễn Quế Diệu
Từ những câu chuyện trên, phải chăng trẻ em sống trong môi trường xã hội văn minh, hiện đại thì kĩ năng lao động, phương diện tình cảm… không được hoàn chỉnh như mong đợi. Điều này đã tạo nên sự khác biệt về mặt kĩ năng sống giữa trẻ em nông thôn và trẻ em thành thị. |
Bình luận (0)