Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trẻ em và tai nạn điện giật

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tình trạng trẻ em bị bỏng điện không còn hiếm gặp tại các bệnh viện (BV). Tuy không đến mức báo động nhưng mỗi năm các BV tiếp nhận cả trăm ca bỏng, trong đó có nhiều trường hợp khá nguy hiểm…
Những tai nạn thương tâm
Cách đây không lâu, BV Nhi đồng I tiếp nhận một ca bỏng khá nặng, đó là trường hợp bé T.V.A – 4 tuổi, ở Tây Ninh. Gia đình nạn nhân cho biết: Nhà có đám cưới nên kéo điện từ trong nhà qua cửa sổ sắt ra rạp ở ngoài sân. Thật không may là chỗ mối nối dây điện bị hở nên truyền điện ra cửa sổ. Khi bé A. đi qua, vô ý chạm vào cửa thế là dính luôn vào. Nghe tiếng bé rên, người cha chạy tới và hốt hoảng kéo con ra nhưng bé vẫn dính chặt vào cửa sắt. Người cha lại dùng hết sức lực kéo con ra một lần nữa, thế là hai cha con văng ra đất và cùng bất tỉnh. Lúc đó mọi người trong nhà mới hay và vội vã đưa cả hai cha con lên BV huyện. Thấy tình trạng của bé A. quá nguy kịch nên các bác sĩ đã chuyển gấp lên BV Nhi đồng I cấp cứu.
Các bác sĩ điều trị cho biết, bé A. bị bỏng điện độ III – IV ở cẳng tay và bàn tay phải, vết bỏng ở phần cổ tay thì bị cháy đen.
Trường hợp của bé C.M.H – 3 tuổi, Q.9 cũng rất đáng thương. Chị X. – mẹ bé H. kể lại: “Do dây của bàn ủi hơi ngắn nên mỗi khi ủi đồ tôi phải cắm thêm một ổ cắm rời. Thường thì sau khi ủi xong là tôi dẹp ngay, bởi nhà có trẻ con nên phải cẩn thận. Hôm đó, tôi ủi đồ trong lúc bé H. đang ngủ nên sau khi ủi xong đã không dẹp ổ cắm đi mà chạy xuống bếp làm việc. Bé H. tỉnh dậy, mắt nhắm mắt mở đi tìm mẹ nên giẫm lên ổ cắm và bị điện giật. Cũng may là tôi lên kịp, chỉ chậm 2-3 phút là bé đã có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng”. Hậu quả do sự sơ ý của người mẹ đã khiến cẳng chân và bàn chân phải của bé H. bỏng nặng…
Nói về nguyên nhân và các tình huống thường gặp của tai nạn điện giật trong nhà, bác sĩ Bạch Văn Cam – Trưởng khối Hồi sứu Cấp cứu BV Nhi đồng I cho biết: “Điện giật xảy ra trong gia đình thường là do gia đình không quan tâm đến vấn đề an toàn về điện, thiết kế các ổ cắm điện hoặc để các vật dụng điện trong tầm tay trẻ, dây dẫn điện bị tróc. Có trường hợp bé khoảng 2 tuổi bò đến tháo các bóng đèn nhỏ gắn ở bàn thờ ông địa và bị điện giật”.
Ngắt nguồn điện khi phát hiện trẻ bị điện giật
Bác sĩ Nguyễn Bảo Tường, Trưởng khoa Phỏng – Chỉnh hình BV Nhi đồng I: Đối với bỏng điện, chúng ta không thể đánh giá hết mức độ thương tổn của nó khi chỉ nhìn bên ngoài. Có khi vết bỏng điện ở ngoài da nhỏ nhưng thương tổn của các mô bên dưới thì rất nặng nề, các mô như cơ, sụn, xương, thần kinh có thể bị hủy hoại hoàn toàn. Có không ít trường hợp, bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật nhiều lần để cố gắng giữ lại các mô còn sống. Nhưng dù đã cố gắng hết khả năng song vết thương vẫn không thể hồi phục được và có nguy cơ nhiễm trùng lan rộng hơn. Do vậy, dù rất đau lòng nhưng chúng tôi buộc phải cắt bỏ đoạn tay, chân bị thương tổn đó để cứu lấy tính mạng cháu bé…”
Làm sao để sơ cứu đúng cách khi phát hiện trẻ bị điện giật, theo bác sĩ Cam thì: Thường người nhà sẽ rất nôn nóng muốn chạy lại ngay để cứu nạn nhân nhưng cần phải biết rằng nếu chạm tay trực tiếp vào bé thì bản thân người cứu cũng bị điện giật. Do vậy, tuyệt đối không được sờ vào trẻ nếu chưa được tách ra khỏi nguồn điện. Việc quan trọng đầu tiên cần phải làm là ngắt ngay nguồn điện bằng cách tắt công tắc, ngắt cầu dao điện hoặc rút phích cắm điện. Nếu không với tới được công tắc, cầu dao điện thì phải đứng trên vật khô cách điện dùng cây, cán chổi hay chiếc ghế đẩu bằng gỗ đẩy tay chân người bị nạn ra khỏi nguồn điện. Sau khi ngắt điện, nếu thấy người bị nạn bất tỉnh, cần kiểm tra nhịp thở, mạch đập. Tiến hành cấp cứu thổi ngạt ấn tim khi phát hiện nạn nhân ngưng thở ngưng tim vì ngoài tổn thương bỏng điện tại chỗ, dòng điện còn có thể đi qua tim phổi gây ngưng tim ngưng thở. Sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế.
Để phòng ngừa tai nạn điện giật cho trẻ, gia đình phải thiết kế các ổ điện ngoài tầm với của trẻ, không để các dụng cụ điện, dây dẫn điện ngang tầm tay trẻ. Bên cạnh đó, phải thực hiện việc câu mắc và sử dụng điện một cách an toàn. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, đảm bảo các thiết bị điện an toàn, không bị hở. Ngoài ra, với trẻ lớn hãy dạy cho các em biết sự nguy hiểm khi chọc vào các ổ điện, leo trèo cột điện, thả diều nơi có đường điện đi qua…
Minh Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)