Trong tuần qua, bác sĩ Trương Anh Mậu (Phó khoa Bỏng – Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết, trường hợp T.Đ.K (3 tuổi, ngụ Đắk Nông) bị bỏng sâu độ 2-3 do nghịch lửa đã được phẫu thuật cấy ghép da đồng loại tại bệnh viện đang có tiến triển tốt.
Phụ huynh phải luôn luôn “để mắt” đến con nhằm giúp trẻ tránh những tai nạn không đáng có |
Bỏng nặng do nghịch lửa
Người thân của bé K. cho biết, trong lúc ba mẹ đi làm, bé K. ở nhà nghịch lửa gây cháy nhà và bị bỏng nặng, diện tích da bị cháy chiếm 80% da cơ thể. Ngay sau khi nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 (cách đây 2 tháng), các bác sĩ đã điều trị tích cực giúp bé vượt qua cơn nguy kịch do sốc bỏng và nhiễm trùng. Tuy nhiên, do bị bỏng độ 2-3, da trên cơ thể còn quá ít nên không đủ để lấy da tự thân ghép vào vùng da bị bỏng. Do đó, các bác sĩ đã chọn giải pháp tốt nhất là ghép da đồng loại từ người thân (bố hoặc mẹ, anh em ruột) cho bé.
Với sự phối hợp của TS.BS Ngô Đức Hiệp (Trưởng khoa Phỏng – Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM), các bác sĩ đã tiến hành ca phẫu thuật, lấy da mỏng ở hai bên đùi của bố bé K., sau đó dát mỏng da và ghép vào vùng đầu, mặt, cổ, ngực, 2 tay và 2 đùi cho bé. Hiện tình trạng sức khỏe của bé K. đã ổn định, các vùng da ghép có tiên lượng tốt, phần da ghép đã dính và sống được ở phần đầu, mặt và cổ. Một phần da ghép ở tay chân tuy có bị bong tróc, nhưng mô bên dưới đang lành dần.
Theo bác sĩ Hiệp, ghép da đồng loại là phẫu thuật không quá khó, khả năng thành công cao với người lớn, nhưng đối với ca ghép da đồng loại đầu tiên thực hiện ở trẻ em như trường hợp của bé K., ngoài vấn đề chuyên môn phẫu thuật, thành công ca mổ còn phụ thuộc vào việc gây mê và cả vấn đề pháp lý giữa 2 bệnh viện phối hợp. Bác sĩ Hiệp khẳng định: “Hy vọng thành công từ ca mổ này sẽ là tiền đề tạo điều kiện cho những trường hợp cần ghép da đồng loại khác về sau nếu có. Đây là phương pháp giúp các bệnh nhi bị bỏng nặng có thêm cơ hội điều trị và sớm phục hồi”.
Đề phòng tai nạn cho trẻ
Theo khuyến cáo của bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1), trẻ con từ tuổi chập chững đến trên dưới 3 tuổi rất dễ bị tai nạn, vì trẻ “hành động” rất nhanh, nếu người lớn không trông trẻ cẩn thận thì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Một trong những tai nạn trẻ dễ gặp là bỏng. Nguyên nhân có thể do trẻ chạm vào vật dụng trong bếp, ấm nước nóng khi pha sữa, chế biến thức ăn, hoặc ổ điện. Do đó, phụ huynh nên “để xa tầm tay trẻ em” những vật dụng có nhiệt, có lửa. Đặc biệt cần tránh tình trạng vừa chế biến thức ăn vừa chăm bé, mà nên đặt bé vào cũi cho an toàn.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1), trẻ con từ tuổi chập chững đến trên dưới 3 tuổi rất dễ bị tai nạn, vì trẻ “hành động” rất nhanh, nếu người lớn không trông trẻ cẩn thận thì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. |
Một tai nạn khác cũng thường xảy ra cho trẻ là uống nhầm thuốc, uống nhầm chất lạ. Nguyên nhân do trẻ rất táy máy, thích bỏ vật lạ vào miệng, thích bắt chước người lớn nên khi nhìn thấy người lớn uống thuốc cũng làm theo. Do đó, thuốc và chất lạ là hai thứ cũng nên cẩn trọng “để xa tầm tay trẻ em”. Ngạt nước cũng là vấn đề phụ huynh cần đề phòng với trẻ. Nhất là đối với trẻ chập chững biết đi, cho dù bị té vào một xô nước (ít nước) nhưng vẫn không tự đứng lên được nên vẫn có thể bị ngạt nước. Đó là lý do phụ huynh không nên để trẻ ở một mình trong nhà tắm.
Thực tế cho thấy trẻ con rất thích leo trèo, khám phá, nên trong một số trường hợp thông thường như leo lên ghế cao cũng có khi bị té bật ngửa, lúc với lên bàn lấy đồ hoặc ra lan can chơi cũng rất nguy hiểm cho bé. Đặc biệt đối với những trẻ thích leo cầu thang, nhưng không biết leo xuống nên tự lao xuống gây chấn thương đầu. Điển hình như trường hợp của một bé trai 20 tháng tuổi (ngụ phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân), khi nghe thấy tiếng chuông điện thoại của mẹ đổ chuông ở trên gác lửng (cách sàn nhà 2 mét), bé đã hăng hái leo lên lấy, không may bị té ngã nứt sọ, xuất huyết não. Bác sĩ Dư Tuấn Quy (Phó khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, khi được đưa vào cấp cứu, bé trai vẫn tỉnh táo nhưng qua thăm khám cho thấy bé bị nứt sọ, gãy xương mũi vùng kín và xuất huyết trong não. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, bác sĩ Khanh lưu ý, phụ huynh phải luôn luôn “để mắt” đến trẻ trong mọi lúc, mọi nơi. Trong sinh hoạt hằng ngày, các vật dụng trong gia đình cần đảm bảo an toàn cho trẻ như sàn nhà không trơn trượt, ghế đủ nặng để không bật ngửa, lan can phải được che chắn cẩn thận, trong trường hợp thấy bé leo lên cầu thang phải chờ và giúp bé leo xuống chứ không bỏ mặc.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)