Dạy thế nào để học sinh xem việc mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Ảnh: T.Tr |
Con trai tôi năm nay bước vào lớp 10, tổng kết năm học lớp 9 cháu chỉ đạt học sinh tiên tiến, trong khi đó suốt những năm học từ lớp 1 lên lớp 8 cháu luôn đạt thành tích học sinh giỏi.
Tôi đã trực tiếp trao đổi cùng giáo viên chủ nhiệm thì được cô phản hồi rằng: “Ý thức học tập của cháu rất kém, nhiều lần phản ứng mạnh mẽ với giáo viên”. Về nhà tôi trao đổi với cháu để cháu bày tỏ những khó khăn trong học tập, cháu nói: “Con học mấy môn văn – sử – địa mà không cảm thấy thích thú, thầy chỉ đọc chép xuôi chiều, đa số các bạn trong lớp đều buồn ngủ khi phải học môn này”.
Không hiểu vì cách dạy như thế nào mà nhiều học sinh không thích học?
Giáo viên không đổi mới về phương pháp?
Hiện nay, một số giáo viên các trường phổ thông vẫn áp dụng máy móc cách dạy học truyền thống, tức là quá lạm dụng thuyết trình dẫn đến không ít học sinh mất hứng thú với môn học, dẫn đến các em “ghét học”. Ngành giáo dục đang phát động các phong trào nhằm xây dựng môi trường giáo dục, như cuộc phát động “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” hoặc “nhà trường thân thiện”… Những cuộc phát động này đều hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, vấn đề đổi mới phương pháp nhằm kích thích tính tích cực của người học thì một số người lại thờ ơ, thiếu quan tâm, thậm chí còn phủ định, chống đối… Phương pháp tích cực được xem như là hệ thống các phương pháp nhằm kích thích nhận thức, thái độ và hành vi của người học, có nghĩa là trong dạy học thầy cô phải vận dụng linh hoạt các phương pháp, nhất là các phương pháp nêu vấn đề, phương pháp khởi động trí tuệ, phương pháp dạy học trực quan… Chúng ta thừa nhận rằng phương pháp thuyết trình có nhiều ưu điểm và hạn chế nhất định, cần phải khai thác những ưu điểm của phương pháp này để có thể tác động vào nhận thức, tình cảm học sinh. Muốn học sinh hứng thú thì thầy cô phải thay đổi tư duy, thay đổi phương pháp, cần phải dạy cho học sinh cách tìm chân lý, khơi nguồn cảm hứng ở người học, không thể áp dụng phương pháp theo lối “bày cỗ sẵn” sẽ dẫn đến nhàm chán và không mang lại lợi ích thiết thực cho người học.
Giáo viên không hiểu tâm lý học sinh?
Học sinh ghét học không thể đổ lỗi cho các em, một nhà giáo dục đã từng nói “không có học sinh kém chỉ có giáo viên tồi”. Vì sao nhiều học sinh tỏ thái độ với chính môn học và đồng thời tỏ thái độ không tốt với giáo viên bộ môn? Điều đó đội ngũ những nhà giáo chúng ta cần suy nghĩ về mình, về phương pháp giảng dạy có phù hợp hay không? |
Hiểu tâm lý người học là một yêu cầu rất cần thiết, muốn đổi mới phương pháp thì cần phải hiểu tâm lý người học. Đối với thầy cô cần hiểu sâu sắc đời sống tâm hồn của học sinh, mức độ hứng thú, sở thích, nhu cầu… để từ đó tác động vào người học một cách hợp lý. Chỉ cần một ánh mắt, một nụ cười, một cử chỉ hành động mà giáo viên có thể phán đoán được học sinh của chúng ta đang cần gì? Khó khăn như thế nào? Thích hay không thích, các nhà giáo dục thường nói người giáo viên “vừa là đạo diễn, vừa là nghệ sĩ”, họ vừa thiết kế, vừa thi công do đó đòi hỏi bảo đảm tính khoa học và nghệ thuật, đồng thời người thầy cô cũng đóng vai là người anh người chị, người bạn chân thành của học trò. Có như vậy giáo viên mới có thể trao đổi tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu, hứng thú của các em. Các nhà giáo cũng cần hiểu rằng, chúng ta không nên bày tỏ tâm trạng tiêu cực của mình trước học sinh, điều này là tối kỵ, nếu như trong giờ giảng bài mà luôn nghĩ đến “cơm – áo – gạo – tiền” thì sao có nguồn cảm hứng để truyền tải kiến thức đến người học, chẳng qua chỉ “cơm chấm cơm”.
Như vậy, có thể nói vấn đề trẻ ghét học lỗi tại ai? Một phần là lỗi của giáo viên, chúng ta cần phải nhìn lại mình – những người làm công tác giáo dục đào tạo ra cả một thế hệ, lẽ nào sau mỗi tiết học không để lại gì cho tâm hồn của trẻ, lẽ nào sau một tiết học thì học sinh quên mất thầy cô tên gì? Dạy môn nào?…
TS. giáo dục học Nguyễn Minh Thức
Giảng viên tâm lý học Nguyễn Văn Công
Học sinh chán học do người dạy…
Nếu cứ để tình trạng dạy như mấy chục năm qua thì có thể đến nhiều thế hệ nữa vẫn chán học! Đành rằng một phần do chương trình hiện nay ở các cấp khá nặng, nhưng nguyên nhân từ phía người dạy cũng “góp phần” cho trẻ chán học.
Dạy cung cấp kiến thức cơ bản, khơi gợi sự hứng thú, sự tìm tòi cho các em hầu như ít giáo viên làm được. Họ quan niệm dạy học cũng là một nghề như bao nghề khác mà không hiểu rằng dạy học là nghề có nhiều đặc trưng nhất trong các ngành nghề. Đó là người thầy đồng thời là người nghệ sĩ; người thầy đồng thời là người cha, người mẹ của các em, thương yêu các em thực lòng, không màu mè, giả tạo.
Nhiều giáo viên (có lẽ vì cơm, áo, gạo, tiền “ghì sát đất”) khi bước vô lớp không hề tươi cười mà luôn giữ bộ mặt “hình sự” thì các em còn đâu hứng thú nghe giảng (nhất là môn văn, đòi hỏi người dạy phải có một tâm hồn). Họ cũng dạy hết giờ, cũng hết bài theo chương trình và học sinh cũng ghi bài đầy đủ. Xong tiết học ký “sổ đầu bài” là xong phận sự! Một bộ phận giáo viên không nhỏ chán dạy thì học sinh cũng chán học là chuyện bình thường. Đối với họ, dạy trong sách là đủ, là đúng, cất công tìm hiểu thêm kiến thức bên ngoài, đưa vào chỉ thêm tốn thời giờ và có khi “cháy giáo án”. Như thế thử hỏi còn đâu là dạy sáng tạo, năng động của người giáo viên?
Tôi dạy môn ngữ văn, hầu như tôi không lấy dẫn chứng trong sách giáo khoa ở các bài tiếng Việt và làm văn. Những dẫn chứng ấy là dùng chung cho học sinh cả nước, mình phải vận dụng những kiến thức phù hợp với đối tượng học sinh của vùng miền mình. Học sinh trong giờ của tôi rất hào hứng vì được nghe những kiến thức mới, sống động không khô cứng như trong sách giáo khoa. Muốn được như vậy cần có niềm say mê với nghề, với bộ môn và niềm đam mê tìm hiểu, đọc sách, báo…
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” – trước hết chúng ta tự nhìn lại mình, đã hết lòng vì nghề nghiệp; chú tâm trau dồi nghề nghiệp chưa? Để học sinh chán học, thờ ơ, ngán ngẩm chuyện học là trách nhiệm một phần lớn ở người giáo viên!
Nhà giáo Lê Đức Đồng (Sóc Trăng)
|
Bình luận (0)