Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tre già măng mọc

Tạp Chí Giáo Dục

Cô giáo Thanh Hương (trái) cùng con gái Việt Trang 

Là thế hệ thứ ba trong một gia đình truyền thống nhà giáo nhưng cô giáo Vũ Đặng Thị Thanh Hương (GV Trường THCS Ngô Chí Quốc, Q.Thủ Đức – TP.HCM) lại may mắn hơn nhiều người khác là có một tuổi thơ sống cùng với ông ngoại – một con người suốt cả cuộc đời thủy chung với nghề dạy học.
Vòng tay ông ngoại
Dù đã gần 30 năm trôi qua nhưng ký ức về người ông vẫn không xóa nhòa trong nỗi nhớ của đứa cháu ngoại. Ngày đó Hương còn bé nên được ông ngoại coi như cục vàng, cưng chiều một mực. Nhà bố mẹ Hương cách ông bà ngoại một lũy tre làng nên cứ khi nào rảnh là mẹ con dắt nhau sang thăm hai cụ. Hương cảm thấy hình như lúc nào ông bà cũng đợi sẵn để chờ đứa cháu ngoại về ôm vào lòng cho thỏa nỗi mong chờ thương nhớ. Vừa vào đến ngõ cô bé chạy ba chân bốn cẳng sà vào lòng ông để người vuốt tay lên mái tóc và nghe ông hỏi chuyện đủ điều. Khi thì theo ông ra vườn, lúc được nghe ông kể chuyện cổ tích, nằm võng hát ru Hương thích lắm. Thấy ông ngồi soạn bài cô bé tưởng ông cũng ngồi học như mình. Mãi đến sau này đứa cháu ngoại mới biết ông là thầy giáo của đám trẻ trong làng, ngày ngày đến Trường cấp 1 Yên Lâm (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) dạy chữ. Đó cũng là khi cô bé Hương được mẹ cho mặc quần áo đẹp và chở đến trường đi học. Cô nhớ lại: “Dáng người ông ngoại cao lớn, nét mặt phúc hậu và quý lũ trẻ như tôi. Hàng ngày bố mẹ chở tôi đến trường bằng xe đạp nhưng nhiều hôm tôi lại được ông sang nhà chở đi. Được ngồi sau xe trò chuyện ríu ra ríu rít cùng ông tôi thích lắm. Có lẽ vì thế mà tôi là đứa cháu gắn bó với ông nhất”. Thời kỳ đó sách vở và dụng cụ học tập hiếm nên lâu lâu ông cho tôi một cuốn vở hay cả bộ SGK. Nhưng đối với cô bé tiểu học, món quà mà Hương thích nhất là những cái nhãn vở nho nhỏ, có hình những con thú, bông hoa thật xinh xắn. Không ít bạn bè trong lớp nhìn tập vở của Hương mà thèm thuồng. Thế nhưng Hương không ngờ có ngày mình lại phải xa người ông yêu quý nhất. Đó là vào năm 1980, đang dạy ở Trường THCS Yên Mạc (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) thì bố mẹ Hương được điều động vào Nam công tác. Từ giã mái nhà tranh, ngôi trường làng thân thuộc và nhất là bạn bè thầy cô, cô bé tuổi trăng tròn gửi lại quê hương không biết bao nhiêu kỷ niệm và nỗi niềm thương nhớ. Nhưng điều mà Hương thấy buồn nhất là từ nay không còn được sống trong vòng tay yêu thương của ông bà hai bên nội ngoại. Dù đã lớn nhưng cô bé vẫn muốn được ông vuốt ve, cưng chiều và sẻ chia tâm sự. Trong vòng tay ông ngoại, cô bé lớn lên bằng cả tình thương yêu và chữ nghĩa mà ông để lại. Phải từ giã vợ chồng đứa con gái và nhất là mấy đứa cháu ngoại, lòng ông không khỏi bùi ngùi. Tuy nhiên đối với bố Hương thì ông đã quen với những chuyến đi xa để đem ánh sáng đến khắp mọi miền đất nước. Thời trẻ tuổi, bố đã từng bỏ đồng bằng lên vùng núi Yên Bái, Lào Cai đi “cắm” chữ tận các bản làng xa xôi. Chuyến tàu Thống nhất Bắc – Nam đã đưa gia đình Hương đi từ quê hương cố đô Hoa Lư vào tận Ga Bình Triệu. Bạc Liêu là tỉnh cực Nam của Tổ quốc và cũng là điểm dừng chân cuối cùng của gia đình họ. Là người đã có nhiều kinh nghiệm đứng lớp, bố Hương được Sở GD-ĐT điều động về Trường Bồi dưỡng GD huyện Hồng Dân giảng dạy.  
Lương sư hưng quốc
Là kế toán HTX nên ngoài việc cơm nước giặt giũ chăm sóc đàn con, mẹ Hương suốt ngày bận rộn với những con số và các phép tính cộng trừ nhân chia. Từ ngày xuất giá tòng phu, bà trở thành “người của hậu phương” giúp chồng an tâm với nghiệp giáo chức và theo trọn niềm đam mê với từng trang giáo án. Rồi chẳng biết từ bao giờ niềm đam mê của người chồng lại “bén duyên” sang người vợ. Kết quả là năm 1981 bà đã tạm chia tay với nghề kế toán theo học lớp một lớp sư phạm ở Trường Bồi dưỡng GD huyện để nối nghiệp chồng. Như một sự khởi thủy may mắn, vài năm sau cô con gái lớn Vũ Dương Thị Thanh Hương đã bước vào cổng Trường CĐSP Cần Thơ để tiếp tục cho sự nghiệp “trăm năm trồng người”. Nhiều người nói rằng hình như mấy chị em Thanh Hương sinh ra là để vào trường sư phạm và tiếp tục đi theo con đường của bố mẹ theo quy luật “tre già măng mọc”. Cô kể trong niềm tự hào: “Nếu tính cả ông ngoại thì trong gia đình tôi có 7 người theo nghề giáo. Hiện tại bố mẹ và một đứa em gái đang dạy ở Bảo Lộc – Lâm Đồng. Trường cấp 1 Hiệp Thành, Bạc Liêu là nơi đứa em gái kế tôi đang công tác. Cô em gái út sau khi học xong ĐH Sư phạm TP.HCM đã ra dạy một trường THPT dân lập ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”. Nhưng theo cô, như thế vẫn chưa hết vì trong nhà còn 2 cậu em rể cũng đang ngày đêm trên bục giảng.
Hương Thủy
Gia đình họ sống thanh nhàn, đạm bạc nhưng rất hạnh phúc. Ở đó người ông luôn nhắc cháu, người bố luôn dặn con phải biết coi trọng chữ nghĩa và nghề dạy học vì “lương sư hưng quốc”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)