Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trẻ hay lở miệng, tại sao?

Tạp Chí Giáo Dục

Con trai tôi năm nay 9 tuổi, nặng 32kg. Cháu ăn uống bình thường, chế độ ăn cũng có nhiều rau củ và trái cây. Nhưng cháu thường xuyên bị lở miệng gây đau rát, khó khăn trong ăn uống. Cứ một, hai tháng lại bị như vậy, và có những lần cháu bị lở rất to làm sưng cả miệng, môi. Đó có phải là một căn bệnh hay chỉ là bị nóng trong người như dân gian thường nói? Có phải do ăn uống thiếu chất không?
(Kim Thoa)

Nhắc nhở bé vệ sinh răng miệng thường xuyên để ngừa bệnh viêm loét miệng – Ảnh: Gia Tiến

Ở độ tuổi cháu cân nặng như thế là bình thường. Cháu ăn nhiều rau quả là tốt nhưng còn một số loại thực phẩm quan trọng cho sự tăng trưởng của trẻ như chất đạm có trong thịt cá trứng sữa, các loại đậu và chất béo nên không biết cháu có được cung cấp đầy đủ năng lượng và cân bằng các chất dinh dưỡng so với nhu cầu của cháu hay không.
Viêm loét miệng nói chung có nhiều nguyên nhân như stress, vi trùng, suy giảm miễn dịch, sang chấn… nhưng thường gặp là do virus và thiếu vi chất dinh dưỡng, hoặc có thể do sự kết hợp giữa các yếu tố trên. Trường hợp của cháu thường xuyên bị viêm loét miệng tái phát có thể là dạng loét áptơ. Bệnh này thường gặp ở trẻ em và phụ nữ, các vết loét này xuất hiện nhiều ở môi, niêm mạc miệng, lưỡi và có khi ở amiđan. Bệnh kéo dài 7-10 ngày rồi tự khỏi, thường không để lại sẹo, nhưng rất hay tái phát và gây đau đớn.
Tình trạng tái phát của cháu có thể có một số yếu tố thuận lợi, hay còn được coi là nguyên nhân từ bên trong cơ thể, như tình trạng thiếu dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng không đúng cách, dẫn đến cơ thể thiếu các vi chất dinh dưỡng như vitamin A, C, B2, PP, B6, B12, kẽm, protein… làm giảm sức đề kháng của cơ thể và tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và gây bệnh. Bác sĩ đã cho cháu uống các thuốc vitamin C, vitamin nhóm B và kẽm một đợt thì đỡ cho thấy bệnh hay tái phát ở cháu có thể liên quan đến sự thiếu hụt các vi chất trên.
Nếu cháu được bác sĩ chẩn đoán như trên và không có bệnh gì khác thì điều trị giảm đau bằng thuốc mỡ bôi tại chỗ, hoặc sử dụng một số loại nước súc miệng trong đợt cấp hoặc thuốc giảm đau toàn thân. Đồng thời đưa cháu tái khám để bác sĩ tiếp tục cho bổ sung các vi chất dinh dưỡng kể trên với liều bổ sung trong thời gian vài ba tháng mới có thể giúp cháu khỏi bệnh hoặc sẽ giảm rõ hiện tượng tái phát.
Việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng với liều sinh lý theo nhu cầu của lứa tuổi (không phải liều điều trị) như trên hoặc cho bổ sung từng đợt, mỗi đợt 20-25 ngày mỗi tháng kết hợp với chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng trên, ngủ tối và ngủ trưa đầy đủ cùng với việc vận động rèn luyện cơ thể làm tăng sức đề kháng và vệ sinh răng miệng thường xuyên rất có lợi. Lý do là để cho việc bổ sung vi chất dinh dưỡng có hiệu quả trong trường hợp này, hoặc trường hợp có nguy cơ thiếu hụt, phải có thời gian vài tháng mới có hiệu quả và trong quá trình bổ sung cần được bác sĩ chỉ định và theo dõi.
TS.BS Nguyễn Thanh Danh
(Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)
TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)