68,12% học sinh THCS có biểu hiện trầm cảm, 50,63% có biểu hiện lo âu; 55% học sinh THPT luôn cảm thấy cô đơn, bối rối, căng thẳng, cố ý gây thương tích cho bản thân; 69% luôn cảm thấy thất vọng, buồn rầu hoặc trầm cảm, 72% có ý nghĩ tiêu cực…
Áp lực học hành, thi cử khiến nhiều học sinh rơi vào trầm cảm
Kết quả được nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ nêu ra tại tọa đàm nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe tinh thần học sinh do Phòng GD-ĐT Q.3 tổ chức, dựa trên các nghiên cứu với 400 học sinh THPT và 709 học sinh THCS.
Áp lực từ học hành thi cử, kỳ vọng gia đình
“Việc thường xuyên gặp áp lực học hành thi cử cũng như sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ là 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ hóa bệnh trầm cảm ở học sinh hiện nay. Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, khoảng 8% – 29% trẻ Việt Nam trong độ tuổi vị thành niên mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên có các vấn đề sức khỏe tâm lý, tâm thần song chỉ khoảng 20% trong số đó nhận được các hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết” – nghiên cứu sinh này chia sẻ.
Quan sát những vấn đề tâm lý thực tế mà học sinh gặp phải trong thời gian qua, thầy Đào Hữu Khánh – Hiệu trưởng Trường THCS Hai Bà Trưng (Q.3) nhận định, các vấn đề này đến từ nhiều phía, có thể là áp lực học tập, thi cử, áp lực gia đình, cảm xúc tâm lý, sinh lý. Những thương tổn tâm lý của học sinh mang tính tiềm ẩn, nhiều thương tổn lâu dài song không phải lúc nào cũng sẵn sàng bộc lộ để thầy cô nhìn thấy, kịp thời can thiệp…
“Để làm tốt công tác tư vấn, tham vấn tâm lý học đường là chuyện rất khó. Quan trọng hơn cả là phải làm sao thấu hiểu được các em, để các em tin tưởng, chủ động chia sẻ những câu chuyện của mình cho thầy cô tháo gỡ” – thầy Khánh bày tỏ.
Cha mẹ học sinh cũng cần phải được hỗ trợ tâm lý
Thầy Vũ Bá Luận – Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Sơn Hà (Q.3) nhìn nhận hiện nay chăm sóc sức khỏe tinh thần học sinh là vấn đề cấp bách, đặc biệt sau khi trải qua dịch Covid-19 – nhiều học sinh gặp khó khăn về tâm lý. Với lứa tuổi tiểu học, các em đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, tâm lý nên càng phải được quan tâm hơn về vấn đề sức khỏe tinh thần. Thế nhưng, thực tế hiện nay nhiều ba mẹ bị cuốn vào vong xoay cơm áo, gửi con cho ông bà chăm sóc, ít có thời gian quan tâm chăm sóc con. Nhiều trẻ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình khi không có ai để chia sẻ những vấn đề gặp phải.
Phụ huynh học sinh tiểu học cũng là đối tượng cần hỗ trợ tham vấn tâm lý
Hiệu trưởng này trăn trở: “Nhiều phụ huynh tiểu học còn rất trẻ, có khi mới 25, 26 tuổi – không có kinh nghiệm về chăm sóc con cái, kỹ năng ứng xử với trẻ, thậm chí cãi nhau về việc nuôi dạy con như thế nào. Vì vậy, bên cạnh chăm sóc sức khỏe tinh thần học sinh thì rất cần thiết phải quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần phụ huynh tiểu học. Dù vậy, các tình huống, vấn đề ở phụ huynh và học sinh bậc tiểu học đa phần chỉ được các thầy cô tháo gỡ bằng kinh nghiệm giáo dục và kinh nghiệm cuộc sống nhưng nhiều ca khó thì giáo viên không thể can thiệp được…”.
Cần đẩy mạnh tham vấn trực tuyến
Theo tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Hữu Long – Phó Giám đốc Phân viện miền Nam – Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, đến năm 2025 mỗi trường cần thiết phải có 1 cán bộ chuyên trách làm công tác tư vấn tâm lý học đường mới đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cán bộ chuyên trách này phải được đào tạo chuyên ngành tâm lý học đường và được hưởng mức lương viên chức như giáo viên phổ thông. Để làm tốt lộ trình này cần có bài toán dự báo và có những định hướng bài bản.
TS. Nguyễn Hữu Long cho rằng, với thực tế của hoạt động tham vấn tâm lý học đường hiện nay, chúng ta nên thúc đẩy hoạt động tư vấn trực tuyến qua web, Facebook hay app nhằm tăng tính tương tác của học sinh, đặc biệt là các vấn đề mà các em khó chia sẻ.
TS. Phạm Đăng Khoa – Trưởng phòng GD-ĐT Q.3 khẳng định, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 càng đặt ra các yêu cầu cao về vai trò công tác tham vấn tâm lý trong trường học. Học sinh cần có kênh để lắng nghe, cần có công cụ để hỗ trợ, định hướng để các em biết mình là ai, mình có thế mạnh nào, chọn nhóm môn học tự chọn nào phù hợp với năng lực và xu hướng nghề nghiệp… Tuy nhiên, để hỗ trợ học sinh hiệu quả thì chúng ta phải chủ động tìm đến các em để tư vấn chứ không phải chờ học sinh tìm đến mình…
“Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý và sức khỏe tâm thần của cả xã hội, trong đó có nhiều phụ huynh, học sinh và cả giáo viên. Việc nhận diện, nắm bắt, phát hiện và hỗ trợ kịp thời những vấn đề tâm lý hiện nay trong học đường là vô cùng quan trọng. Điều này cần sự chung tay của cả gia đình, nhà trường, xã hội, làm sao phát hiện và đánh giá đúng mức độ tâm lý mà học sinh đang gặp phải để có hỗ trợ đúng hướng, ngăn chặn các vấn đề tâm lý học sinh. Chương trình phát triển tâm lý học đường được Phòng Giáo dục quận xây dựng với mong muốn trở thành một kênh chính thống giúp kết nối được với gia đình, nhà trường và xã hội, từ đó cùng hỗ trợ các vấn đề tâm lý ở học sinh” – TS. Phạm Đăng Khoa đánh giá.
TS. Khoa cho biết, từ năm học 2022-2023, Q.3 triển khai dự án Phát triển tâm lý học đường dành riêng cho học sinh trên địa bàn quận. Dự án sẽ kết hợp hỗ trợ tham vấn tâm lý trực tiếp và trực tuyến cho học sinh.
“Đối với tư vấn trực tiếp, quận triển khai tư vấn theo cụm trường – tức là học sinh một số trường lân cận sẽ cùng được hỗ trợ tư vấn tại cùng một phòng tư vấn học đường. Song song, quận tổ chức tham vấn trực tuyến với chuyên gia cho học sinh thông qua app. Mỗi học sinh sẽ có một mã số đăng nhập, từ đó chuyên gia tham vấn trực tuyến sẽ biết chính xác danh tính cụ thể của học sinh để kịp thời can thiệp với các tình huống xấu. Điều này cũng sẽ giúp nhà quản lý giáo dục nắm bắt được tình trạng sức khỏe tinh thần của học sinh mình, có biện pháp hỗ trợ giáo viên, phụ huynh, học sinh…” – TS. Phạm Đăng Khoa thông tin.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)