Để tránh áp lực cho trẻ, phụ huynh nên tạo điều kiện cho các em đến với hoạt động vui chơi trong ngày hè
|
Dù mới vào hè nhưng các bậc phụ huynh đã lên kế hoạch hè cho con từ trước. Người thì cho con có mùa hè đúng nghĩa khi được về quê thăm ông bà, họ hàng; người thì cho con tham gia các khóa học kỹ năng… Chỉ tội nghiệp những đứa trẻ nghỉ hè mà thời khóa biểu còn “dày” hơn ngày đi học.
Cho con học thêm để dễ quản
Gia đình anh Tuấn (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) khá đơn chiếc. Anh chị đều là công nhân viên Nhà nước, không có khả năng thuê người trông nom hai con. Do đó, kế hoạch hè cho con của anh chị là đưa hai đứa về quê ngoại chơi ít ngày, sau đó về thành phố đi học thêm. Thời khóa biểu anh Tuấn lên cho hai đứa con gái (đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ 7 tuổi) nhìn mà choáng. Lịch học bắt đầu từ ngày 15-6 (kỳ nghỉ hè của con chỉ vỏn vẹn có 2 tuần). Theo đó, sáng thứ 2-4-6, hai con đi học thêm ở nhà cô giáo, buổi tối học đàn; chiều thứ 3-5-7 học thể dục nhịp điệu ở Cung Văn hóa Lao động thành phố. Riêng ngày chủ nhật, anh chị cho hai con đi học kỹ năng mềm ở một trung tâm.
Có được hai tuần về quê như con anh Tuấn cũng tạm gọi là tốt. Cho con đi học thêm trong những ngày hè là giải pháp mà nhiều bậc phụ huynh cho rằng hữu hiệu nhất để quản lý con. Anh Nguyễn Văn Tuấn (P.An Lợi Đông, Q.2) cho biết: “Trong xóm lao động nghèo của chúng tôi không tìm đâu ra một sân chơi. Để ở nhà, các cháu dễ bị trẻ xấu lôi kéo, sớm hư hỏng. Do đó, từ đầu tháng 6 chúng tôi đã cho con đi học thêm”. Với giải pháp này, không ít bậc phụ huynh chẳng cần quan tâm con mình đến nhà thầy cô học được những gì, có tiếp thu hay không. Rút kinh nghiệm những năm trước vì đăng ký học thêm trễ nên không thầy cô nào nhận dạy thêm cho con, năm nay, chị Thu Nga (P.2, Q.4) đăng ký cho con học thêm từ sớm, cuối tháng 5, coi như con không có mùa hè. Chị Nga lý giải: “Hầu như tuần nào bọn trẻ cũng được đi chơi. Cha mẹ bận thì có các dì, các cậu đến chở đi hết Đầm Sen đến Suối Tiên… Chơi như thế là đủ rồi, phải tập trung học hè thì lên lớp trên mới theo kịp bạn bè”.
Cho con theo các khóa học kỹ năng mềm vào dịp hè cũng là lựa chọn của nhiều bậc phụ huynh. Địa chỉ dạy kỹ năng cho trẻ mọc lên rầm rộ với những lời quảng cáo như rót mật vào tai, nhưng những ai từng trải qua mới hay. Tìm được một nơi tin cậy để cho con học chương trình này không hề đơn giản. Chị Nguyễn Thu Giang, thành viên của Hội quán Các bà mẹ than thở: “Trang bị các kỹ năng cho con từ lứa tuổi mầm non là việc làm không thừa. Tuy nhiên, với mức học phí gần 1,5 triệu đồng/ khóa học 1,5 tháng, các cháu chỉ được trải qua vài bài học đơn giản như ném bóng nhựa, nhìn tranh đoán chủ đề… gọi là học phản xạ nhanh thì thật lãng phí. Đây cũng là lý do mà một số phụ huynh quyết định không cho con đi học thêm”.
Hè trong bốn bức tường
Được ra ngoài tung tăng cùng các anh, chị trong hẻm mấy ngày hè đối với chị em Hạnh Trang (12 tuổi, P.Cầu Kho, Q.1) còn vui hơn khi được quà bánh của mẹ. Hạnh Trang nói: “Sáng dậy mẹ đã để sẵn đồ ăn sáng trên bàn rồi khóa cửa đi làm. Hai chị em chỉ quẩn quanh trong nhà đến lúc mẹ về”. Còn Hạnh Hoa, em gái của Trang nói như mếu: “Con muốn chơi banh đũa với mấy chị nhưng không ra ngoài được. Hai chị em chơi với nhau một chút rồi chán, hơn nữa mấy trò con thích thì chị hai không thích”. Trong bốn bức tường, hai chị em Trang và Hoa cứ hết chơi rồi lại đọc sách. Chán đọc sách rồi nằm coi ti vi, đến giờ ba mẹ đi làm về là chở tới nhà cô giáo học thêm.
Trước đây Duy Hải (HS lớp 4, Trường TH Trần Quang Khải, Q.1) tha hồ đá bóng cùng các bạn trên vỉa hè gần nhà. Nhưng từ khi em và các bạn cãi cọ, đánh nhau, mẹ đã cấm em ra ngoài chơi bằng cách khóa trái cửa mỗi khi bà ra khỏi nhà.
Khóa trái cửa, nhốt con trong nhà là cách mà nhiều ông bố bà mẹ thường làm. Hàng năm, cứ vào đầu tháng 6, từ các tổ, khu phố đến phường đều có những chương trình vui hè bổ ích dành cho trẻ. Tuy nhiên, hoạt động này không mấy hiệu quả chỉ vì các bậc phụ huynh không tin tưởng vào những sân chơi như thế. Bà Lâm Thị Tuyết Hoa, người nhiều năm tình nguyện trong công tác Đoàn, Hội ở P.Tân Kiển (Q.7) nhìn nhận: Một phần vì cha mẹ bận bịu mưu sinh, không có điều kiện đưa trẻ đến với các sân chơi. Nhưng điều mà chúng tôi lo lắng là từ suy nghĩ của người lớn. Họ cứ giữ khư khư quan điểm sai lầm, phản giáo dục là “Con tránh xa bạn lạ mới yên tâm”. Theo kinh nghiệm của bà Hoa, những sân chơi ở khu phố hoặc phường lại thu hút trẻ tham gia hơn là đến các nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa quận/huyện. Vì thế, bà Hoa đưa ra giải pháp: “Chúng ta đừng quá cứng nhắc trong việc tổ chức những sân chơi cho trẻ phải ở nhà thiếu nhi mà cần linh động tổ chức ở nhiều nơi, tạo điều kiện cho số đông trẻ tham gia”.
Hè. Được về quê với ông bà, người thân là niềm hạnh phúc lớn của trẻ. Dù ngắn ngủi nhưng những tháng ngày được cùng bạn bè đồng trang lứa đuổi bướm, hái hoa, bắt chuồn chuồn… thì không gì thích thú bằng. Những ngày tháng ấy sẽ in sâu vào trong tâm trí của trẻ. Đó là ước mơ của biết bao đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở chốn thị thành. Ước mơ đó sẽ thành hiện thực nếu người lớn chúng ta nhận thức được rằng, hè là khoảng thời gian để trẻ vui chơi là chính, hơn là bắt chúng vùi đầu vào sách vở.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Bà Nguyễn Thu Tuyết, cán bộ hưu trí ngụ tại cư xá Lữ Gia (Q.11) lắc đầu ngao ngán: “Mùa hè của trẻ con bây giờ chỉ quẩn quanh trong bốn bức tường chật hẹp. Nói không có sân chơi cho trẻ cũng có cái đúng, song đó là câu nói cửa miệng của cha mẹ hòng ngụy biện cho cái thói quen “nuôi gà công nghiệp” của mình”. |
Bình luận (0)