Ngày 20-8, Bộ GD-ĐT và Tổ chức USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ) phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết 3 năm (2006 – 2008) triển khai dự án giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật mầm non. Sau 3 năm triển khai dự án, số trẻ khuyết tật hòa nhập có tăng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Những câu chuyện cảm động
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe câu chuyện cảm động từ cô Huỳnh Thị Xuân Linh, Hiệu trưởng Trường Mầm non 10, Đà Lạt, Lâm Đồng. Cô Linh cho biết, năm học qua, trường đã tổ chức thu nhận 3 trẻ khuyết tật hòa nhập. Đó là cháu Nguyễn Vũ Đăng Nguyên, sinh năm 2003 bị khiếm thính bẩm sinh. Em được nhận vào lớp lá 3 tại phân trường Hồng Lạc. Biết được bệnh của học trò, nhà trường đã cử giáo viên có đủ khả năng hướng dẫn và cung cấp tài liệu liên quan cho giáo viên nghiên cứu. Giáo viên chịu trách nhiệm dạy cháu Nguyên là cô Nguyễn Thị Chu Hào. Hàng tháng trời, Nguyên vẫn chưa nói được và không nghe rõ lời của cô giáo, của các bạn, việc tiếp thu và tham gia các hoạt động của em gặp nhiều khó khăn, kết quả học tập hạn chế. Điều này đã khiến cô Hào lúng túng trong việc xử lý và giúp đỡ Nguyên thích ứng với các hoạt động trường lớp. Nhiều khi đang chơi với bạn, Nguyên tự nhiên hét to lên. Cô Hào băn khoăn không biết điều gì xảy ra với em. Qua tìm hiểu và từ những kinh nghiệm có được, cô Hào nhận thấy nguyên nhân là do máy trợ thính nằm ở vị trí không chuẩn. Sau một thời gian điều chỉnh lại vị trí của máy cùng với sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, đến cuối năm học Nguyên đã phát âm rõ ràng hơn, biết chào bố mẹ, chào cô, chào bạn… Năm học mới sắp tới, Nguyên bước vào lớp 1 tại Trường Tiểu học Lê Lợi và đã sẵn sàng để học tiếp.
Học sinh Trường Câm điếc Hy Vọng 1 (TP.HCM) trong giờ học đàn. Ảnh: H.Triều
Câu chuyện thứ 2 cô Linh kể đó là một học sinh sinh năm 2003 bị chậm phát triển trí tuệ dạng khó khăn về sức khỏe tâm thần – tự kỷ đó là em Trần Đình Lâm. Khi Lâm được nhận vào lớp lá 3 (cùng lớp với Nguyên), em không có phản ứng gì khi cô và bạn trò chuyện hoặc gọi tên. Em cũng không biết xúc ăn hay la hét vô cớ, bỏ chạy ra khỏi lớp và hay tự cào cấu vào người mình. Khi biết rõ bệnh tình của Lâm, các giáo viên trong lớp càng thương và chăm sóc em nhiều hơn. Các cô từng bước dạy Lâm tập nghe – nói, biết nghe lời và hiểu lời… Cô Linh cho biết, khi dạy Lâm, các cô thường phải nói to, phát âm rõ lời và nhìn thẳng vào mặt em kèm theo cử chỉ, hành động phù hơp. Đến cuối năm học, Lâm đã biết nghe – hiểu lời nói hơn trước, biết vòng tay, gật đầu khi chào, không còn la hét chạy ra khỏi lớp. Để có được kết quả này, đối với các giáo viên, không phải chỉ có kỹ năng, phương pháp dạy mà còn phải thực sự yêu thương các em.
Câu chuyện thứ 3 là trường hợp của học sinh Phạm Thiên Lý, sinh năm 2002 bị khó khăn vận động ở cơ tay và khó khăn về học. Để giúp Lý, các giáo viên đã luyện tập cho em hàng ngày các bài tập phát triển cơ bắp lớn của cánh tay và cơ nhỏ của bàn tay trong mọi lúc, mọi nơi dưới mọi hình thức trò chơi. Cô thường giao nhiệm vụ riêng cho em làm các bài tập tạo hình để rèn luyện khả năng cầm viết và phát triển các vận động ở cơ ngón tay, tăng cường trò chuyện, cho em đọc thơ, kể chuyện… Nhờ đó, Lý từng bước khắc phục được các hạn chế, tham gia đầy đủ các hoạt động của lớp. Hiện Lý đã vào học lớp 1 của Trường Tiểu học Đại Lợi, Đà Lạt, Lâm Đồng.
Từ ba câu chuyện này, cô Linh cho rằng, để giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, ngoài nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các kiến thức thì giáo viên phải xác định được trách nhiệm và câng cao lòng yêu nghề, chức năng “mẹ hiền” của mình. Bản thân các trường cũng phải bố trí những giáo viên có khả năng phù hợp để giáo dục trẻ khuyết tật.
Như vậy, giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật không quá khó nhưng điều quan trọng phải biết nhìn đúng người và dạy đúng phương pháp.
Trẻ khuyết tật học hòa nhập chưa được 1%
Cả tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có khoảng 2.000 trẻ khuyết tật ở các độ tuổi. Từ năm 1997, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD-ĐT thành lập 2 trường chuyên biệt dành cho gần 500 trẻ khuyết tật (chiếm khoảng 25% số trẻ khuyết tật trong toàn tỉnh). Năm học 2003 – 2004, toàn tỉnh chỉ có 16,7% trẻ khuyết tật mầm non ra lớp hòa nhập, con số này năm học 2008 – 2009 là 41,02% với 192/468 em. Có thể nói, chưa được 50% số trẻ khuyết tật mầm non của tỉnh được ra lớp hòa nhập. Còn theo thống kê của Bộ LĐ – TB&XH hiện cả nước có khoảng 1,2 triệu trẻ khuyết tật. Nhưng trong số này, theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đến cuối năm học 2008 – 2009 mới chỉ có 14.872 trẻ khuyết tật học hòa nhập, mới chỉ đạt 0,12%. Báo cáo của Bộ LĐ – TB&XH cho thấy, trong số 1,2 triệu trẻ khuyết tật của Việt Nam có tới 46,7% chưa học xong tiểu học. Chỉ có 6% trẻ khuyết tật học xong phổ thông trung học. Trong ba năm 2006 – 2008, dự án tăng cường hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Việt Nam được chia cho 4 vụ chức năng của Bộ GD-ĐT phối hợp thực hiện. Trong đó, riêng tiểu dự án của Vụ Giáo dục mầm non có giá trị là 64.000 đô la Mỹ. Nhưng theo phản ánh của Sở GD-ĐT Ninh Bình thì hiện nay chế độ chính sách đối với giáo viên dạy trẻ khuyết tật và trẻ khuyết tật không có, đời sống của trẻ khuyết tật và giáo viên dạy học lớp hòa nhập còn gặp nhiều khó khăn. Huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được coi là một huyện điển hình làm tốt công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật đạt tỷ lệ 62,9% nhưng huyện cũng phải có ngân sách để hỗ trợ trẻ khuyết tật học hòa nhập là 150.000đ/tháng.
Như vậy, nếu không có sự giúp sức cùng địa phương, việc giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật khó có thể thành công và có được kết quả như mong đợi.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)