Học sinh và giáo viên Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM) trong Ngày hội đập heo đất. Những hoạt động này sẽ giúp trẻ sống tốt hơn. Ảnh: N.Trinh |
Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh than phiền con cái luôn muốn tỏ ra mình hơn người khác từ vật chất đến tài năng, nhất là ở những gia đình khá giả hay bản thân các cháu có năng khiếu bẩm sinh về học tập, văn nghệ, thể thao…
Thực tế, tâm lý trẻ nhỏ từ xưa đến nay luôn muốn hơn người là điều hết sức bình thường. Ngay cả các cháu còn bé xíu đã thích được khen đẹp, ai chê xấu là giận, là khóc. Bởi thế người lớn cần phải kịp thời chú ý uốn nắn trẻ nhỏ như ông bà đã dạy “Tre non dễ uốn”.
Còn nhớ khi con gái tôi vừa vào lớp 1, tôi cho cháu đi học Anh văn ở một cô giáo gần nhà. Chỉ vài buổi học, cháu nói: “Trong lớp Anh văn, con là người mặc đồ đẹp nhất. Cô thường khen con mặc đồ đẹp, hỏi má mua ở đâu. Trong lớp, có bạn mặc đồ thấy ghê!”. Từ lời nói của cháu, vợ chồng tôi phải giải thích rằng ba mẹ của các bạn ấy nhiều khi bận việc không có thời gian chăm sóc nên quần áo của các bạn không được ủi, hoặc nhà các bạn ấy khó khăn nên chỉ tập trung tiền để lo việc học cho con cái mà thôi. Ăn mặc đẹp mà học dở học kém, không ngoan thì chẳng hay gì…
Con gái tôi học văn khá tốt. Năm học nào, bài văn của cháu cũng được thầy cô đọc cho cả lớp nghe và khen ngợi. Ban đầu, khi đọc những bài văn của con, tôi cũng tự hào và khen cháu như thầy cô ở trường. Một hôm, cháu về khoe: “Hôm nay, con được cô cho 9 điểm văn và đọc cho cả lớp nghe. Cô còn đọc một số câu của các bạn khác. Sao mà tụi nó dốt quá, viết bậy bạ không. Con mà là cô giáo, con đọc tên các bạn đó để các bạn xấu hổ mà cố gắng hơn”. Tôi phải nói liền với cháu là cô giáo đã làm đúng khi không nêu tên các bạn viết không hay và trong cuộc sống mình giỏi điều này thì người khác giỏi điều kia, không ai hơn ai mọi thứ. Từ đó, tôi cũng hạn chế khen các bài văn của cháu.
Gần đây nhất, trong một lần trò chuyện vui vẻ, đứa con trai lớn bảo: “Xe của ba má không ai thèm lấy!”, còn đứa nhỏ nói: “Mỗi lần ba lấy điện thoại ra ở chỗ đông người, con thấy tội nghiệp ba!”. Vợ chồng tôi đi xe gắn máy cũ kỹ, không đi xe tay ga như mọi người hiện nay. Tôi vẫn còn xài chiếc điện thoại “cục gạch” lạc hậu. Vậy là vợ chồng tôi phải “đả thông tư tưởng” các con về sự cần thiết và cái hào nhoáng.
Trẻ nhỏ luôn muốn mọi thứ mình phải hơn người khác. Chính vì vậy, sự giáo dục của cha mẹ, thầy cô ngay từ nhỏ là điều hết sức quan trọng và nhất là đừng khen ngợi các cháu quá mức, cũng như đừng chiều theo các cháu những sở thích thuộc về vật chất. Bởi nếu khen và chiều theo là người lớn đã từng bước tạo cho các cháu nghĩ rằng mình có đẳng cấp hơn người.
Nhân Tâm
Bình luận (0)