Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Trẻ mầm non: Bữa ăn không còn là cực hình

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bữa ăn của các bé được tổ chức như bữa ăn trong gia đình (ảnh chụp tại Trường MN 19-5, Q.8)

Trẻ biếng ăn là chuyện bình thường, không chỉ xảy ra ở gia đình mà còn ở trường mầm non (MN). Cha mẹ sợ con không đủ chất nên ép ăn, cô giáo sợ ảnh hưởng đến thi đua nên bắt cháu ăn hết suất. Hậu quả là trẻ sợ ăn, giờ ăn trở thành cực hình…

Từ ép ăn hết suất…
Trước đây, dư luận vẫn hay lên án việc cô giáo MN ép cháu ăn. Hình ảnh cô giáo đút thức ăn liên tục vào miệng khiến cháu không kịp nhai, không kịp nuốt thỉnh thoảng vẫn xảy ra ở một số trường. Chuyện này một phần xuất phát từ quan điểm, chủ trương của chương trình giáo dục MN cũ. Đó là yêu cầu giáo viên phải cho trẻ ăn hết suất, trẻ mà không ăn hết, cô sẽ bị trừ điểm thi đua.
Trong khi đó, nhu cầu dinh dưỡng của mỗi trẻ rất khác nhau. Có thể, với trẻ này, suất ăn như vậy là vừa nên ăn hết, nhưng với trẻ khác thì suất ăn đó quá nhiều, chỉ có thể ăn hết 2/3. Vì vậy, yêu cầu trẻ phải đồng loạt ăn hết suất là rất vô lý. “Có thể ngày hôm đó trẻ muốn bệnh, thực phẩm không hợp khẩu vị hoặc trước đó trẻ đã ăn quá nhiều nên chưa đói. Do đó, trẻ không ăn hết suất cũng là chuyện bình thường”, cô Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường MN Tuổi Xanh, Q.Tân Bình cho biết.
Không chỉ có vậy, cô Vũ Thị Xuân Liên, Hiệu trưởng Trường MN Vàng Anh, Q.5 đã nêu ra những hạn chế của việc chưa quan tâm đầy đủ đến công tác đổi mới bữa ăn ở các trường MN. “Thức ăn chế biến đơn điệu, băm, xắt, xay nhỏ cho tất cả các lứa tuổi. Trong khi trẻ 4-5 tuổi (lớp chồi và lớp lá) đã có thể ăn như người lớn. Đồng thời, tập nhai cũng là nhiệm vụ giáo dục cho lứa tuổi này. Thực đơn hàng ngày thường chỉ có hai món: canh và mặn. Đồ dùng phục vụ ăn uống chưa tiện lợi cho trẻ tự phục vụ nên giáo viên phải làm thêm nhiều việc mà trẻ có thể làm được”, cô Xuân Liên nói.
Trong khi đó, không phải khẩu vị ăn uống của trẻ nào cũng giống trẻ nào. Chẳng hạn trẻ này thích ăn canh rau cải nhưng trẻ kia lại không thích; trẻ này thích ăn trứng nhưng trẻ kia lại thích ăn thịt… Theo đó, cứ đến giờ ăn là một số trẻ lại ngồi chống cằm… nhìn. Chưa hết, theo cô Kim Dung – Trường MN Tuổi Xanh – thực phẩm mà cứ cắt hột lựu rồi nấu thì mùi vị thức ăn sẽ không rõ nét. Ăn như vậy trẻ cũng rất ngán…
Đến ăn theo nhu cầu
Để khắc phục những hạn chế này, Sở GD-ĐT TP.HCM đã chỉ đạo các trường MN triển khai thực hiện chuyên đề “Đổi mới bữa ăn cho trẻ”. Theo đó, mục đích của chuyên đề là thay đổi nhận thức, hành vi giáo dục của giáo viên trong tổ chức bữa ăn sao cho thân thiện, lành mạnh, an toàn, hợp vệ sinh. Bên cạnh đó cũng giảm cường độ lao động cho giáo viên, đặc biệt là nâng cao kỹ năng tự phục vụ ở trẻ và giáo dục văn hóa ăn uống cho trẻ.
Tại Trường MN Vàng Anh, Q.5, trẻ đã được tham gia vào việc xây dựng thực đơn bằng cách nói với cô giáo về những món ăn mà mình thích. “Trẻ được khuyến khích đưa ra những lựa chọn riêng. Lúc đầu là chọn 1 trong 2, canh bí hay canh cải, thịt kho trứng hay cá sốt cà. Sau đó có nhiều lựa chọn hơn, đó là tổ chức buffet. Phụ huynh cũng được mời tham gia giới thiệu các món ăn trẻ yêu thích ở gia đình, cách thức chế biến các món ăn đó. Biện pháp này đã làm phong phú cho thực đơn của nhà trường, đồng thời hợp với ý thích của trẻ”, cô Xuân Liên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Còn tại Trường MN 19-5, Q.8, việc đổi mới tổ chức bữa ăn được thể hiện rõ nét nhất ở các lớp lá. Ngày 11-10, bữa ăn của các bé lớp lá (5 tuổi) có ba món: canh, mặn và rau. Ở lớp lá 1, thức ăn được để trên bàn, các bé sẽ tự múc. Tùy vào nhu cầu của bản thân mà các bé lấy thức ăn ít hay nhiều. Ở lớp lá 2, các bé ăn cơm ở dĩa, bên cạnh là một chén canh, một chén nước tương. Ở lớp lá 3, bữa ăn của bé được tổ chức như bữa ăn gia đình. Mỗi một bàn từ 6-8 trẻ là một gia đình. Trên bàn bày đầy đủ thức ăn và cơm, các bé tự xúc cơm, gắp thức ăn, rau và múc canh. Các bé ăn dùng đũa chứ không phải muỗng như thông thường… Cách tổ chức này khiến các bé rất thích thú mỗi khi đến giờ ăn và các bé cũng ăn được nhiều hơn.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trước đây trẻ chỉ ăn bằng tô (tô nhựa hoặc tô inox) và muỗng nên rất đơn điệu. Nhưng hiện nay các trường đã đa dạng đồ dùng phục vụ ăn uống, chẳng hạn như ăn bằng khay, bằng chén nhỏ (như ở gia đình), bằng đĩa với đũa, nĩa. Theo đó, trẻ cũng luyện được sự dẻo dai, khéo léo của đôi bàn tay. Đặc biệt, cách đổi mới tổ chức bữa ăn đã giảm đáng kể áp lực cho giáo viên, còn trẻ thì tự lập hơn, hiểu biết hơn…
Bài, ảnh: Kim Anh

“Với chuyên đề “Đổi mới tổ chức bữa ăn”, giờ ăn không chỉ đơn giản là ăn no mà trẻ còn học được nhiều điều. Qua các bữa ăn, trẻ biết phân biệt mùi vị của từng món ăn, biết thức ăn này thì ăn bằng muỗng, thức ăn kia thì ăn bằng đũa, bằng nĩa. Trẻ cũng biết phối hợp giữa các thức ăn với nhau…”, cô Kim Dung, Trường MN Tuổi Xanh cho biết.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)