Đập vào mắt bất cứ ai bước vào lớp mẫu giáo xã Đakrong, huyện Đakrong (Quảng Trị) là tấm bảng chính diện theo dõi sức khỏe có 20 cháu, nhưng có tới 10 cháu suy dinh dưỡng (SDD).
Các cô giáo bảo, thức ăn mà nhiều cháu bé mới chỉ 2 – 3 tuổi được bố mẹ sắp sẵn trong cặp lồng mang tới ăn trưa là muối và ớt.
50% số trẻ thấp còi, nhẹ cân
100% cháu bé trong lớp học đều mang họ Hồ. Bởi trên quê hương cách mạng này, có tới 80% dân số trong huyện là người Pako, Vân Kiều, họ đều lấy họ của Bác. Bé Hồ Văn Xôn – sinh ngày 25.2.2008, nghĩa là đã tròn 3 tuổi nhưng chỉ nặng 11kg và cao 85cm. Đáng lẽ ở tuổi này, cháu cần nặng 14,3kg và cao 96,1cm thì mới đạt thang tăng trưởng, ngay cả ở ngưỡng dưới SDD cháu cũng không đạt được. Bé Hồ Khánh Ly – sinh ngày 30.11.2008, tức là gần 2,5 tuổi cũng chỉ nặng 11kg, cao 83cm. Theo thang tăng trưởng bình thường thì 2 bé đều bị cả SDD chiều cao và cân nặng.
Với em bé suy dinh dưỡng ở huyện Dakrong (Quảng Trị), mỗi cốc sữa một ngày là một niềm mơ ước. Ảnh: Dương Ngọc
Trong 10 cháu SDD chiều cao còn có 5 cháu mắc thêm SDD cân nặng. Cô giáo Phan Thị Hồng Nhung cho biết: Thời gian gần đây, đã có dự án dinh dưỡng IC hỗ trợ cho các cháu mỗi bữa trưa được ăn 4.000đ. Thế nên bữa trưa có thức ăn thay phiên 1 quả trứng, 1 con cá hoặc thịt xào rau. Nếu không có hỗ trợ này thì có tới gần nửa lớp, bữa trưa của các bé sẽ chỉ là cơm và muối ớt mang đi từ nhà.
Cũng nhờ dự án hỗ trợ mà các cháu có 3 bữa quà chiều là sữa đậu nành mỗi tuần. Đến giờ uống sữa, bọn trẻ ngồi xếp vòng quanh chiếu, chờ đến lượt vì cả lớp chỉ có 8 chiếc cốc. Đến lượt uống, bé nào cũng làm một hơi, tu cạn, nhìn lại đáy cốc xem đã hết thật chưa rồi mới đặt cốc xuống – động tác không mấy khi thấy ở những trẻ em thành thị. Cô Nhung cho biết: Các cháu đều rất thích uống nữa, nhưng ai nấy cũng biết tiêu chuẩn chỉ có như vậy nên không dám đòi thêm.
Cả tháng mới có 1 bữa thịt
Hôm nay có cán bộ y tế xã về kiểm tra sức khỏe, mỗi lần kéo áo lên nghe tim phổi, không ít bé “trình diễn” chiếc bụng tròn nhưng lại “lằn” hết xương sườn – hình ảnh đặc trưng ở trẻ SDD. Chị Hồ Thị Tiêm – cán bộ dân số xã – cho hay: Thu nhập trung bình của lao động chính ở xã chỉ được 250.000đ/tháng. Vì thế nên chuyện cả tháng gia đình mới có 1 bữa thịt là bình thường. Các bà mẹ được truyền thông về cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, nhưng có khi con chỉ được 15 ngày trẻ đã ăn thêm, vì mẹ phải đi làm. Trẻ 2 – 3 tháng đã cho ăn bột, thậm chí ăn cơm. Nhà có chuối, đu đủ chín, họ không dám cho con ăn mà phải mang ra chợ bán lấy tiền mua gạo. Vì thế, tỉ lệ SDD cân nặng của trẻ dưới 5 tuổi ở đây là 34%, thể thấp còi là 50,5%. Mỗi năm tỉ lệ SDD ở đây chỉ giảm 2 – 3%”.
Không ít bé “trình diễn” chiếc bụng tròn nhưng lại “lằn” hết xương sườn – hình ảnh đặc trưng ở trẻ suy dinh dưỡng. Ảnh: Dương Ngọc
Nhận định về mức giảm tỉ lệ SDD này, BS Nguyễn Thị Thanh – Chi cục trưởng Chi cục Dân số Quảng Trị – cho biết: "Ở mức SDD còn cao như vậy, mức giảm 2 – 3%/năm vẫn còn rất chậm. Trong gia đình đồng bào Pako, Vân Kiều, phụ nữ vẫn là lao động chính nên khi họ đi làm, người trông trẻ thường là bố, anh chị em. Thế nên, trẻ có gì ăn nấy, có khi là cơm nguội. Tôi đã thấy ở nhiều gia đình, trẻ mới 2 – 3 tháng nằm nôi một mình, nồi bột để ở gần đó. Đến bữa, trẻ được anh chị cũng mới 4 – 5 tuổi đút cho ăn”.
Trong 3 năm qua, để cải thiện tình trạng SDD cho trẻ dưới 5 tuổi, Quảng Trị đã có kế hoạch các chương trình tuyên truyền, đồng thời bổ sung dinh dưỡng bằng sữa, đường, viên sắt cho bà mẹ, trẻ nhỏ ở 16 xã của 2 huyện Đakrong và Hướng Hóa. Tỉnh khuyến khích các xã thành lập những nhóm trẻ gia đình dưới 2 tuổi, có người trông nom. Như vậy, trẻ sẽ không còn bị địu theo mẹ đi làm, có điều kiện được ăn uống tốt hơn, bà mẹ cũng yên tâm đi làm hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, những can thiệp này mới chỉ là bắt đầu, còn rất khó khăn để cải thiện được dinh dưỡng, thể lực ở thế hệ trẻ em hiện nay tại những huyện miền núi này.
Quang Duy
Theo Lao Động
Bình luận (0)