Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Trẻ nghiện game

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày càng có nhiều loại game hấp dẫn dễ khiến trẻ nghiện lúc nào không biết
Nhiều trẻ em ngày nay chơi game đến mê mải, quên ăn, quên ngủ, và phụ huynh thường không để ý đến việc con mình chơi game để giải trí hay đã nghiện game từ khi nào.

Cập nhật lại cách đây 1 giờ 21 phút

>

Game máy tính ngày nay rất phổ biến, chỉ cần một cú “click” chuột là cả thế giới game đủ loại hiện ra. Trẻ em ngày nay lại được cha mẹ cho tiếp xúc với máy tính từ sớm, lúc nhỏ thì nghe nhạc, thơ, truyện trên máy tính, lớn hơn một chút là các game nho nhỏ rồi đến các game lớn hơn nên việc tự tìm game để giải trí không là việc quá khó với trẻ. Tuy nhiên từ việc trẻ chơi game nhằm mục đích giải trí, vui thích đến nghiện game là khoảng cách khá gần nếu phụ huynh lơ là giám sát.

Con mê làm Game thủ

Một khảo sát tại Mỹ cho thấy có tới 8,5% trẻ trong độ tuổi từ 8-18 tuổi nghiện game.  Theo PGS .TS Douglas Gentile ở đại học bang Iowa  (Mỹ), các trẻ này thường dành hết thời gian để chơi game, không thiết đến các hoạt động khác như vận động ngoài trời, nô đùa cùng chúng bạn. Trẻ có biểu hiện bồn chồn, bứt rứt khi không được chơi game, sao nhãng học hành và dẫn đến kết quả học tập sa sút nghiêm trọng.

Tại Việt Nam, tình trạng trẻ nghiện game ngày một gia tăng,  đặc biệt tại các đô thị lớn. Chị Vũ Hà (P. 1, Vũng Tàu) buồn rầu chia sẻ cậu con trai của chị năm nay 14 tuổi nhưng nghiện game máy tính từ lúc cháu mới… 4-5 tuổi. Lúc 7 tuổi, cháu đã nhịn ăn sáng để lấy tiền chơi game thậm chí ăn cắp tiền của mẹ để chơi game. Gia đình chị đã làm hết mọi cách cũng không cải thiện được tình hình, sểnh ra một chút là cháu lại chơi game mọi lúc mọi nơi trên điện thoại di động, máy tính và các quán game đầu ngõ. Biện pháp hiện tại gia đình chị Hà đang áp dụng là không dám nối mạng internet vì sợ cháu chơi game online, máy tính thì được tháo bàn phím, bỏ vào tủ khóa lại và vợ chồng chị luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ thay phiên trông chừng, giám sát, đưa đón cháu hằng ngày.

Chị Mỹ Vân (Bình Thạnh, TP.HCM) có cậu con trai năm nay 10 tuổi. Dạo gần đây thấy cháu gầy hốc hác, cô giáo lại gọi điện đến nhà phàn nàn cháu lơ đãng học tập, hay ngủ gật trong lớp, tâm trí như người mộng du, anh chị mới để ý và phát hiện ra đêm nào cháu cũng thức đến 4-5 giờ sáng trong phòng riêng vùi đầu chơi game. 

Cha mẹ nên làm gì?

Cấm trẻ chơi game hoàn toàn không phải là giải pháp toàn vẹn vì thực tế game không hẳn là xấu và có rất nhiều game giáo dục về toán học, ngữ pháp, thể thao, âm nhạc…ngoài tác dụng giải trí còn giúp ích cho sự phát triển trí tuệ và tính cách của trẻ.

Vì thế, cha mẹ cần cố gắng thu xếp thời gian để chơi cùng với con, có thể là chơi game hay hướng trẻ vào các hoạt động thể thao, vận động ngoài trời, vui chơi với bè bạn, du lịch, dã ngoại, hướng đạo sinh… thay vì để con chơi game một mình như một cách để cha mẹ rảnh rỗi làm việc.

Giới hạn hay thiết lập thời gian trẻ được phép chơi game ngay từ đầu và cố gắng giám sát trẻ hoạt động theo thời khóa biểu hằng ngày đã đặt ra.

Cha mẹ nên bớt chút ít thời gian để kiểm tra xem trẻ chơi game gì, hướng dẫn trẻ lựa chọn game có nội dung giáo dục, lành mạnh, không quá bạo lực. Cuối cùng, sự giám sát của cha mẹ là vô cùng quan trọng và không gì có thể thay thế được để tránh trẻ rơi vào tình trạng nghiện game.

 

Cha mẹ cần lưu tâm:

Trẻ trai thường chơi game lâu và hay chơi game hơn các bé gái do đó tỉ lệ trẻ trai nghiện game cao hơn trẻ gái.

Trẻ càng lớn thì tần suất chơi game ít hơn trẻ nhỏ nhưng thời gian mỗi lần chơi lại lâu hơn nhiều.

Các game bạo lực đặc biệt thu hút trẻ hơn hẳn các game giáo dục trong khi các nội dung đánh đấm, giết chóc trong game bạo lực có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và hình thành tính cách của trẻ.

Minh Anh (Theo TNO)

Bình luận (0)