Bước vào kỳ nghỉ hè, những gia đình có điều kiện thường “tăng cường” chăm sóc, bù đắp cho những tháng ngày học tập vất vả của con cái bằng cách sắp xếp cho các em một chỗ học hè với mong muốn con mình được “văn ôn, võ luyện” đến mức tối đa. Yêu con cái, kì vọng vào con cái là tâm lí chung của các vị phụ huynh, nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng lượng sức con mình một cách chính xác cũng như hiểu rõ tâm sinh lý của con để tổ chức cho các em một kỳ nghỉ hè “học mà chơi, chơi mà học”. Thế nhưng, nếu kì vọng quá mức, các bậc cha mẹ sẽ đẩy con cái vào tình trạng “quá tải” về nhiều mặt: sức khỏe, tâm lý…
Tìm “sô” cho con
“Hổng phải là mình làm biếng học nhưng nghĩ đến việc chuẩn bị vào năm học mới, mình như đang bước vào cuộc đua mới vì phải tuân theo một thời khóa biểu dày đặc mà ba mẹ mình… xếp lịch trước!” – H., lớp 10 Trường Thủ Đức (Q. Thủ Đức) uể oải cho chúng tôi biết. Chưa bắt đầu năm học mới nhưng bố mẹ đã “đặt hàng” với nhiều giáo viên để H. có những “sô” học thêm kín mít các ngày trong tuần làm bạn thấy “ngộp thở”. Anh trai H., hiện đang học Đại học Y Dược cũng mang chung tâm lí không thoải mái trước những “kế hoạch” học tập, mà ba mẹ đã vạch sẵn cho.
Không chỉ được phụ huynh “chăm sóc” lịch học của các em, hiện nay, khi mức sống chung đã được nâng lên, điều kiện sống tốt hơn, tình trạng “bảo bọc”, chăm sóc con cái quá mức của nhiều bậc phụ huynh cũng đang biến các em thành những… cỗ máy. Rockman_@…., lớp 12 Trường N.T.H tâm sự: “Ba mẹ chỉ có một mình tớ nên dồn hết tình yêu thương cho tớ. Mẹ rất yêu thương, chăm sóc tớ từng li từng tí, mẹ chọn trường cho tớ học, mẹ sắp xếp thời khóa biểu cho tớ, mẹ mua mọi thứ trang phục, túi xách… cho tớ đến trường, đi chơi với bạn bè… Tớ hầu như chưa bao giờ phải tự chọn trường, tự tìm trường để học, tự mua cái này sắm cái kia cho mình, vì mẹ ít khi để cho tớ tự quyết định một chuyện gì”.
Vào các dịp cuối tuần, nhìn cảnh nhiều phụ huynh cùng con cái đi siêu thị, bạn sẽ thấy có nhiều bậc cha mẹ thường lựa chọn tất tần tật từ thước kẻ, bìa bao, nhãn vở… cho con mà không hỏi xem con cái có đồng ý với mình hay không. Với các phụ huynh này, đây là cử chỉ chăm sóc con cái một cách chu đáo, nhưng có thể với các em, như vậy cũng bị coi là “mất bình đẳng”, từ đó dẫn đến tâm lý không hài lòng, các em cảm thấy buồn bực, chán nản…
Đến chuyện… yêu
“Nhà tớ khó lắm, ba mẹ không thích con gái đến nhà, vì thế lỡ có nhỏ nào hỏi địa chỉ nhà, tớ toàn phải tìm cách từ chối khéo. Mỗi khi điện thoại kiếm tớ, bố mẹ đều bắt bạn bè tớ phải xưng tên, tuổi, nhà ở đâu, sao quen tớ… làm chúng sợ phát khiếp. Mẹ quá nghiêm khắc và hay áp đặt suy nghĩ của mẹ lên bạn bè tớ. Mẹ thường nhìn và nói ngay là bạn A. tốt, bạn B. không tốt… Vì thế, mình chưa từng có một người bạn gái thân nào. Hễ thấy tớ có dấu hiệu chểnh mảng, mẹ lập tức “điều tra” đám em út trong nhà là tớ dạo này có hay trò chuyện với ai không? Tớ có hay đi chơi với ai không? Tớ hay chat chit không?… Hễ mẹ tớ nói không thích ai, là tớ không dám nói chuyện với nhỏ bạn đó nữa vì sợ mẹ sẽ “theo dõi””. N.Minh (lớp 11, Trường Hùng Vương, Q.5) kể. Khác với Minh, Thanh M. (lớp 11, Trường Nguyễn Du, Q.10) lại được mẹ chăm sóc quá… chi tiết đến mức bạn thấy… ngột ngạt. Hễ biết M. thích ai, mẹ lập tức trở thành “nhà tư vấn” tâm lí cho bạn về người đó ngay. Mẹ nghe M. trò chuyện điện thoại, xem và sửa… thư bạn viết cho bạn bè y như là cô giáo hướng dẫn làm một bài tập làm văn trên lớp. Đến nỗi, M. hầu như không có việc gì mà không cần đến mẹ…
Điều con trẻ cần
Theo tiến sĩ tâm lí Huỳnh Văn Sơn, thực tế xã hội đang có những biến chuyển theo hướng mở, bố và mẹ cùng làm việc, cùng thăng tiến trong công việc kéo theo gia đình cũng chịu tác động. Bố mẹ giỏi giang, thăng tiến ngoài xã hội thường sẽ kéo theo hai tình huống ứng xử với con cái: để con cái tự lo chuyện học tập, bạn bè vì họ ít có thời gian trò chuyện tìm hiểu con cái, hoặc sẽ áp đặt những cách suy nghĩ, cách chọn lựa của mình lên con cái, tạo áp lực về nhiều mặt cho các em. Tất cả những điều đó dễ làm mất cân bằng tâm lí ở các em. Về lâu dài, những yếu tố này tạo ra sự ức chế, sự mất cân bằng trong cảm xúc,… khiến các em dễ bị stress, bị lệch lạc trong cách tư duy, cách cư xử, cách ứng phó với thực tế cuộc sống, giảm khả năng xử lý những biến cố trong cuộc sống và giữ cân bằng tâm lí. Đó là chưa kể đến khoảng cách tâm lí, lứa tuổi giữa bố mẹ – con cái. Khoảng cách càng nhiều càng khó giải quyết. Một cô học trò 13 tuổi có bố mẹ tuổi từ 36-40 sẽ khó có thể hòa hợp trong cách sống, cách nghĩ về tình bạn, “gu” ăn mặc, âm nhạc, văn học…
Trong điều kiện sống hiện nay, người ta có nhiều cách để hòa hợp, để lắng nghe suy nghĩ của nhau vì hầu hết các gia đình ở thành phố, bố mẹ có đầy đủ phương tiện truyền thông, báo chí để có thể tìm hiểu về tâm sinh lý lứa tuổi con cái mình. Phụ huynh có thể tìm hiểu nhạc giới trẻ đang nghe, xem phim con cái mình đang thích, ngôn ngữ chat, blog mà con cái đang nói… để hiểu được thế giới xung quanh đứa con mình. Từ đó, kết hợp uyển chuyển lâu dài với “gia qui” của gia đình, việc dạy dỗ, chăm sóc con cái sẽ dễ dàng hơn. Trong gia đình hiện đại, yêu con là hiểu và lắng nghe con cái để các em được tự do phát triển là điều hợp lí nhất.
Trương Thiên Hương
Bình luận (0)