Trong tháng 7 vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 tiếp tục cấp cứu nhiều ca bệnh nhi nhập viện do hóc dị vật khi ăn thạch rau câu, nuốt phải móc sắt khi chơi một mình, uống nhầm nước tro tàu để trong chai nước suối… Trong đó có trường hợp tử vong vì quá nặng.
Thạch rau câu là món trẻ em yêu thích, nhưng dễ gây nghẹt đường thở nếu ăn không đúng cách (ảnh chỉ mang tính minh họa, không phải nhân vật trong bài) |
Tử vong vì nghẹn thạch rau câu
Đó là trường hợp của bệnh nhi 11 tháng tuổi, được Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận trong tình trạng hôn mê do hóc thạch rau câu. Theo lời kể của người thân, trong lúc bé đang ăn thạch rau câu thì bị sặc tím tái toàn thân. Lập tức được gia đình đưa vào cấp cứu ở bệnh viện địa phương, nhưng sau 20 phút di chuyển đến bệnh viện, bé đã bị hôn mê, ngưng tim và ngưng thở. Mặc dù được các bác sĩ hồi sức tim nhưng bé không có tín hiệu phục hồi. Theo nguyện vọng của gia đình, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng đồng tử 2 bên đã giãn, không còn phản xạ thần kinh. Tại đây, bé được bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng không qua khỏi vì tình trạng quá nặng. Tình trạng hóc rau câu ở trẻ nhỏ tưởng là rất bình thường, nhưng cũng đã từng là nguyên nhân gây tử vong cho một số trường hợp. Trong đó có một bệnh nhi 5 tuổi (ngụ quận 10) vào tháng 3 năm ngoái. Vụ việc xảy ra khi bé nút mạnh khiến miếng thạch rau câu chạy tọt vào cổ, làm cho em tím tái, nhưng tim ngưng thở, thiếu ôxy lên não. Mặc dù các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã nỗ lực hồi sức cấp cứu nhưng bệnh nhi đã không qua khỏi.
Cảnh báo về dị vật đường thở, bác sĩ Đinh Tấn Phương (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1) lưu ý, thạch rau câu rất trơn, dẻo và dai, nên dễ “chui tọt vào họng” khi trẻ nút mạnh hay chạy nhảy. Nguy hiểm hơn khi trẻ bị hóc, dị vật rơi vào thanh quản sẽ biến đổi hình dạng làm khít đường thở gây ngạt nhanh khiến trẻ dễ tử vong. Thời gian vàng để cứu trẻ chỉ vỏn vẹn khoảng 4 phút, nên nếu trong khoảng thời gian này trẻ không được sơ cứu kịp để mở đường thở, cung cấp ôxy, máu lên não thì sẽ dễ rơi vào nguy kịch, khó cứu được, hoặc nếu cứu được thì trẻ cũng sẽ bị tổn thương não nặng nề về sau. Theo khuyến cáo của bác sĩ Lê Quang Mỹ (Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2), tình trạng bị hóc rau câu ở trẻ nhỏ là tai nạn rất thường gặp, nhưng có thể để lại hậu quả thương tâm cho bệnh nhi. Do đó, trong trường hợp xảy ra tai nạn, phụ huynh cần lập tức tiến hành sơ cứu và sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhi tới cơ sở y tế gần nhất. Trong khi sơ cứu, phụ huynh cần cho trẻ nằm đầu thấp hơn ngực, dùng lực tác động theo hướng từ vùng ngực tới miệng nhằm đẩy dị vật ra ngoài, tuyệt đối không móc họng vì có thể đẩy dị vật vào sâu hơn bên trong. Trong trường hợp trẻ tím tái, phụ huynh cần ấn tim thổi ngạt trong khi chờ xe cấp cứu đến, hoặc khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.
Mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu khoảng 15-20 trường hợp trẻ em bị bỏng thực quản do uống nhầm axít hoặc kiềm, để lại di chứng kéo dài, chi phí điều trị tốn kém. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần cẩn thận khi lưu trữ các loại dung dịch này, nên để các loại hóa chất ngoài tầm tay của trẻ em. Trong trường hợp lỡ uống nhầm thì người nhà nên đưa ngay đến bệnh viện để điều trị cấp cứu kịp thời, nhằm hạn chế di chứng cho trẻ về sau. |
Nhằm đề phòng tình trạng nghẹt đường thở ở trẻ nhỏ khi cho bé ăn thạch rau câu, bác sĩ nhi khoa khuyên phụ huynh nên cắt thức ăn thành miếng nhỏ bằng hạt đậu hà lan cho đến khi trẻ nhai thật tốt. Đối với những thức ăn dạng tròn (như trái nho, xúc xích…), nên cắt theo chiều dọc. Riêng đối với các loại trái cây có hạt lớn như nhãn, cherry, chôm chôm… nên tách thịt ra, bỏ hạt, rồi mới cho trẻ ăn. Đối với những thức ăn cứng (như cà rốt, lê, táo…), phụ huynh nên cho trẻ ăn dạng dằm nhỏ, hoặc nấu cho mềm. Tuyệt đối cần tránh cho trẻ ăn các loại đậu nguyên hạt, như đậu phộng, hạnh nhân, hạt điều… cho đến khi trẻ được 3 tuổi.
Teo thực quản do uống nhầm nước tro tàu
Trường hợp này là bé gái Dương Thị Như N. (3 tuổi), gặp tai nạn do uống nước tro tàu đựng trong chai nước suối. Nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng nôn ói, chảy máu vùng họng. Kết quả soi thực quản cho thấy bé bị bỏng thực quản độ II, khiến thực quản bị teo. Theo lý giải của bác sĩ nhi khoa, thực quản là ống cơ có nhiệm vụ chuyển thức ăn từ yết hầu xuống dạ dày, nên khi thực quản bị teo nhỏ lại, bệnh nhân sẽ khó nuốt thức ăn, thậm chí ngay cả việc uống nước cũng trở nên khó khăn. Đó cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhi N. không thể ăn uống qua đường miệng, nên bác sĩ đã đặt ống sonde dạ dày nhằm giúp em uống sữa và chất lỏng qua đường ống này. Theo chỉ định của bác sĩ, bé N. sẽ phải ăn uống qua đường sonde trong thời gian dài, có khi lên đến một năm, và phải tái khám soi nong thực quản định kì.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Lý Phạm Hoàng Vinh (Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi đồng 1), nước tro tàu có thành phần là natri hydroxit (NaOH) hay kali hydroxit (KOH), thường dùng trong chế biến bánh trung thu, bánh ú, trứng bách thảo… Đây là chất kiềm, gây hoại tử các lớp niêm mạc và cơ của thực quản, có thể gây biến chứng hẹp thực quản, nặng hơn là thủng thực quản, sốc…
Vũ Phương
Bình luận (0)