Đúng như dự đoán của các BS chuyên khoa, trong dịp Tết do chế độ ăn uống thay đổi nên các bệnh về đường tiêu hóa tăng cao. Tại BV Nhi đồng 1, 2 TP.HCM nhiều phụ huynh phải đưa trẻ nhập viện để điều trị rối loạn tiêu hóa sau hơn 1 tuần ăn Tết Đinh Dậu.
Bé Âu Cẩm Tú khám bệnh loét dạ dày tại BV Nhi đồng 1 |
BS Hoàng Lê Phúc – Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 1 cho biết đây là thời điểm nhiều trẻ em bị rối loạn tiêu hóa do ăn uống khá thoải mái và sinh hoạt thiếu điều độ trong dịp Tết.
Nạp đồ ăn vô tội vạ
Tại Phòng cấp cứu thuộc Khoa Tiêu hóa (BV Nhi đồng 1), tất cả các giường bệnh đều có bệnh nhi nằm điều trị dài ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thế nhưng đến mùng 8 Tết vẫn có nhiều phụ huynh từ nhiều nơi đưa con vào nhập viện. Sau khi khám cho bé Âu Cẩm Tú SN 2008, BS trực cho biết bệnh nhân bị loét dạ dày do ăn uống thất thường trong dịp Tết. Chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên, quê ở TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang cho biết: “Cách đây 3 ngày con tôi có triệu chứng đau bụng, thường hay bị ói nhất là sau khi ăn. Cháu mệt mỏi và biếng ăn nên sức khỏe yếu dần nhờ gia đình mau chóng đưa vào đây nên bây giờ đã bình phục”. Trong phòng cấp cứu gần đó, một bệnh nhân 14 tuổi to khỏe nằm bệt trên giường bệnh vì quá mệt mỏi. Chị M. mẹ của bệnh nhân Lê Xuân H. cho biết, qua mùng 4 Tết cháu H. có triệu chứng táo bón. Sau 2 ngày uống thuốc tại nhà không hết bệnh nhân lại có hiện tượng đi cầu ra máu. Thấy bệnh nặng vợ chồng chị M. đã chuyển cậu con trai học lớp 8 vào BV Nhi đồng 1 để chữa trị. Tại đây, các BS chẩn đoán cháu H. bị kiết lỵ cần phải điều trị dài ngày. Theo BS Phúc, táo bón là bệnh lý hay gặp ở trẻ sau những ngày Tết nhưng hầu hết cha mẹ và người thân thường chủ quan. Không chỉ đi phân cứng, nhiều trẻ bị táo bón nặng do nhiều ngày không đi ngoài được dù có nhu cầu. Hiện tượng này làm cho trẻ bụng đầy, trướng lên rất khó chịu. Theo lời kể của phụ huynh hầu hết các bé thích ăn các loại đồ khô, thức ăn nhanh, đồ chiên giòn như gà rán, khoai tây chiên. Thức uống chủ yếu là các loại nước ngọt, nước có ga nên càng tăng thêm “độ” táo bón làm cho việc tẩu tán chất cặn bã rất khó khăn. Nếu ngày thường trẻ được ăn canh rau, trái cây hoa quả thì những ngày Tết nhiều món ngon hấp dẫn hơn đã làm cho trẻ ăn lệch, thiếu khoa học. Đây là lý do làm cho “đầu ra” bị tắc nghẽn bởi thiếu nhiều chất xơ.
Cha mẹ là chuyên gia dinh dưỡng trẻ
Dù có nhu cầu đi ngoài nhưng chỉ cần rặn quá sức là các bé bị đau rát nên đành ngồi khóc và nhịn cầu luôn làm cho táo bón lại càng táo hơn. Có một hệ lụy dễ thấy là trẻ càng ngại đi cầu thì phân ở trong ổ ruột càng ngày càng khô, càng khô thì đi vệ sinh lại càng táo bón thêm. Cũng do rặn quá nhiều làm cho áp lực tăng gây rách hậu môn và có hiện tượng đi cầu có máu lẫn vào phân hoặc ra máu nhiều sau khi đi ngoài. Những triệu chứng của táo bón làm cho trẻ càng rặn càng đau rát do trực tràng và hậu môn bị tổn thương. Khi bị táo bón sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng như biếng ăn, mệt mỏi, hay quấy khóc do chất độc ứ lại bên trong cơ thể. Về tinh thần trẻ dễ bị tự ti, dễ cáu, cô lập mình khó hòa nhập với bạn bè. Bằng phương pháp thụt tháo để làm cho phân lỏng thì việc đi cầu mới được khai thông dễ dàng.
Một ca táo bón đang điều trị tại Khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 1 |
Theo lời khuyên của BS Phúc, phụ huynh cần có một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học và cân bằng với 4 nhóm chất gồm: chất đạm, chất xơ, tinh bột, chất béo. Đây là những chất cần thiết để trẻ không bị suy dinh dưỡng và bệnh tật nhất là rối loạn tiêu hóa. |
Nhiều phụ huynh vẫn coi thường căn bệnh táo bón dù đây là căn bệnh ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tinh thần của trẻ. Theo lời kể của BS Phúc có bệnh nhi đau bụng dữ dội làm cho người nhà tưởng đau ruột thừa nhưng khi vào BV mới được BS chẩn đoán là táo bón lâu ngày do phân cứng khiến trẻ đau bụng liên tục gây khó chịu. Đề phòng trẻ táo bón, BS Phúc khuyên phụ huynh cho trẻ uống đủ nước nhưng không quá nhiều dễ bị đầy bụng và thiếu hụt chất dinh dưỡng do biếng ăn. Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng thì khó đủ sức để rặn. Theo lời khuyên của BS, phụ huynh cần có một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học và cân bằng với 4 nhóm chất gồm: chất đạm, chất xơ, tinh bột, chất béo. Đây là những chất cần thiết để trẻ không bị suy dinh dưỡng và bệnh tật nhất là rối loạn tiêu hóa. Tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm có sẵn trong ba ngày Tết gây chứng sình bụng khó tiêu gây táo bón và tiêu chảy như các trường hợp cấp cứu trong và sau Tết. Nên tập cho trẻ đi ngoài hàng ngày theo thói quen và theo dõi thường xuyên nếu vài ba ngày trẻ không có nhu cầu đi vệ sinh thì cần phải có biện pháp giải quyết. Cũng không nên tự thụt tháo hay điều trị tại nhà theo kinh nghiệm của người khác thiếu cơ sở khoa học dễ gây tổn thương trực tràng và dễ rách hậu môn do làm sai cách. Trẻ bị tiêu chảy thì hạn chế cho ăn các thực phẩm ôi thiu mốc dễ bị ngộ độc và tự điều trị tại nhà như cho ăn cháo thịt, cháo gà và uống nước ozon tránh mất nước. Không nên kiêng cữ trong ăn uống dễ làm trẻ đuối sức bệnh càng khó hồi phục. Mỗi cha mẹ phải là một chuyên gia dinh dưỡng trong gia đình để chăm sóc trẻ đúng cách. Nếu bé sốt cao, đi tiêu có máu, khóc không có nước mắt là trẻ đã bị rối loạn tiêu hóa nặng cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất mà không nên chần chừ và chủ quan vì dễ ảnh hưởng đến tính mạng.
Bài, ảnh: Quang Phan
Bình luận (0)