Lo sợ bị kỳ thị, nhiều trẻ nhiễm HIV không được gia đình cho đi điều trị, còn phải lao động kiếm sống trong khi sức khỏe ngày càng suy kiệt.
“Các bé thiệt thòi đủ đường, không chỉ đối mặt với nguy cơ bị bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục mà nhiều trẻ còn không được điều trị do cha mẹ sợ miệng đời dị nghị”, chị Lê Thị Thái Uyên, nhân viên công tác xã hội, ngậm ngùi khi nhắc đến những trường hợp trẻ nhiễm HIV mà mình đã tiếp xúc, hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần.
Mười hai tuổi, cơ thể bé B. như da bọc xương. Không được điều trị ARV (thuốc kháng vi-rút HIV) từ nhỏ nên những bệnh cơ hội ngày càng bùng phát, B. bị tiêu chảy, viêm phổi, ăn uống khó khăn. Khi được dì đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị, B. đã rất yếu. Quê B. ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cả cha mẹ đều nhiễm HIV, nhưng không ai chịu điều trị ARV.
Mới sáu tuổi, em đã phải lang bạt ngoài đường cùng xấp vé số. Hôm nào bán ế, B. lại bị cha mẹ đánh. Thậm chí, không vì lý do gì hay những hôm lên cơn đau, khó chịu vì ghẻ lở trên người, cha mẹ cũng đánh em. Thương cảnh B., người ta cho em đứng ở chỗ cây xăng để bán vé số. Khi cha mẹ mất, B. được dì đưa lên TP.HCM chăm sóc. Nhưng các con của dì e ngại căn bệnh này nên B. không được ăn cùng mâm, ngủ cùng giường với mọi người…
Chống chọi với HIV, B. còn phải sống trong sự kỳ thị của mọi người |
Người cha không điều trị cho chính bản thân và con gái vì sợ lộ thông tin cả xóm biết nên Q. (12 tuổi, quê ở Bến Tre) dù liên tục sốt cao, bị lao và lở loét vẫn phải “vái tứ phương”, uống đủ loại thuốc, trừ ARV. Mẹ Q. khóc hết nước mắt van nài, em mới được đưa đi bệnh viện. Không ít người ái ngại, ngày mai của Q. chưa biết thế nào, liệu em có được duy trì điều trị để ổn định sức khỏe hay lại về nhà uống thuốc ho, thuốc cảm sốt như trước?
Quê ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, chị Y. lên TP.HCM làm giúp việc nhà. Lần lượt ba đứa con chào đời, niềm vui chưa trọn thì bầu trời trước mắt chị sụp đổ khi nhận kết quả xét nghiệm con trai út 19 tháng tuổi dương tính với HIV. Tiếp đó là những ngày tăm tối, chị và đứa con thứ hai mới bốn tuổi cũng nhiễm HIV. Biết chuyện, chồng chị Y. không chịu đi xét nghiệm và cấm tiệt mấy mẹ con vào bệnh viện. Vợ chồng cãi vã, xô xát nhau. Tuyệt vọng, chị dắt con về Long An, tính uống thuốc để mẹ con cùng chết. Nhưng thấy mấy đứa trẻ bi bô nói cười, lại không nỡ. Chị Y. trở lên TP.HCM, trọ ở Q.6 và được chị Thái Uyên cùng những người bạn hỗ trợ một khoản chi phí đi bán vé số. Hai bé uống thuốc ARV đều đặn, còn chị Y. dường như đã buông xuôi.
Cha mẹ mất vì HIV, bé X. (12 tuổi) sống cùng bà nội chưa lâu thì bà cũng qua đời. Anh trai của nội nhận X. về nuôi, hai ông cháu nương tựa nhau trong căn nhà nhỏ lụp xụp ở Q.4. Sống bằng tiền trợ cấp người già và trẻ mồ côi, ngày ngày, ông cháu X. đến những quán cơm 2.000 đồng ăn, còn bữa tối thì có gì ăn đó. X. học ở lớp tình thương, 12 tuổi mới bắt đầu tập đọc, tập viết. Ông đã ngoài 80 tuổi, lúc nhớ lúc quên nên chuyện uống thuốc ARV đều đặn của X. cũng… hên xui. Mai này nếu ông ra đi, không biết đời X. sẽ về đâu?
Trong thời gian thu thập thông tin cho bài viết này, chúng tôi đã gặp nhiều cảnh đời ở thế giới “H” đầy cay đắng. Ở đó, cũng có không ít trẻ thiếu kiến thức bảo vệ mình, bảo vệ người, thậm chí “nhắm mắt đưa chân” hành nghề nhạy cảm kiếm sống.
Ngoài tư vấn tâm lý, hỗ trợ làm thủ tục điều trị, chị Thái Uyên còn tham gia nhiều hoạt động cộng đồng hướng đến trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. |
Ở tuổi 16, cha mẹ ly thân, không nơi nương tựa, không được yêu thương, N. bước ra đời, đã lây truyền HIV cho ba người bạn nam của mình. Thế nhưng, nói về HIV dường như em vẫn rất vô tư. N. không tuân thủ điều trị, thỉnh thoảng uống thuốc được nửa tháng thì bỏ đến 2-3 tháng. “Tôi tiếp cận, khuyên N. tuân thủ điều trị, phòng tránh lây nhiễm cho người khác và kiếm nghề ổn định, nhưng liên lạc với N. rất khó”, chị Uyên thở dài.
Thay vì được học hành, vui chơi như chúng bạn, 13 tuổi, S. bước chân ra đường hành nghề nhạy cảm. Cha chạy xe ôm, mẹ nhiễm HIV và ung thư da, em trở thành trụ cột bất đắc dĩ. 15 tuổi, S. mang thai, ăn uống kham khổ, cộng với công việc S. đang làm khiến thai nhi chết lưu ở tháng thứ bảy. Để có tiền đưa con đi cấp cứu, cha mẹ em phải vay nặng lãi. Ra viện chưa tròn tháng, S. tính đường đi làm lại để trả nợ. Không biết trong chừng đó thời gian, em đã lây nhiễm HIV cho bao nhiêu người “ham của lạ”. Và, cơ thể non nớt của em sẽ chịu đựng cảnh sống tăm tối này được bao lâu.
Mẫn Nhi/phunuonline
Bình luận (0)