Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trẻ nhiễm HIV đến trường: Liệu có quá khó?

Tạp Chí Giáo Dục

Những đứa trẻ nhiễm HIV luôn mong được tới trường như những đứa trẻ khác“Hãy để trẻ nhiễm HIV được đến trường!”. Đó là thông điệp mà Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS, Sở GD-ĐT, Hội Luật gia và Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM muốn chuyển tới mọi người tại hội thảo “Đưa trẻ nhiễm HIV đến trường” vào sáng 24-7.

Vẫn còn bị kì thị, phân biệt

Sơ Huệ Linh, Trung tâm Mai Hòa (Củ Chi) cho biết, trung tâm đang nuôi dưỡng 14 trẻ bị nhiễm HIV. Năm 2005, Trung tâm xin UBND huyện Củ Chi tạo điều kiện để những đứa trẻ này được học tập tại các trường tiểu học trên địa bàn. Thế nhưng UBND huyện chỉ chấp thuận cho mở lớp dạy văn hóa tại trung tâm, dưới sự hỗ trợ giảng dạy của các trường tiểu học lân cận. Ngoài ra, Phòng Giáo dục Củ Chi cũng tạo điều kiện để những đứa trẻ nhiễm HIV ở đây mỗi tuần được tới các trường tiểu học để tham dự chào cờ đầu tuần. Thời gian đầu do học sinh trong trường chưa biết nên những đứa trẻ nhiễm HIV được chào đón nồng nhiệt. Cho đến khi bị phát hiện thì ngay lập tức các em bị một số học sinh trong trường xa lánh và chửi: “Đồ con nhà xì ke, ma túy”.

Mặc dù bị phân biệt đối xử như vậy nhưng những đứa trẻ nhiễm HIV vẫn rất thích được học hòa nhập. Bé Thy, 8 tuổi – Trung tâm Mai Hòa ước ao: “Con muốn mỗi ngày được mặc đồng phục và cắp sách tới trường như các bạn. Đi học thật là vui, trường thì thật là lớn, có nhiều bạn, nhiều cô giáo”.

Bà Mai Tiên, Phó giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình cũng cho biết: “Nhu cầu được học hòa nhập của trẻ nhiễm HIV là rất lớn. Trung tâm đã phối hợp với Phòng Giáo dục Q.Thủ Đức, Trường Tiểu học Xuân Hiệp mở các lớp từ 1 đến 5 tại trung tâm. Hiện có 23 em đang theo học chương trình tiểu học tại đây và các em học rất khá. Thỉnh thoảng trung tâm cũng liên hệ với các trường tiểu học trong quận tổ chức những buổi giao lưu với học sinh, các em tỏ ra rất thích. Thế nhưng việc được học hòa nhập lại không dễ chút nào…”.

Không phải là ngành giáo dục không cho các em đi học mà do tâm lý sợ hãi con mình sẽ bị lây HIV của phụ huynh. Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT cho biết: “Từ nhiều năm nay Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường nhận trẻ nhiễm HIV. Nhiều trường đã nhận, giáo viên chăm sóc và lo lắng từ miếng ăn, giấc ngủ của các em. Song, khi phát hiện trong lớp có một học sinh bị nhiễm HIV thì nhiều phụ huynh đã làm đơn xin chuyển lớp cho con, thậm chí có phụ huynh còn xin chuyển trường…”.

Ông Nguyễn Trọng Cường – Trưởng phòng Giáo dục Q.Thủ Đức kể lại: Năm học 2007-2008, trong quận có 2 học sinh bị AIDS, trong đó có một em là giai đoạn cuối. Những tháng cuối đời, mặc dù máu mủ chảy khắp người, đứng cách 5 mét cũng ngửi thấy mùi tanh nhưng phụ huynh vẫn cứ đưa con tới trường. Em này học bán trú nên ăn chung, ngủ chung với những học sinh khác. Các phụ huynh có con học lớp này rất lo lắng, nhà trường thì không dám cho em nghỉ học…

Ngành giáo dục – “một cổ hai tròng”

Chia sẻ với ngành giáo dục, ông Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế, Phó chủ tịch Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM cho rằng: “Chúng ta hãy thông cảm và hết sức trân trọng những việc làm của ngành giáo dục trong thời gian qua. Ngành giáo dục đang phải đứng giữa hai áp lực. Áp lực thứ nhất là áp lực từ những ước vọng chính đáng của trẻ nhiễm HIV là mong được đến trường, của những người làm công tác phòng chống HIV/AIDS và của luật pháp. Áp lực thứ hai là áp lực từ phía phụ huynh học sinh. Phụ huynh tác động lên giáo viên, rồi giáo viên lại tác động lên hiệu trưởng…”.

Quả đúng như vậy, trong khi “Tại khoản 3 điều 41 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: Tạo mọi điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (trong đó có trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS) được học tập hòa nhập; điều 9 Luật giáo dục quy định: mọi công dân có quyền bình đẳng về cơ hội học tập, không có sự phân biệt đối xử về bất cứ yếu tố nào; khoản 1 điều 4 Luật phòng chống HIV/AIDS quy định: người nhiễm HIV có quyền được học văn hóa”, luật sư Phạm Thị Hồng Hương, Chánh văn phòng Hội Luật gia TP.HCM dẫn chứng, thì trên thực tế có đến 80 -90% phụ huynh không muốn con em mình học ở những lớp có học sinh nhiễm HIV.

“Vấn đề bây giờ là phải thay đổi suy nghĩ, hành vi của phụ huynh. Các bậc phụ huynh cần phải hiểu rằng không có nguy cơ lây nhiễm khi cho con học chung lớp với trẻ nhiễm HIV”, ông Giang nhấn mạnh.

Và sự thật theo bác sĩ Võ Minh Quang, Bệnh viện Nhiệt Đới thì “HIV không phải là một mầm bệnh dễ lây. Tỷ lệ lây sau một tiếp xúc có nguy cơ cao là khoảng 1/1.000 đến 1/100. Những loại dịch cơ thể có khả năng nhiễm HIV bao gồm dịch của cơ thể có vấy máu, dịch não tủy, dịch khớp, dịch màng phổi, dịch ối… Nhưng chỉ có nguy cơ trong trường hợp máu và chất dịch cơ thể người bệnh bắn vào vùng da bị tổn thương của người lành. Còn nước mắt, nước bọt, nước tiểu thì không phải là nguyên nhân lây truyền HIV”.

Trên thực tế, hơn ai hết, chính giáo viên là người thay đổi tâm lý của phụ huynh. Theo đó, trong thời gian sớm nhất Sở GD-ĐT và Sở Y tế sẽ tổ chức tập huấn về HIV/AIDS, những điều luật liên quan cho các giáo viên, ban giám hiệu các trường. Từ đó, nhà trường sẽ tư vấn lại cho các bậc phụ huynh…

Bài & ảnh: Hòa Triều

 

Bình luận (0)