Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trẻ nhiễm HIV/AIDS: Được học bình thường trong trường phổ thông

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 17-8, cũng như tất cả các trường trên địa bàn huyện Củ Chi, Trường Tiểu học An Nhơn Đông (xã An Nhơn Tây, Củ Chi) bắt đầu ngày đầu tiên của năm học mới. Trái ngược với không khí vui tươi của ngày tựu trường, nhiều học sinh bị phụ huynh lôi ra khỏi trường vì… “trong trường có mấy đứa siđa học”.
Phụ huynh gây sức ép với nhà trường
Được sự đồng ý của UBND và phòng GD-ĐT huyện Củ Chi, sáng 17-8, 14 trẻ từ 6 đến 10 tuổi của Trung tâm nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV Mai Hòa (Củ Chi, TP.HCM) được các sơ dẫn đến Trường Tiểu học An Nhơn Đông để tựu trường. Trên đường tới trường các em vui vẻ, háo hức bao nhiêu thì khi tới trường các em ngỡ ngàng, buồn bã bấy nhiêu.
Nhiều phụ huynh nhìn các em với ánh mắt kỳ thị. Có phụ huynh dù đã đưa con tới cổng trường nhưng không cho vào, một số khác đã đưa con vào trường rồi thì vội vã đưa ra vì… “Thà cho con nghỉ học chứ không để ngồi cùng lớp với mấy đứa siđa”, một phụ huynh gay gắt nói. Trước phản ứng dữ dội của những phụ huynh này, cô trò của Trung tâm Mai Hòa đã lầm lũi dắt díu nhau trở về.
Cứ tưởng cô trò của Trung tâm Mai Hòa về rồi thì các bậc phụ huynh này cũng ra về, nào ngờ… họ đã ra “tối hậu thư” cho Ban giám hiệu Trường Tiểu học An Nhơn Đông. “Một là nhà trường dạy gần 300 học sinh của xã, hai là dạy 14 trẻ bị nhiễm HIV/AISD”. Trong khi Ban giám hiệu nhà trường đang bối rối thì trên 200 phụ huynh có con theo học ở đây đòi rút lại hồ sơ.
Chiều 18-8, ông Lê Hùng Sen – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Củ Chi cho biết: “Nhận được thông tin từ Trường Tiểu học An Nhơn Đông, UBND và Phòng GD-ĐT huyện đã xuống trường làm việc. Mặc dù quan điểm của UBND và Phòng GD-ĐT là cho trẻ ở Trung tâm Mai Hòa được học hòa nhập tại Trường Tiểu học An Nhơn Đông nhưng trước phản ứng quá gay gắt của phụ huynh, chúng tôi đành phải ưu tiên con em địa phương. Do vậy, 14 trẻ của Trung tâm Mai Hòa chỉ sinh hoạt tập thể tại Trường Tiểu học An Nhơn Đông, còn việc học văn hóa sẽ học ngay tại trung tâm, giáo viên do Phòng GD-ĐT huyện cử xuống giảng dạy”…
Bà Cao Thị Gái – Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi cũng cho biết, trước năm học mới huyện đã gửi hai văn bản cho Trường Tiểu học An Nhơn Đông với yêu cầu nhận 14 trẻ từ Trung tâm Mai Hòa. Ngoài ra, huyện đã nhiều lần tuyên truyền vận động người dân không nên kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ nhiễm HIV/AIDS. Song, người dân vẫn không hiểu và đã có những phản ứng thái quá…
Nguy cơ lây nhiễm HIV ở trường học là rất hiếm
Theo Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và Luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em Việt Nam thì mọi trẻ em đều có quyền được đi học. Tuy nhiên, do hạn chế về hiểu biết đối với HIV/AIDS nên không ít phụ huynh đã tỏ thái độ gay gắt, làm sức ép với nhà trường khi biết trong trường có trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV theo học.
“Sự băn khoăn của phụ huynh là đúng đắn, nó xuất phát từ tình thương con nhưng trên hết là sự thiếu hiểu biết về HIV/AIDS. Tôi có thể khẳng định nguy cơ lây nhiễm HIV ở trường học là rất hiếm, cho đến thời điểm này vẫn chưa có một tai nạn nào xảy ra. HIV có 3 đường lây, trong đó đường lây từ mẹ sang con và quan hệ tình dục ở trong trường học là không thể, chỉ còn lây qua đường máu. Nhưng những trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trước khi tới trường đã được tư vấn rất kỹ về cách chăm sóc bản thân, không lây bệnh cho các bạn…”, TS. BS. Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế, Phó chủ tịch Ủy ban phòng chống AIDS TP.HCM nhấn mạnh.
Về phía ngành GD-ĐT, bà Phạm Thị Tiết Hạnh – Phó phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT TP.HCM) cũng cho biết: “Từ lâu, ngành giáo dục đã tổ chức tuyên truyền cách phòng chống HIV/AIDS cho học sinh phổ thông. Giáo viên thì được tập huấn, hướng dẫn cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cũng như ngăn ngừa sự lây nhiễm. Quan điểm của Sở GD-ĐT TP là tất cả các trường đều nhận trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”.
Bài & ảnh: Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)