Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Trẻ nhỏ đánh nhau, phải trách người lớn!

Tạp Chí Giáo Dục

1. Chuyện học sinh đánh nhau trên lớp hay bên ngoài trường thực ra chưa bao giờ là vấn đề mới. Hồi đi học, tôi là đứa nhỏ con, nhút nhát nhưng cũng có lắm lần đánh nhau với bạn. Có khi vì tranh cãi chuyện gì đó mà bạn bè đang chơi với nhau cũng xông vào tát nhau bôm bốp, có khi bị ấm ức tôi cũng là người chủ động đón đường đánh bạn, nhưng nhiều nhất là khi tôi trở thành nạn nhân của thói bắt nạt của những bạn lớn tuổi, bự con hơn. Đánh nhau nên nhiều lúc bị giáo viên bắt nằm dài trên bàn để đánh đòn, phải vòng tay xin lỗi nhau trước lớp… Nhưng rồi sau đó cũng mau quên, không có chuyện để bụng trả thù nhau, cũng không có chuyện kêu người khác trả thù. Sau nhiều vụ đánh nhau, mà tôi là nạn nhân, mẹ tôi phải dắt tôi đi “mắng vốn” với cha mẹ đứa đã ăn hiếp tôi. Suốt nhiều năm học cấp 1 và cấp 2, tôi thường học giỏi nhất lớp, nhiều lần làm lớp trưởng. Nói vậy để thấy đánh nhau ở tuổi học sinh vốn khá bình thường, gần như là “một phần tất yếu” của đám nhỏ đứng thứ ba sau ma quỷ!


Khi hc sinh đưc tham gia nhiu hot đng tri nghim ngoi khóa s giúp hn chế xy ra bo lc trong hc đưng (nh minh ha). Ảnh: Y.Hoa

Nhưng ngày xưa, người dân, trong đó có trẻ con, khá thuần hậu, “choảng nhau” rồi cũng mau quên; khi có việc cũng nhào vô giúp đỡ. Có lẽ khi đó không có Blog, Facebook nên không ai ghi lại câu chuyện để mà thù dai, kích động bạn bè hình thành băng nhóm để trả đũa; có lẽ không có ai chụp hình, quay phim nên vụ việc chỉ số ít người biết và cũng không gây nên “cơn bão dư luận”. Cha mẹ có con bị bạn đánh tuy tức giận “mắng vốn” cha mẹ đứa đã ăn hiếp con mình nhưng cũng không để bụng lâu và phần nhiều trường hợp tôi thấy đứa đó cũng bị cha mẹ “xử” một cách nên thân, chứ không có chuyện bênh con sái quấy. Giáo viên ở trường có học sinh đánh nhau vì những lẽ trên nên hầu hết không phải chịu nhiều hệ lụy, trừ một vài trường hợp rất đặc biệt, do đó cũng không thành những vấn đề lớn để “cả xã hội cùng mổ xẻ”…

2. Bây giờ, không ai thống kê xem tần suất và tính chất của các vụ đánh nhau khác xưa (ba mươi năm trước chẳng hạn) để mà lên án nặng lời giới trẻ ngày nay. Với tuổi thiếu niên, suy nghĩ bột phát, hành động thiếu kiềm chế là điều bình thường, nên việc đánh nhau một cách bột phát cũng là điều dễ hiểu. Nhưng việc các em hồn nhiên đứng xem, cổ vũ, quay phim, chụp ảnh, nhất là dửng dưng với bạn bị đánh hội đồng, bạn yếu thế… là điều không bình thường, là đáng trách. Chính điều này có lỗi từ phía người lớn và người lớn cần thiết xem lại cách ứng xử, cách giáo dục trẻ rồi mới phê phán trẻ. Chẳng hạn, trong gia đình, người lớn (cha mẹ, cô chú, cậu dì…) đã thể hiện thái độ như thế nào đối với bạo lực, đã từng có hành vi bạo lực chưa, đã tích cực ngăn chặn bạo lực chưa, có thích xem phim bạo lực và cổ vũ cho hành động bạo lực không… Tôi tin rằng một người cha từng bạo hành với vợ con, không kiềm chế hành động bạo lực khi nổi nóng với người khác chắc chắn là một tấm gương xấu mà con cái dễ dàng bắt chước và con cái người này cũng có hành động bạo lực với bạn bè, với em út, thậm chí với súc vật, cũng là điều dễ hiểu. Hoặc người mẹ hay dùng lời lẽ “chợ búa” khi nói với con, vừa mắng mỏ, vừa mạt sát, vừa thiếu tôn trọng con thì cũng ít nhiều đọng lại trong đầu con trẻ một ý niệm về bạo lực và sẵn sàng bộc lộ khi có điều kiện. Không chỉ vậy, biện pháp giáo dục trẻ ứng xử với bạo lực cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thái độ và cách phản ứng của trẻ với điều này. Một người cha dạy con: “Nó đánh mày thì mày bụp lại nó cho tao!” thì rõ ràng không phải chỉ dạy con phản ứng cụ thể với trường hợp đó mà còn định ra một “phương châm sống” là sẵn sàng trả đũa (kể cả dùng bạo lực) khi cảm thấy bị đe dọa. Một người cha hung hăng vào trường đòi ăn thua đủ với giáo viên đã có thái độ thiếu chiều chuộng con mình thì hẳn đứa trẻ thấy rằng hành vi bạo lực của cha chính là một cách bảo vệ mình. Một người mẹ “chống lưng” cho con bằng cách gào thét, làm ầm ĩ với cha mẹ đứa đã đánh con mình thì cũng đã dạy cho trẻ cách “sửng cồ” khi lâm vào tình cảnh có bạo lực, thay vì có thể dùng cách thức khác. Một người mẹ lên mạng xã hội livestream hoặc đăng Facebook để “tố” ai đó có hành vi bạo lực với con thì không những không bảo vệ được con mà còn tạo cho con một ấn tượng không thể nhân nhượng với người khác… Do vậy, dạy con có thái độ mềm mỏng, ôn hòa khi xảy ra xung đột, cố gắng hết sức tránh để xảy ra tình trạng bạo lực là điều mà các bậc cha mẹ cần lưu ý. Chẳng hạn, có thể dẫn dắt cho con hiểu rằng: Nếu con đánh nhau với bạn, rủi mà bị bạn đánh u đầu, chảy máu thì cha mẹ rất đau lòng, dù có bắt đền bạn, dù bạn có xin lỗi thì nỗi đau đó của con, của cha mẹ cũng không hết được; nếu con đánh bạn bị thương mà cha mẹ bạn không chịu tha thứ thì cha mẹ cũng không biết làm sao để đền cho họ, trong khi bạn con bị đau cũng khó tha thứ cho con được… Như vậy, khi có bạo lực xảy ra, dù con là người thắng hay thua thì con phải gánh chịu những hậu quả không nhỏ về tâm lý, về tình cảm, về thể chất, về kỷ luật… Do đó, phải hết sức tránh bạo lực, phải luôn biết kiềm chế.

3. Tôi thường dạy con: Không được “liên kết” với bạn này để chống lại bạn kia dưới bất cứ hình thức nào; không tham gia đánh bạn hoặc cổ vũ bạn khác đánh bạn, không nặng lời với bạn; khi có tranh cãi mà thấy căng thẳng thì không nên tiếp tục tranh cãi; nếu có biểu hiện bạn nào đe dọa thì lập tức báo với cô giáo hoặc với cha mẹ, không được giấu giếm và tự xử lý… Tuy nhiên, đây cũng chưa phải là cách tốt nhất bởi khi đến một lứa tuổi nhất định, con cái ít muốn tâm sự với cha mẹ, do đó người lớn có thể không hiểu được suy nghĩ và hoàn cảnh thực tế của trẻ trên lớp. Không chỉ vậy, sự đời có tính “vay trả” không hề nhỏ. Nhiều người đã đúc kết: Chưa đánh được người thì “mặt đỏ như vang”, đánh được người thì “mặt vàng như nghệ”. Đánh được ai đó chủ yếu thỏa mãn được cái tôi áp chế người khác của mình chứ không hẳn đem lại điều gì lợi ích cho bản thân, nhưng phải đối mặt với hậu quả là không nhỏ, có khi không phải vài ngày sau sự việc đó mà có thể dai dẳng sau này. Trong đó, nỗi lo bị trả đũa hay bị “lưu dấu” trên không gian mạng là có thể không có thời hạn; đã đánh bạn mà ngày hôm sau gặp lại vẫn thấy bình thường thì không có nghĩa là hôm sau nữa không có chuyện… Với tất cả những điều đó, cha mẹ phải dạy cho con thấy rằng tuyệt đối tránh bạo lực, bởi trong hầu hết các trường hợp, bạo lực không giải quyết được vấn đề mà nó lại phát sinh những vấn đề khác với những hệ lụy có khi không thể lường được.

Tóm lại, người lớn nên có quan điểm rõ ràng về việc chống lại bạo lực thì mới làm gương và dạy trẻ hạn chế tình trạng bạo lực trong học đường. Dĩ nhiên còn cộng nhiều biện pháp từ nhà trường, từ xã hội, từ truyền thông nữa, nhưng gia đình đừng lơ là, thì mới góp phần hạn chế hiện tượng này trong học đường.

Trúc Giang

 

Cha m phi dy cho con thy rng tuyt đi tránh bo lc, bi trong hu hết các trưng hp, bo lc không gii quyết đưc vn đ mà nó li phát sinh nhng vn đ khác vi nhng h ly có khi không thng đưc.

 

Bình luận (0)