Những hiểm họa từ lan can nhà chung cư luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người, nhất là các gia đình có trẻ nhỏ. Sự việc một bé gái thoát chết rơi từ tầng 12A tại một chung cư ở TP.Hà Nội xảy ra cách đây vài ngày lại một lần nữa cảnh báo sự nguy hiểm từ sự cố lan can không có rào chắn cao tại các chung cư mà hậu họa khó có thể lường hết được.
Một loại lưới bảo vệ đang được thợ thi công tại các chung cư. Ảnh: C.H.P
Hàng loạt vụ trẻ em bò ra ngoài lan can hoặc đi ra cầu thang bộ khi người lớn sơ ý rơi từ tầng cao các khu chung cư hầu như năm nào cũng tái diễn đã trở thành nỗi lo thường trực của người lớn.
Hiểm họa rình rập khi trẻ nhỏ tự ý đi ra ngoài
Tại chung cư Splendor, P.6, Q.Gò Vấp, TP.HCM mặc dù được thiết kế có lan can để phơi quần áo nhưng do nằm khuất phía bên hông nhà nên hầu như rất an toàn cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên có một lần, vợ chồng ông Trần Xuân Khôi quê ở Vũng Tàu lên thăm con ở lầu 9 đã thật sự hoảng hốt khi thấy đứa cháu nội 4 tuổi tự ý mở cửa phòng khách bước rồi sau đó leo lên lan can để nghịch phá. Ông Khôi nhớ lại: “Bữa đó tôi đang lo sửa chiếc vòi nước trong nhà tắm cứ nghĩ thằng bé chơi một mình an toàn ở phòng khách. Tuy nhiên không hiểu sao cháu lại tự ý mở cửa đi ra ngoài lan can nơi ba mẹ nó ít đưa con mình ra đó chơi. Cũng may là tôi phát hiện kịp không thì cháu đã leo qua bên kia lan can để rồi không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó”.
Tuy đứa con 3 tuổi không bước ra lan can để chơi ở lầu 9 nhưng anh Định ở phòng 903 tại chung cư này cũng một phen hú vía khi đi tìm đứa con gái khắp nơi mà không thấy. Khi nhìn cửa thang bộ mở, người đàn ông 40 tuổi thật sự lo sợ vì nghĩ con mình đã ra đây chơi. Dù sợ hãi nhưng anh vẫn căng mắt xuống dưới tầng G xem thử có chuyện gì xảy ra hay không? Thật may cho anh khi xuống tầng 8 thì anh thấy con đang khóc và đòi mở cửa phòng 803. “Hình như lúc ra sảnh tầng 9 chơi thấy cửa thang bộ mở nên cháu đã đi xuống đó một mình. Khi đến tầng 8 cháu lạc hướng tưởng phòng 803 là căn hộ của mình nên khóc đòi mở cửa. Ôm con vào lòng mà tôi mừng chảy nước mắt” – anh Định vẫn chưa hết vui khi nhắc lại câu chuyện.
Những hiểm họa từ lan can, cửa sổ chung cư là nỗi lo của những gia đình có trẻ nhỏ
Do thấy cha mẹ có thói quen hay bắc ghế cho mình xem cảnh đường phố, người xe đi lại tại chung cư Res 3, P.Tân Phú, Q.7 nên anh em cu Bon cũng đã có lần lấy ghế ra đặt dưới cửa sổ hành lang lầu 10 để ngắm cảnh. Điều nguy hiểm là các cửa sổ này rất thấp khoảng hơn 1m và chỉ lắp cửa kính mà không có song sắt. Chị Hải, mẹ của hai cậu con trai cho hay, nếu tôi lo làm việc trong nhà không để ý tới con mình chắc hai đứa sẽ thò đầu chui qua cửa sổ lúc nào không hay.
Những “lỗ hổng” từ chung cư
Thực tế cho thấy quy chuẩn an toàn cho nhà ở chung cư, công trình công cộng đã được ban hành rõ cùng những quy định thông số an toàn về khoảng cách khe, chiều cao tối thiểu. Kỹ sư Bùi Sĩ Ân, Công ty xây dựng An Lộc Phát, Q.Gò Vấp trao đổi, theo quy chuẩn xây dựng nhà ở và công trình công cộng ở Việt Nam được Bộ Xây dựng ban hành năm 2008, những nhà cao tầng hoặc chung cư có trẻ em dưới 5 tuổi sinh sống hoặc thường xuyên lui tới, lan can phải đạt tiêu chuẩn đúng quy định. Khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm và không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can. Khi sử dụng các vật cố định (lan can, tấm chắn…) để bảo vệ kính tại các vùng nguy hiểm thì những vật này phải không có khe hở nào nhét lọt quả cầu có đường kính 75mm. Đồng thời, lan can phải chắc chắn, khó trèo qua để chống rơi ngã. Tất cả các cầu thang bộ có bậc hở nếu có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì khe hở không được cao quá 100mm. Đối với nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng thì tại lô gia và sân thượng ở những vị trí cao từ 9 tầng trở lên thì chiều cao tối thiểu là 1,4m. Lan can ở cầu thang và các vị trí khác là từ 0,9m đến 1,1m. Tiêu chuẩn xây dựng nhà ở an toàn cũng quy định nhà từ tầng 6 trở lên không được thiết kế ban công, chỉ được thiết kế lô gia. Lan can lô gia không được hở chân và có chiều cao không nhỏ hơn 1,2m. Nếu trước đây lan can được thiết kế theo song ngang trẻ nhỏ rất dễ trèo lên thì nay hầu hết các chung cư đều thiết kế theo chiều dọc để các cháu không có cơ hội bám chân lên để trèo qua.
Tuy nhiên, độ an toàn về tính mạng của trẻ nhỏ tại các chung cư cao tầng không chỉ phụ thuộc vào chiếc lan can thiết kế như thế nào mà quan trọng hơn chính là sự để ý, quan tâm của người lớn đối với trẻ nhỏ. Chỉ cần một phút sơ sẩy hoặc lãng quên thì mọi chuyện nguy hiểm về tính mạng có thể xảy ra. Người lớn đặc biệt là cha mẹ của trẻ nhỏ đừng vì để tâm tới chuyện khác mà “bỏ quên” con mình để có thể xảy ra những chuyện ngoài ý muốn. Hãy quan tâm các cháu mọi nơi mọi lúc vì trẻ nhỏ rất hiếu động và chưa lường được những nguy hiểm rình rập nhất là khi sống ở các chung cư có lan can không đảm bảo an toàn. Đó cũng là lý do mà sau sự cố bé gái rơi từ tầng 12A, nhiều gia đình đã nhanh chóng tìm đến dịch vụ lắp lưới an toàn ban công trong những ngày gần đây… |
Tại chung cư Vinhomes trên đường Nguyễn Xiển, Q.9 mặc dù lan can đã được thay bằng song sắt dọc nhưng chiều cao cũng chỉ khoảng 1,4m kể cả những căn hộ từ tầng 10 trở đi. Chính vì vậy nhiều gia đình đã phải làm thêm rào chắn phía trên lan can để bảo đảm độ an toàn cho các bé. Chị Lan, chủ căn hộ 1312 cho biết, dù nhà đang cho thuê không có trẻ nhỏ nhưng tôi vẫn phải thiết kế thêm lưới chắn lỡ có người thân hoặc bạn bè dắt con cháu đến chơi. Theo quan sát của chúng tôi, nếu các chủ căn hộ có trẻ nhỏ và ở tầng cao thường quan tâm đến rào lưới lan can thì các căn hộ tầng thấp chỉ có người lớn sinh sống thì họ lại bỏ qua chuyện này vì cho rằng không cần thiết và làm mất đi vẻ đẹp vốn có của ngôi nhà.
Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)