Xin đừng tước quyền được tới trường của trẻ OVC |
Ước tính trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng 60 ngàn trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (gọi tắt là trẻ OVC), trong đó có khoảng 2/3 trẻ trong độ tuổi đi học. Tuy nhiên, trên thực tế số trẻ được cắp sách đến trường chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn. Đặc biệt, các em phải tới trường một cách lén lút, không dám để lộ thân phận…
Những đứa trẻ bị hắt hủi
Ông Lê Trường Giang – Phó chủ tịch Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM cho biết: “Trước đây, vấn đề của trẻ nhiễm HIV là vấn đề sống còn, hầu hết các em đều chết trước 5 tuổi. Song, từ năm 2005 đến nay, các bé được điều trị ARV nên tuổi đời được kéo dài hơn. Hiện ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình có không ít trẻ bước vào tuổi dậy thì. Vấn đề đặt ra bây giờ là việc học tập của các em. Hiện nay hầu hết trẻ OVC đều không được đi học hoặc phải học ở các lớp tình thương, trường tư thục, học nhóm tại nhà cô giáo. Chỉ có một số ít được tới trường phổ thông nhưng phải giấu tình trạng của gia đình và bản thân. Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị phát hiện thì sẽ phải nghỉ học, hoặc chuyển trường khác…”.
Trung tâm Mai Hòa hiện đang nuôi giữ hàng chục trẻ OVC, trong đó phần lớn các em đều trong độ tuổi đi học. Sơ Lê Thị Tríu – đại diện trung tâm cho biết: “Lúc đầu các bé cũng được tới trường tiểu học để học tập và sinh hoạt chung với các bạn. Tất nhiên không dám để lộ thân phận của mình, khi các bạn trong lớp hỏi nhà ở đâu thì cứ trả lời loanh quanh, khi bạn hỏi cha mẹ làm gì thì không dám thừa nhận cha hoặc mẹ đã chết vì AISD… Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra, cuối cùng mọi người cũng biết các bé là trẻ OVC. Sự phân biệt đối xử xuất hiện, nhiều phụ huynh có con học cùng trường với trẻ OVC lần lượt xin cho con chuyển lớp, chuyển trường… Không còn cách nào khác, chúng tôi đành xin cho các bé học ở một trường khác khá xa trung tâm. Nhưng chúng tôi rất lo lắng vì đi học xa các bé có thể gặp bất trắc…”.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt – nhóm Nắng Mai cũng cho biết: “Một bé trong nhóm của chúng tôi sau khi tới trường được hơn một tháng thì cha chết vì AIDS. Sự việc đến tai cô hiệu trưởng, cô mời phụ huynh của bé lên và hỏi có phải cha bé chết vì AIDS không, người mẹ thừa nhận. Thế là cô hiệu trưởng “năn nỉ” người mẹ xin cho con sang trường khác, nếu không học sinh ở đây sẽ nghỉ hết. Bé được chuyển sang trường khác cách nhà hơn 10 km. Nhưng cũng chỉ học được hơn một tháng, người mẹ lại được mời lên phòng hiệu trưởng. Sau đó bé lại phải chuyển tới trường thứ ba cách nhà gần 20 km. Học được một thời gian thì hiệu trưởng cũng mời phụ huynh lên. Lúc này người mẹ đành phải phủ nhận việc cha của bé chết vì AIDS. Hiện tại bé vẫn đang học ở trường nhưng trong sự nghi ngờ của mọi người”…
Đừng tước đi quyền được tới trường của trẻ OVC
Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em và Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em Việt Nam thì mọi trẻ em đều có quyền được đi học. Song do hạn chế về hiểu biết đối với HIV/AIDS nên không ít phụ huynh đã tỏ thái độ gay gắt, làm sức ép với nhà trường khi biết trong trường có trẻ OVC theo học. Nhiều phụ huynh đã dọa hiệu trưởng là nếu không cho trẻ OVC nghỉ học thì họ sẽ đồng loạt chuyển trường cho con.
Thậm chí, “Năm học 2008-2009 là năm đầu tiên trẻ OVC của Tam Bình được tới Trường Tiểu học Xuân Hiệp, Q.Thủ Đức để học như các bạn cùng trang lứa. Niềm vui sướng vì được tới trường vừa mới bắt đầu thì nhiều phụ huynh có con trong trường gây khó khăn cho các bé. Họ đòi chuyển trường cho con, họ kéo nhau lên Phòng Giáo dục kêu cứu “Hãy bảo vệ con của chúng tôi”…”, bà Trần Thị Thu Tâm – đại diện Trung tâm Tam Bình bức xúc.
“Sự băn khoăn của phụ huynh là đúng đắn, nó xuất phát từ tình thương con nhưng trên hết là sự chưa hiểu biết về HIV/AIDS. Tôi có thể khẳng định nguy cơ lây nhiễm HIV ở trường học là rất hiếm, cho đến thời điểm này chưa có một tai nạn nào xảy ra. HIV có 3 đường lây, trong đó đường lây từ mẹ sang con và quan hệ tình dục là không thể, chỉ còn lây qua đường máu. Nhưng những trẻ OVC trước khi tới trường đã được tư vấn về cách chăm sóc bản thân, không lây bệnh cho các bạn…”, ông Giang nhấn mạnh.
Ông Dương Hoàng Tuấn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Hiệp, Q.Thủ Đức nơi đang có một số trẻ OVC theo học cho biết: “Tất cả các cán bộ, giáo viên và công nhân viên trong trường đều được tập huấn cách sơ cấp cứu vết thương có máu chảy.
Theo bà Phạm Thị Tiết Hạnh – đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM thì “Từ lâu, ngành giáo dục đã tổ chức tuyên truyền cách phòng chống HIV/AIDS cho học sinh phổ thông. Đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non được hướng dẫn cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng cho trẻ OVC cũng như ngăn ngừa sự lây nhiễm. Quan điểm của Sở GD-ĐT TP là tất cả các trường đều nhận trẻ OVC”.
Bài & ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)