Tình trạng tội phạm vị thành niên ngày càng tăng, đang ở mức báo động và ngày càng trẻ hóa đã được nêu trong nhiều hội thảo, hội nghị hiện nay.
Cha mẹ cần tạo điều kiện để trẻ bộc lộ cảm xúc bản thân. Trong ảnh là cảnh học sinh TP.HCM tham gia Hội trại truyền thống 9-1 do Sở GD-ĐT tổ chức. Ảnh: N.Anh |
Để hạn chế tối đa tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội và ngày càng trẻ hóa thì trong gia đình, ngay từ những năm đầu đời cha mẹ cần giáo dục cho con tình yêu thương, sự chia sẻ, cảm thông với những người xung quanh. |
Có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này xuất phát từ nền tảng gia đình, bởi tuổi vị thành niên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ gia đình và chính gia đình là môi trường hình thành cho các em những giá trị sống ban đầu, là cầu nối đến xã hội. Bởi vậy, xem xét nguyên nhân gia đình và tìm ra giải pháp từ chính gia đình chính là vấn đề cần phải được quan tâm đặc biệt.
Theo tôi, hiện nay việc giáo dục từ gia đình còn nhiều khoảng trống, nhất là việc hình thành cho các em những giá trị nhân văn cao đẹp. Từ nhỏ các em được cha mẹ chiều chuộng quá mức, đáp ứng quá đầy đủ những nhu cầu vật chất mà lại thiếu hụt về cảm xúc, tình cảm dẫn đến các em không cảm nhận được thế nào là sự sẻ chia, đồng cảm, yêu thương; các em không biết thế nào là tính cộng đồng và thường bị cái tôi cá nhân ích kỷ thống trị đời sống tinh thần. Có gia đình thì cha mẹ vì quá bận công việc nên cả ngày không về nhà, thậm chí cả tuần, cả tháng cũng chẳng có thời gian giao tiếp, chia sẻ cảm xúc cũng như tìm hiểu tâm lý của con cái. Họ chỉ suy nghĩ rằng kiếm được nhiều tiền thì các nhu cầu về vật chất được đáp ứng đầy đủ, con cái giỏi giang, nhưng họ đâu biết các em đang thực sự thiếu thốn tình thương của gia đình, sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ để nuôi dưỡng nhân cách mà bấy lâu nay các em đang bị thiếu hụt trầm trọng. Có gia đình khi con ở nhà thì đóng kín cửa, không cho con giao tiếp với những đứa trẻ khác, dễ hình thành tâm lý “đèn nhà ai nấy rạng”, chẳng cần quan tâm đến những người xung quanh. Đặc biệt, ở những chung cư cao tầng thì dường như các em thiếu hụt các mối quan hệ trực tiếp, đó là quan hệ “làng xóm láng giềng”. Vì thế mới có chuyện “cùng chung cư, cùng dãy nhà, cùng tầng ở” nhưng vẫn không biết tên nhau, không quen nhau. Cũng có cha mẹ thường xuyên đánh đập con cái, coi đó là biện pháp giáo dục tốt cũng để lại ở các em hậu quả lớn là chấn thương tâm lý, vết hằn này dễ nảy sinh khi có điều kiện thuận lợi nhất là các hành vi bạo lực.
Vì vậy, để hạn chế tối đa tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội và ngày càng trẻ hóa thì trong gia đình, ngay từ những năm đầu đời cha mẹ cần giáo dục cho con tình yêu thương, sự chia sẻ, cảm thông với những người xung quanh. Không nên cấm đoán con, hãy để cho con phát triển đời sống tình cảm thông qua các hoạt động và giao lưu, đồng thời hãy đáp ứng vừa phải các nhu cầu vật chất mà làm giàu thêm đời sống tình cảm của con trẻ; nên kiểm soát và điều chỉnh những thái độ và hành vi ứng xử của con khi chúng có biểu hiện thờ ơ, lãnh cảm trong quan hệ giao tiếp. Đặc biệt, cha mẹ phải tạo điều kiện tốt nhất để thường xuyên chia sẻ cùng con, giúp các em bộc lộ cảm xúc của mình. Những cảm xúc nếu được bộc lộ kịp thời sẽ giúp các em thoát khỏi những dồn nén và có được đời sống tâm lý cân bằng.
ThS. tâm lý Nguyễn Văn Công
Tạo ra nhiều hoạt động cho học sinh tham gia Có thể nói, ở bất cứ lứa tuổi nào, trẻ cũng đều thích hoạt động. Hoạt động trước hết phải làm sao mang lại cho các em nguồn cảm hứng, thích thú và từ đó dẫn đến sự say mê trong quá trình tham gia với tư cách cá nhân hay theo nhóm. Từ những hoạt động mang tính phong trào, giải trí đến những hoạt động học thuật hay bất cứ một hoạt động nào cần học sinh thể hiện sự sáng tạo thì các nhà giáo dục hãy suy nghĩ để tạo ra những hoạt động đó, nhằm kích thích tinh thần tham gia của tất cả các em. Qua các sân chơi này, chúng ta sẽ phát hiện ra những khả năng ưu việt khác nhau của mỗi cá nhân. Từ đó, chúng ta “dùng” các em để phụ trách, để điều khiển những hoạt động phù hợp với khả năng của mình. Khi những nhà giáo dục đã có kế hoạch tạo ra nhiều hoạt động phong phú trong quá trình học sinh đến trường thì chắc chắn rằng, các em không còn đủ thời gian để suy nghĩ mông lung, không còn nhiều thời gian nhàn rỗi để thực hiện những hành vi xấu dẫn đến bạo lực học đường. Bởi song song với việc học tập – là nhiệm vụ bắt buộc của mỗi học sinh – các em còn tự cân đối và sắp xếp thời gian của cá nhân, thời gian của nhóm, của lớp để cùng nhau bàn bạc, suy nghĩ và tìm hướng giải quyết cho các hoạt động được đề ra một cách cụ thể. Từ đó, các em không còn thời gian để nghĩ đến những chuyện “không đẹp” đang diễn ra nhan nhản trước mắt mình. Và như thế, bạo lực học đường sẽ không còn “đất sống”. Tóm lại, bạo lực học đường xảy ra khi mâu thuẫn của học sinh không được giải quyết, khi các em có quá nhiều thời gian nhàn rỗi để nghĩ đến chuyện “giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực”. Vì vậy, mỗi nhà giáo dục hãy tạo ra những hoạt động phong phú cho từng cấp, phù hợp với từng lứa tuổi để biến “bạo lực” thành “động lực” mang tính tích cực, giúp các em hướng tới những điều tốt đẹp nhất, đạt được những kỹ năng cần thiết trong quá trình hoạt động để trui rèn và phát triển bản thân. Duy An |
Bình luận (0)