Một số hiệu trưởng tiểu học lo ngại, năm tới, tuổi đi học của trẻ là Quý Mùi (năm 2003), trường sẽ khó đảm bảo được yêu cầu. Với phụ huynh, chọn trường đúng tuyến thì e chất lượng trường "làng". Vào trường dân lập lại đắn đo học phí, rồi thi đầu vào. Trường điểm thì "ngại" sĩ số đông… Guồng quay tìm trường, "chạy trường" năm học tới đang bắt đầu khởi động.
Bên cạnh những trường HS phải "đọ sức" để kiếm "suất" học, trường điểm phải lo "chạy" trái tuyến, nhưng vẫn còn những trường công lập đạt chuẩn quốc gia ở đất Thủ đô vẫn khó tuyển cho đủ học sinh.
Biết lớp đông, vẫn không rút…
"Lớp 1 ơi lớp 1!" Ngày đầu tiên đi học của HS Trường Tiểu học Đông Ngạc, HN. Ảnh: Bích Ngọc
|
Vợ chồng chị Hằng Nga loay hoay tìm trường để gửi cậu con trai lớn vào lớp 1 từ ngay khi Tết ra. Nhà ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, làm việc ở quận Hoàn Kiếm và trên đường đi làm cũng qua một vài trường "điểm" nhưng chị Nga rất băn khoăn không biết nên cho con học ở đâu.
Quanh nhà chị không có trường nào "ưng ý". Gần chỗ làm có trường tốt nhưng con lại phải đi quá xa, "ngót" chục cây số. Ở quãng giữa nhà và cơ quan thì lại lo việc đưa đón con do công việc không cố định thời gian.
"Nghĩ đến một trường dân lập cách nhà vài cây số thì thấy kinh phí eo hẹp quá, không đủ để vừa cho thằng anh, rồi 2 năm nữa lại đến cô em vào học", chị Nga trăn trở.
Chị Phan Anh, quận Ba Đình có nhà ở ngay sát trường tiểu học nhưng "ngại" là trường làng, nên nhất quyết dù mất tiền cũng xin bằng được cho con vào một trường điểm cách đó vài cây số.
Chính vì sự lựa chọn trường điểm của một luồng phụ huynh đã gây ra tình trạng căng thẳng mỗi mùa tuyển sinh.
Mặc dù biết trường đông học sinh, thiếu lớp học, nhưng phụ huynh vẫn "chấp nhận" xin cho con vào trường.
Hàng năm, trên địa bàn Hà Nội có khoảng chục trường tiểu học công lập rơi vào tình trạng "áp lực" tuyển sinh do phụ huynh quyết nhắm cho con vào các trường như: Quang Trung, Thăng Long (quận Hoàn Kiếm); Kim Liên, Nam Thành Công (quận Đống Đa); Lê Ngọc Hân, Lê Văn Tám (Hai Bà Trưng); Kim Đồng (Ba Đình)… Số HS trái tuyến của các trường này thường chiếm khoảng 30-50% chỉ tiêu.
Do số HS vào trường quá đông nên số HS/lớp của những trường này đều vượt trên 50 HS (trong khi quy định là 35 HS/lớp).
Theo nhận xét của một cán bộ quản lý, dù biết là lớp đông, nhưng không phụ huynh nào "dám" rút con ra vì suy nghĩ đó là lớp tốt.
Trường chuẩn vẫn ế học sinh
Giáo viên phải thực hiện dạy theo chuẩn kiến thức kỹ năng các môn học. Ảnh: Bảo Anh
|
Trong khi một số trường "gạt" HS đi không hết thì vẫn còn những trường tuyển không đủ chỉ tiêu dù CSVC rất tốt.
Trường Tiểu học Trung Phụng, La Thành, quận Đống Đa, HN năm học vừa qua tuyển không đủ chỉ tiêu. Hay như Trường Tiểu học Tam Khương (trường chuẩn quốc gia) cũng chỉ tuyển vừa đủ 87 HS/90 chỉ tiêu. Trường Trung Phụng cũng chỉ tuyển được 51 HS trong khi chỉ tiêu là trên 100 HS và chủ yếu là HS đúng tuyến.
Theo nhận xét của Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Đống Đa Tạ Ngọc Thắng, khó khăn của các trường này do nằm ở ngõ xóm nhỏ, giao thông đi lại không thuận lợi. Quận, phòng đã tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ, đầu tư CSVC và bản thân các trường cũng rất cố gắng để phụ huynh yên tâm nhưng để kéo lại không đơn giản.
Năm Qúy Mùi, lo học sinh đông
Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đối với HS tiểu học, phụ huynh không nên nặng nề chọn trường, lớp cho con do chương trình đã được thống nhất chung theo chỉ đạo từ trên xuống.
Tất cả giáo viên phải thực hiện dạy theo chuẩn kiến thức kỹ năng các môn học, đáp ứng các đối tượng HS giỏi, khá, trung bình, yếu.
"Nếu vì chọn trường mà HS phải đi quá xa sẽ gây căng thẳng khi đi trên đường do âm thanh xe cộ, thời tiết, tạo sự mệt mỏi. Hơn nữa, ở những trường có áp lực tuyển sinh sẽ có sĩ số đông nên cô giáo khó quan tâm đến trẻ như các trường khác", ông Phạm Xuân Tiến góp ý thêm.
Ông Tiến cũng cho biết, chủ trương "3 giảm" sẽ tiếp tục được quán triệt tới tất cả các đơn vị trường học, bao gồm: giảm sĩ số HS trên mỗi lớp; giảm số lớp đối với những trường có quy mô lớn và giảm số lượng HS trái tuyến.
Tuy nhiên, theo nhận định của một số hiệu trưởng, năm tới, tuổi đi học của trẻ là Quý Mùi (năm 2003) nên khả năng khó đảm bảo được yêu cầu.
Ông Đỗ Quang Hợp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cát Linh lo lắng, trường hiện có 7 lớp 1 với 350 HS, trong đó 70 HS trái tuyến.
Năm nay, tuyển sinh sẽ căng hơn do trẻ 6 tuổi đông, trường chỉ có 6 lớp 5 ra lớp và quận chủ trương tăng thêm HS đúng tuyến.
Hiện nay, các trường đang rà soát số HS trên địa bàn và chuẩn bị lên kế hoạch cho việc tuyển sinh các lớp đầu cấp cho năm học tới.
Hiện nay, các trường đang rà soát số HS trên địa bàn và chuẩn bị lên kế hoạch cho việc tuyển sinh các lớp đầu cấp cho năm học tới.
Sinh sau 5/9/2003 có được đi học năm nay?
Tuyển sinh theo độ tuổi và tính ngày sinh từ 1/1 đến 31/12. Năm học 2009-2010, tuổi đi học là những cháu sinh năm 2003.
Phương thức tuyển sinh vào lớp 1 về cơ bản sẽ ổn định như năm trước, tuyển theo địa bàn cư trú. Thời hạn tuyển sinh sẽ diễn ra từ 1-15/7/2009 và sau đó, trường nào còn chỉ tiêu sẽ được phép tuyển HS trái tuyến. Chậm nhất đến 30/7, các trường tiểu học sẽ phải hoàn thành công tác tuyển sinh.
(Ông Phạm Xuân Tiến – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội) |
Bảo Anh (Vietnamnet)
Bình luận (0)