Mệt lả, say nắng là biểu hiện thường thấy của trẻ nhỏ vào mùa hè nắng nóng nhất là khi ra đường hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời. Vì thế người lớn cần có biện pháp đề phòng và xử trí kịp thời vì say nắng có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Trẻ nhập viện vì say nắng, bị sốt cao |
Kinh nghiệm cho thấy, khi bị say nắng, trẻ có biểu hiện mệt mỏi, bỏ chơi, sốt cao và có khi co giật nếu không cấp cứu nhanh thì dẫn đến tử vong.
Nắng nóng là thủ phạm
Cách đây một tuần, trong một lần đi chơi ở Thảo Cầm Viên vào buổi chiều, bé Nấm con của chị Thảo bị say nắng sau khi dạo chơi một vòng giữa trời nắng gắt. Chị Thảo kể lại: “Lúc đầu cháu rất mệt không muốn đi tiếp nên bắt bố cõng. Tuy nhiên, một lúc sau thấy cháu da ửng đỏ người sốt cao. May mà tôi có đem theo thuốc cho cháu uống nên chưa đến mức ngất xỉu”.
BS Phạm Ngọc Thạch – Phòng Kế hoạch Tổng hợp (BV Nhi đồng 2 TP.HCM) cho biết, tuy trẻ bị say nắng nhập viện không nhiều nhưng khi được đưa vào cấp cứu thường trẻ đã ở trong tình trạng say nắng nặng cần được cứu chữa kịp thời.
Theo BS Thạch, say nắng hoặc say nóng là phản ứng của cơ thể khi làm việc, học tập, luyện tập và vui chơi trong môi trường nhiệt độ cao nóng bức thường gặp ở người già, trẻ nhỏ và những người hoạt động ngoài trời. Khi bị nắng nóng cơ thể sẽ có các phản ứng để giảm nhiệt độ như giãn nở mạch máu để máu dồn nhiều tới da để thoát nhiệt ra ngoài vì thế da thường ửng hồng, mặt ửng đỏ. Tuyến mồ hôi hoạt động mạnh tiết ra nhiều mồ hôi giúp cơ thể hạ nhiệt cho cơ thể. Khả năng điều hòa thân nhiệt tùy thuộc vào mỗi người. Trong lúc người lớn khỏe mạnh cố sức chịu đựng tốt thì trái lại người cao tuổi và trẻ em sức chịu đựng kém hơn nhiều và dễ gặp nguy hiểm khi nhiễm nắng nóng. Khi nhiệt độ tăng cao cơ thể mất nhiều nước qua mồ hôi thì có thể gây ra những biến đổi trầm trọng trong cơ thể và có thể dẫn đến tử vong. Ngoài say nắng, bé có thể bị mệt lả, chuột rút do thời tiết quá nóng khi mùa hè đến.
Cần cấp cứu kịp thời
Theo BS Trần Thị Ái Thanh – BV quận Thủ Đức, trẻ bị say nắng thường có các triệu chứng biểu hiện bề ngoài như da nóng ửng đỏ, sốt cao trên 40 độ, ít vận động do mệt mỏi. Say nắng nhiều bé sẽ rơi vào trạng thái lơ mơ, sốc và cả co giật, động kinh. Nếu mệt lả do nóng, da trẻ lạnh và nhợt nhạt, có ra mồ hôi nhưng không sốt. Khi mệt lả trẻ thường hoa mắt chóng mặt, ngất do quá yếu mệt.
Theo lời khuyên của BS chuyên khoa nhi, phát hiện trẻ bị say nắng cần phải có biện pháp sơ cứu kịp thời trước khi gọi điện BS cấp cứu. Nên đặt trẻ chỗ mát mẻ như trong nhà, dưới bóng cây râm mát, chân nâng lên cao. Lúc này trẻ thiếu nước do ra mồ hôi nên cứ sau 15 phút cho trẻ uống một ly nước mát để bù nước. Trong lúc chở bé đến nơi cấp cứu vẫn thường xuyên cho trẻ uống nước để giải nhiệt, có thể cho bé ăn các loại chứa muối như khoai tây chiên, bánh quy.
BS Thạch khuyên, cha mẹ và người lớn cần cho trẻ làm quen với nhiệt độ bên ngoài trước khi đi chơi hay luyện tập ngoài trời trước đó vài ngày để quen dần với tác động của nắng nóng. Không nên đưa trẻ ra nắng một cách đột ngột, bất ngờ nhất là vào những ngày hè nắng nóng. Đừng quên cho bé uống thêm nhiều nước khi học và luyện tập trong môi trường mùa hè nóng bức. Lúc đi ra ngoài nên cho trẻ mặc quần áo nhẹ màu sáng thoáng mát đội nón rộng vành để che nắng. Không nên cho trẻ đi lại làm việc quá sức ngoài trời nắng. “Nếu phải ở ngoài trời nắng thường xuyên thì nên cho trẻ giải lao sau một khoảng thời gian nhất định chứ không được kéo dài. Khi phát hiện trẻ mệt mỏi thì cho trẻ ngưng ngay và đưa vào chỗ mát để nghỉ ngơi nhất là mùa du lịch các gia đình thường đưa trẻ đi chơi dài ngày” – BS Thanh nhắc nhở.
Bài, ảnh: Quang Phan
Nếu phải ở ngoài trời nắng thường xuyên thì nên cho trẻ giải lao sau một khoảng thời gian nhất định chứ không được kéo dài. Khi phát hiện trẻ mệt mỏi thì cho trẻ ngưng ngay và đưa vào chỗ mát để nghỉ ngơi nhất là mùa du lịch các gia đình thường đưa trẻ đi chơi dài ngày” – BS Trần Thị Ái Thanh nhắc nhở.
Bình luận (0)