Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trẻ sơ sinh có thể tử vong vì ho gà

Tạp Chí Giáo Dục

Khi phát hiện ho gà, nên đưa trẻ đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời để bệnh nhanh khỏi và tránh lây lan (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: N.Trinh
Ho gà là bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ dưới ba tháng tuổi, ho gà có thể khiến trẻ tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.
Không cứ đến mùa mới phòng
Ho gà là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, do các trực khuẩn ho gà bordetella pertussis, lây theo đường hô hấp, trung gian là các hạt nước bọt. Khi xâm nhập vào đường hô hấp, vi khuẩn này nhân lên, sinh ra độc tố cản trở khả năng hoạt động của đường hô hấp sinh ra đờm, nằm sâu trong đường hô hấp gây ra ho không kìm được. Trong khi ho, vì phế quản bị chít hẹp, khiến bệnh nhân phải cố sức hít vào sau mỗi cơn ho, tạo ra tiếng rít giống như gà gáy, kéo theo đó trong quá trình ho, người ho có thể ho ra đờm màu trắng, tựa màu lòng trắng trứng gà nên gọi là ho gà.
Cơn ho kéo dài liên tục đến vài phút, người ho thường rũ rượi, chảy nước mắt, nước mũi, chảy giãi, mặt đỏ, cơn ho mỗi lúc một tăng dần, thường hay tái diễn về ban đêm. Thời điểm phát dịch ho gà thường vào ba tháng đầu của mùa khô (miền Nam) và mùa đông xuân miền Bắc. Tuy nhiên, bệnh vẫn xảy ra, tái diễn quanh năm.
Ai cũng có thể bị, song, lứa tuổi dễ bị nhất thường từ 1-6 tuổi và nguy hiểm đối với trẻ dưới ba tháng tuổi. Với trẻ sơ sinh, khi bị ho gà, cha mẹ thường hay nhầm lẫn với viêm phế quản hoặc cảm cúm. Dấu hiệu ban đầu gần giống như cảm cúm: nghẹt mũi, chảy nước mũi kèm ho, hắt hơi, đau họng. Có thể xuất hiện ban ở mặt, lở lưỡi, sốt… Vừa qua, chị Nguyễn Thị Thanh Trà (Long An) đưa con gái Trần Thu Hương (5 tháng tuổi) lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM trong trường hợp bé đã bị suy hô hấp, mặt tím tái… Thấy bé bị ho cứ nghĩ viêm phế quản, gia đình chị mua thuốc điều trị tại nhà. Sau một tuần, bệnh của bé không thuyên giảm, ngược lại bệnh trở nặng. Đây là những suy nghĩ, hành động mà nhiều bậc phụ huynh thường hay nhầm tưởng. Sức khỏe trẻ sơ sinh còn rất yếu, trong khi đó ho gà không phải là những cơn ho bình thường. Khi ho các thành phế quản bị co hẹp, khiến trẻ bị hụt hơi giữa các cơn ho, dẫn đến thiếu ôxy, nghẹt thở, mặt mày tím tái, nôn mửa, không cứu chữa kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong. Khi ho, do thiếu ôxy, trẻ lại phải cố gắng ho nên các cơn ho có thể gây ra các chấm đỏ như phát ban do vỡ tĩnh mạch trên da hoặc ở củng mạch mắt, hoặc có thể chảy máu cam, rát cổ, co rút chân tay lồng ruột, thoát vị rốn, thoát vị bẹn, sa trực tràng hoặc vỡ cơ hoành, tràn khí màng phổi, co giật do thiếu ôxy não hoặc xuất huyết não, có thể dẫn đến liệt một chi, liệt nửa người viêm giãn phế quản hoặc viêm phổi.
Nên phòng tránh bằng cách tiêm vắc-xin
Người bị ho gà phải mất ít nhất gần một tháng điều trị mới khỏi bệnh. Đặc biệt, ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính nên khi mắc bệnh này đòi hỏi người bị bệnh phải cách li người bình thường ít nhất bảy ngày từ khi phát bệnh. Hiện nay, rất ít thuốc có hiệu quả giảm ho, các thuốc ho không kê đơn thường ít có tác dụng đối với ho gà, vì thế quá trình điều trị bệnh khá phức tạp. Đặc biệt bệnh khó chẩn đoán trong giai đoạn đầu vì biểu hiện của bệnh gần giống biểu hiện của các bệnh khác như cúm, viêm phế quản, cảm lạnh. Vì thế, biện pháp hữu hiệu nhất đó là tiêm vắc-xin DPT. Đây là dạng vắc-xin phối hợp kháng một lúc được 3 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván. Trẻ cần được tiêm 5 mũi vào tháng tuổi thứ hai, tháng thứ tư, tháng thứ sáu, tháng thứ 12-18 và chủng ngừa lại vào tuổi từ 4 đến 6. Có không ít phụ huynh có suy nghĩ trẻ còn quá nhỏ, sợ con đau mà không cho trẻ đi tiêm hay nhiều bà mẹ đã tiêm cho con đến mũi thứ tư, thời gian tiêm mũi cuối cùng khá lâu, lúc này trẻ bắt đầu đến trường, cha mẹ cũng mải lo việc học hành cho con cái hay các việc khác nên thường hay quên. Điều này hoàn toàn không nên.
Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, dấu hiệu ho nhiều có thể do nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút đường hô hấp (ngoài bệnh ho gà) vì thế khi trẻ bị ho cần cho trẻ đi khám để có thể điều trị đúng, tránh biến chứng nặng. Đến bệnh viện, trung tâm y tế, trẻ được chụp X-quang phổi, xét nghiệm máu, nghe tiếng ho, theo dõi tiến triển của bệnh để kịp thời xử lí, thở ôxy nếu cần thiết, điều này sẽ giúp bệnh nhanh khỏi. Còn đối với người lớn, nếu phát hiện bị ho gà có thể dùng kháng sinh như azithromycin, erythromycin. Đây là những kháng sinh có thể rút ngắn thời gian bị bệnh và thời gian phải cách ly.
Với những trường hợp nếu đến tháng đi tiêm phòng, chẳng may trẻ bị ốm đau thì phụ huynh vẫn có thể tiêm phòng bình thường. Nên có kháng sinh dự phòng trong nhà khi có người bị ho hoặc có tiếp xúc với người bị ho.
BS. Trần Thị Thúy 
(Phó khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 – TP.HCM)

Với trẻ, nếu được tiêm đủ số mũi thì cơ thể có thể kháng bệnh lên đến 90%. Đối với trẻ tuổi càng nhỏ thì sức đề kháng càng mạnh. Càng về sau, sức đề kháng càng giảm, vì thế tiêm phòng lúc trẻ còn nhỏ là tốt nhất.

 

Bình luận (0)