Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trẻ sơ sinh nhiễm HIV: Có thể tránh được nếu…

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu được điều trị, can thiệp kịp thời, tỷ lệ trẻ sơ sinh nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ có thể giảm còn dưới hai phần trăm từ tỷ lệ 30 phần trăm.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng quà cho trẻ em có HIV đang được nuôi dưỡng ở Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2, Ba Vì (Hà Nội)
Nguyễn Thị H. gần như gục ngã khi biết tin mình vô tình bị nhiễm HIV, cô càng đau khổ hơn khi tin rằng đứa bé cô đang mang trong bụng có thể khó thoát khỏi căn bệnh thế kỷ. Đã có lúc H. thất vọng muốn tìm tới cái chết…
May mắn cho cô, qua tư vấn và thuyết phục của một người bạn trong ngành y, cô lặng lẽ tìm tới phòng khám ngoại trú tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), một trong rất nhiều điểm thực hiện chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con do Kế hoạch khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng, chống HIV (PEPFAR) tài trợ tại 18 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại đây, cô được tư vấn và điều trị của các bác sĩ trong suốt quá trình mang thai cho đến ngày sinh. Sau khi sinh em bé và trong giai đoạn đầu nuôi con, H. vẫn chưa hết khỏi băn khoăn. Chỉ đến khi các xét nghiệm chuyên khoa chính thức khẳng định đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh và không nhiễm HIV, cô và gia đình mới vỡ òa trong niềm vui. Giờ đây không gì còn có thể ngăn H. sống lạc quan với nụ cười trên môi.
Tâm lý mặc cảm là một trong những trở ngại lớn nhất khiến nhiều phụ nữ nhiễm HIV mang thai ngại ngùng trong việc tìm kiếm các biện pháp can thiệp.
Bác sĩ Đỗ Quan Hà – Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho biết hệ thống xét nghiệm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đảm bảo cho chị em quyền lợi được hỗ trợ xét nghiệm HIV, được chăm sóc, chỉ dẫn sử dụng thuốc dự phòng lây nhiễm miễn phí khi cần thiết. Tất cả thông tin về người tới điều trị đều được giữ bí mật tuyệt đối. Người thân của thai phụ hoặc bất kỳ ai khác chỉ được thông báo khi có sự đồng ý của thai phụ.
Can thiệp kịp – giảm tỷ lệ nhiễm HIV
Một chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con làm giảm tỷ lệ lây nhiễm được Chính phủ triển khai từ năm 2005.
Chương trình được sự hỗ trợ về chuyên môn và tài chính từ Kế hoạch Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR). Việt Nam là nước châu Á trọng điểm duy nhất của PEPFAR.
Các nước trọng điểm còn lại đều ở châu Phi và khu vực Caribbe. Hỗ trợ của PEPFAR dành cho Việt Nam sẽ còn tiếp tục ít nhất là đến năm 2013.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Mitchell Wolfe – đại diện của PEPFAR, từ năm 2004 đến hết quý ba năm 2008, trên 609.000 phụ nữ có thai được tư vấn và xét nghiệm HIV, trong đó trên 2.300 phụ nữ có thai nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) trong chương trình hỗ trợ của PEPFAR.
Hiện mỗi năm cả nước có khoảng 1,5 triệu phụ nữ sinh nở, trong đó có gần 5.100 bà mẹ nhiễm HIV. Nếu không có các biện pháp can thiệp, sẽ có khoảng 1.500 đến 1.800 trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV do truyền từ mẹ sang mỗi năm.
Trong trường hợp phát hiện thai phụ dương tính với HIV, các bác sĩ sẽ tư vấn và hướng dẫn cách uống thuốc tùy theo từng thời kỳ của thai, kể cả trường hợp tình trạng nhiễm HIV của thai phụ được phát hiện muộn chỉ ngay trước khi sinh. Ngay sau khi sinh, em bé sẽ được uống các loại thuốc được bào chế dưới dạng siro.
Theo TS – BS Nguyễn Văn Lâm – Bệnh viện Nhi T.Ư, những đứa trẻ sinh ra bởi các bà mẹ nhiễm HIV sẽ được tiếp tục theo dõi và chăm sóc sức khỏe tại phòng khám ngoại trú nhi cho đến khi bé đủ lớn để làm các xét nghiệm xác định khẳng định bé có nhiễm HIV hay không.
Bà mẹ và gia đình hoặc người chăm sóc cũng sẽ được tư vấn về chăm sóc và dinh dưỡng, cách nuôi con bằng sữa mẹ hoặc được cung cấp sữa thay thế kèm theo các hướng dẫn cách pha sữa đúng liều lượng và hợp vệ sinh.
Với những người mẹ có HIV, sự kết hợp tốt giữa bác sĩ sản khoa và sản phụ sẽ mang lại niềm hi vọng và quyền được sống khỏe mạnh của em bé với cơ hội thoát khỏi căn bệnh thế kỷ. Trẻ có thể lây nhiễm HIV từ mẹ trong thời kỳ còn là bào thai, trong quá trình chuyển dạ đẻ hoặc trong thời gian cho con bú.
Bác sĩ Đỗ Quan Hà cho biết: “Nếu không được can thiệp kịp thời cứ 100 bà mẹ mang thai nhiễm HIV sẽ có khoảng 30 cháu bé sinh ra bị nhiễm HIV. Nhưng nếu được can thiệp, điều trị kịp thời và đúng cách, tỷ lệ này có thể giảm rất nhiều và chỉ còn dưới hai phần trăm. Sản phụ nhiễm HIV hoàn toàn có thể hi vọng nếu có được sự hiểu biết nhất định khi sử dụng các biện pháp can thiệp giảm lây nhiễm”.
Hướng Minh (Theo TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)