Y tế - Văn hóaDinh dưỡng học đường

Trẻ suy dinh dưỡng phù: coi lại sữa

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ trong khoảng bốn tháng, tại bệnh viện Nhi Đồng 2 đã có sáu bệnh nhi bị suy dinh dưỡng phù vào điều trị. Trong đó, một bé đã tử vong do nhiễm trùng và suy hô hấp. Tất cả các bé này đều từ bốn tháng tuổi trở xuống, tức là ở lứa tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa.

Nếu phải sử dụng sữa ngoài, nên chọn đúng loại sữa phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Ảnh: Hồng Thái

Suy dinh dưỡng trẻ em mang lại nhiều hậu quả về sức khoẻ, từ giảm sức đề kháng nên dễ mắc bệnh nhiễm trùng, đến chậm phát triển cả thể chất lẫn tinh thần.

Cảnh giác khi mặt trẻ tròn, tay chân khẳng khiu

Các thể suy dinh dưỡng thường gặp là suy dinh dưỡng cấp (chỉ số cân nặng so với chiều cao dưới chuẩn), suy dinh dưỡng mạn (chiều cao theo tuổi dưới chuẩn) và còi cọc (thiếu cả cân nặng lẫn chiều cao). Suy dinh dưỡng nặng gồm có thể teo (maramus), thể phù (kwashiorkor), và thể vừa teo vừa phù.

Việc điều trị thể phù khó khăn nhất và có tỷ lệ tử vong cao. Trong thể này, mặt bệnh nhân nhìn vẫn tròn trịa nhưng chân tay khẳng khiu, trương lực cơ yếu, rối loạn sắc tố da, thiếu máu, gan to và thoái hoá mỡ, phù, giảm đạm máu. Nguyên nhân là khẩu phần của bệnh nhân không cung cấp đủ chất đạm nhưng cơ thể vẫn nhận đủ hoặc gần đủ năng lượng từ chất bột đường hay chất béo.

Thận trọng với sữa đặc có đường, sữa ký

Qua thăm hỏi sáu bệnh nhi nhập viện điều trị suy dinh dưỡng phù, chúng tôi ghi nhận: một, được nuôi bằng sữa pha nước cháo đường, hai, được nuôi bằng sữa đặc có đường, ba, bé được cho uống sữa bột béo bán ký ở chợ (giá khoảng 40.000/kg). Với sữa đặc có đường và nước cháo đường, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng phù do năng lượng chủ yếu từ chất bột đường carbohydrate và ít chất đạm (2g đạm/100ml sữa pha theo nhà sản xuất, tức một lon với 800ml nước thành một lít sữa, nhưng trong thực tế thường bị pha loãng hơn do quá ngọt). Với sữa ký, nếu thực sự là loại sữa bột béo nguyên kem, khi pha ra các chất dinh dưỡng sẽ gần như sữa bò tươi, lượng đạm sẽ cao hơn so với sữa mẹ và các sữa công thức dùng cho trẻ nhỏ (3,3g đạm/100ml sữa bò tươi, so với 0,9 – 1g/100ml sữa mẹ, và 1,2 – 1,4g/100ml sữa công thức cho trẻ dưới sáu tháng tuổi). Do thận trẻ còn non nớt, tỷ lệ đạm và muối khoáng trong sữa tươi cao cũng đáng lo như là thiếu đạm.

Trong những trường hợp bị suy dinh dưỡng phù có sử dụng sữa béo ký, có hai khả năng: một là, loại sữa béo bán trên thị trường có hàm lượng đạm rất thấp, do bị trộn các loại đường hay bột không có protein, như một số loại sữa bột béo qua kiểm nghiệm chỉ có lượng đạm 0,5 – 1,6g % (*), hay 0,085 – 0,27g/100ml sữa đã pha; hai là, do chất lượng của loại đạm sữa. Trong đạm sữa bò chỉ có 20% là đạm whey, 80% casein (trong khi đạm sữa mẹ có 70 – 80% whey và 20 – 30% casein). Đạm whey là loại đạm hoà tan trong nước, có giá trị sinh học cao nhất trong tự nhiên, trẻ dễ dàng hấp thu để tạo thành protein cho cơ thể. Ngược lại, khả năng hấp thu và chuyển hoá casein của trẻ nhỏ kém hơn. Do đó, nếu trẻ sử dụng loại sữa chứa chủ yếu là casein thì có thể thiếu đạm do không hấp thu được đạm. Những dạng sữa bột ký có hàm lượng đạm 10 – 18g % (*) (tức 1,7 – 3g /100ml đã pha), mặc dù lượng đạm ghi trên nhãn không đủ so với sữa bột nguyên kem không bị trộn, nhưng bằng hoặc cao hơn lượng đạm trong sữa cho trẻ nhỏ rất nhiều, vẫn có thể gây thiếu đạm máu, nhất là ở trẻ non tháng và sơ sinh, nếu đạm sữa này chỉ là casein, tuy nhiên ít khi tới mức gây suy dinh dưỡng phù.

Sữa mẹ vẫn là số một

Trong bối cảnh hiện nay, với các phát hiện về sữa nhiễm melamin, sữa thiếu đạm, sữa tăng giá liên tục… và cả vấn đề chất lượng đạm sữa, có lẽ các phụ huynh khá bối rối với việc chọn sữa cho con em mình. Một giải pháp an toàn cho trẻ nhỏ, đồng thời tiết kiệm và cực kỳ phù hợp với trẻ đó là sữa mẹ. Các trẻ mới sinh ra nên tận dụng nguồn sữa mẹ triệt để. Nếu phải sử dụng sữa ngoài, nên chọn đúng loại sữa phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Còn khi trẻ đã lớn, muốn bổ sung thêm sữa trong khẩu phần hàng ngày, nên chọn loại sữa có chất lượng đáng tin cậy. Nếu trẻ gặp phải các vấn đề về sức khoẻ và nuôi dưỡng, nên sớm tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thu Hậu,
trưởng khoa dinh dưỡng bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM

SGTT.VN

Bình luận (0)