Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trẻ thất học vì cha mẹ sống trên đất quy hoạch

Tạp Chí Giáo Dục

Do xây dựng nhà trái phép trên đất quy hoạch nên con em nhiều hộ dân (ở tổ 9, ấp 1, xã Thạnh Phú) không được ký giấy xác nhận để đi học
Trẻ không được tới trường với lý do: Cha mẹ cư trú bất hợp pháp trên đất quy hoạch. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay đối với 530 hộ dân, với trên 1.000 nhân khẩu ở tổ 9, ấp 1, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai)… và mãi cho đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết.
Sống trên đất quy hoạch
Anh Bùi Đình Khuê, đại diện cho các hộ dân tại tổ 9, ấp 1, xã Thạnh Phú cho biết: “530 hộ dân với hơn 1.000 con người sinh sống tại đây từ những năm 1995, 1996 đến nay. Nhà được xây dựng theo hình thức tự phát, có giấy tờ, bằng khoán đất đầy đủ. Thế nhưng, đến nay chúng tôi lại rơi vào cảnh “3 không”: Không được cấp đồng hồ điện của Nhà nước; không nước sạch; và đặc biệt là không được đăng ký tạm trú”.
Theo những người dân ở đây, việc cho con em xin đi học của họ cũng gặp rất nhiều khó khăn, khi lên UBND xã xin xác nhận cho con em mình đều bị lãnh đạo xã từ chối; nhiều gia đình tìm cách xin tạm trú cho con ở tổ, ấp khác trong xã những khi bị phát hiện là con em của tổ 9, ấp 1 thì lãnh đạo xã chỉ đạo cho Ban giám hiệu Trường TH Tân Phú không được nhận hồ sơ xét duyệt cho học…”. 
Lý giải vì sao hơn 1.000 con người ở đây vướng vào tình trạng “3 không”, ông Lê Văn An (hơn 70 tuổi, ở trong tổ) cho rằng: “Cách đây 13 năm, có một công ty đã xin Nhà nước cho thành lập dự án kinh tế trên mảnh đất nơi chúng tôi đang sinh sống. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết, dự án này chưa lập quy hoạch chi tiết, Nhà nước cũng chưa có phương án đền bù và ra quyết định thu hồi đất của dân. Thời gian cứ trôi đi, hàng ngàn con người ở đây đang phải hứng chịu bao khó khăn…”.
Hệ lụy của việc quy hoạch “treo” này làm người dân tại tổ 9, ấp 1 phải hứng chịu, chị Lê Thị Châu nói: “Hai năm trở lại đây, tình trạng kẻ trộm đột nhập vào nhà trộm đồ liên tục xảy ra, bà con phải cắt cử người trông coi nhưng không xuể. Đây mới chỉ là trộm đồ còn nếu xảy ra cướp của, giết người… chúng tôi phải làm sao đây!”.
Bà con ở đây cho biết, năm 2010, ông Nguyễn Văn Yên ra vườn hái rau thì bị điện giật chết. Ông Yên chết là do tại tổ 9 có trên 100 hộ gia đình phải câu móc điện từ một số gia đình khác, đường dây phải chôn ngầm dưới đất, sau một thời gian sử dụng dây điện bị hở nên mới xảy ra cớ sự. “Từ khi vào sống tại đây, chúng tôi không được thực hiện một quyền gì hết, quyền tối thiểu nhất là quyền công dân trong việc được đi bầu cử, chúng tôi cũng không được tham gia”, chị Hương trăn trở.
Cha mẹ làm… con thất học
Theo ông Phạm Văn Dung, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai thì: “Tháng 7-2012, Sở Xây dựng đã tổ chức một cuộc họp về dự án quy hoạch chung xây dựng đô thị công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu do Thanh tra tỉnh Đồng Nai chủ trì. Sau cuộc họp đã có quyết định giao lại cho UBND huyện Vĩnh Cửu triển khai dự án…”.
Đầu năm học 2011-2012, tổ 9 có trên 10 cháu vào học lớp 1 nhưng không được xã giải quyết, vậy là mạnh ai nấy chạy. Giờ nhắc lại, anh Nguyễn Văn Công nói như mếu: “Trước năm học tôi tới xã xin giấy xác nhận cho con đi học, từ trường tới xã đều không chấp thuận vì gia đình tôi không có tạm trú. Không lẽ ngồi nhìn con mình thất học, nên tôi chấp nhận hàng ngày đưa con đi học và đón về trên 20 cây số tại một trường tiểu học bên phường Trảng Dài”. Quyết tâm không để con thất học, chị Lê Thị Châu nhiều lần gõ cửa UBND xã xin xác nhận con mình là công dân của xã để được đi học, nhưng bao lần xin thì bấy nhiêu lần thất vọng. Chị buồn bã cho biết: “Tôi và một số gia đình khác 5-6 bận mang đơn lên xã, xin cho con tạm trú nhưng không được. Lần đầu ông Chủ tịch xã hứa “Đến ngày bé đi học sẽ giải quyết”. Những lần sau lên thì Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú quả quyết: “Các anh, chị xây nhà thời gian nào, cha mẹ có hộ khẩu thường trú không? Cha mẹ ở bất hợp pháp… thì con phải chịu! Tôi không ngồi đây để giải thích, việc các anh, chị cư trú bất hợp pháp xã đã báo cáo huyện và huyện chỉ đạo xã không chứng bất cứ giấy tờ gì cho người dân của tổ dân cư này”.
Ông Nguyễn Đình Trọng (số nhà 364A1, tổ 9, ấp 1) trăn trở: “Dự án gì mà quy hoạch lâu quá, không có ngày cụ thể. Thấy đất ở đây giá rẻ một số công nhân làm việc tại Công ty Pouchen không có chỗ ở về đây mua đất, cất nhà. Nhưng chính quyền địa phương không chịu cho họ được đăng ký tạm trú. Điều này  dẫn đến khi con cái họ được sinh ra cũng không được đăng ký tạm trú, làm giấy khai sinh. Các cháu đến độ tuổi đi học, không biết học ở đâu vì thiếu giấy tờ hợp lệ nên các trường đều không nhận”.
Đặt những vấn đề người dân bức xúc, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Mai Văn Trên quả quyết: “Hiện có trên 1.000 người đang sống bất hợp pháp tại tổ 9, ấp 1. Những hộ dân này đã tự xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Chính quyền xã cương quyết không chứng nhận bất cứ giấy tờ nào cho những hộ đang sống bất hợp pháp tại đây. Tuy nhiên trước khi vào năm học mới, nhiều hộ dân đến UBND xã xin được xác nhận tạm trú để cho con được vào học tại các trường trên địa bàn. UBND xã đã xác nhận cho một trường hợp “tạm được nhập học” tại Trường Tiểu học Tân Phú. Những trường hợp còn lại không cung cấp đủ hồ sơ liên quan về đất đai, nhà ở, hộ khẩu nên UBND xã không giải quyết”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Dự án đã quy hoạch 13 năm
Năm 1999, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định số 4702 do Phó chủ tịch tỉnh là ông Võ Văn Một kí về việc: Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Bao gồm 2 xã Thạnh Phú và Tân Bình thuộc huyện Vĩnh Cửu, với tổng diện tích quy hoạch là 897,4ha. Khu đô thị này sẽ được xây dựng thành đô thị mới gắn với khu công nghiệp của huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Năm 2006, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định (10903) do Phó chủ tịch tỉnh là ông Ao Văn Thinh ký: Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010, kế hoạch sử dụng đất 2006-2010 tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai, cũng như thông báo đền bù giải tỏa và các thông tin liên quan cho người dân được biết. 
 
 

Bình luận (0)