Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trẻ thơ vùng ven

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ cuối: Lao động chính trong gia đình
Tuổi thơ chưa qua đã vụt mất, những đứa trẻ vừa biết đọc, biết viết đã phải xa mái trường và trở thành lao động chính trong gia đình.





Normal
0


false
false
false







MicrosoftInternetExplorer4




Kỳ 1: Tiếng trẻ thơ ở những công trình

Kỳ 2: Đá cỏ đuôi gà

Tuổi thơ là trụ cột
Theo lời chỉ dẫn của người dân, tôi gửi xe máy ở đầu xóm rồi lội bộ trên đoạn bờ ruộng ngoằn ngoèo, chưa kể phải lội qua con kênh dài hơn 500 mét mới đến được nhà anh Bảy Thân (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh). Trước mặt tôi là căn chòi lá thấp lè tè, siêu vẹo nằm lẻ loi giữa đồng không hiu quạnh, giữa bốn bề là kênh rạch chằng chịt. Được biết, trước đây anh Bảy Thân được cha mẹ chia cho gần một công đất vườn để ở và trồng rau xanh. Thế nhưng, do “bệnh” nghiện rượu cộng với mê số đề nên đã bị xiết nợ. Thương mẹ con chị Thắm, người quen cho dựng căn chòi trên đất của mình để ở tạm từ năm 2001 đến nay.
Vợ chồng anh Bảy Thân có 5 đứa con, sinh năm một và đều là gái. Vợ anh, chị Thắm thì chỉ loay hoay ở nhà lo cho mấy con heo và đàn vịt đẻ gần 100 con. Cũng chính vì 5 đứa con gái sinh năm một mà anh Bảy Thân ngày nào cũng nhậu say bí tỉ rồi về mắng nhiếc vợ vì lý do “con mụ ăn hại, đẻ một đàn vịt mái”. Mỹ Liên, con gái lớn của anh Bảy Thân học hết lớp 5 thì nghỉ học để đi phụ bán quán cơm cho người quen ở thị xã Tân An, tỉnh Long An. Còn hai đứa kế Mỹ Trúc và Mỹ Xuyên đang học lớp 4 và 5 nhưng anh Bảy Thân luôn miệng bảo “hai đứa nghỉ học, đi làm như chị mày, biết đọc biết viết như thế là giỏi hơn tao rồi, học nữa không đẻ ra tiền”. Mỹ Lệ (4 tuổi), Mỹ Hạnh (3 tuổi) đang ngồi trong xó bếp chơi đồ hàng, thỉnh thoảng giành nhau mấy cái bát nhựa la ỏm tỏi.
Mỹ Trúc, Mỹ Xuyên là học sinh giỏi của huyện. Đi học một buổi, buổi còn lại hai em tự chèo xuồng đi cắt rau muống ngoài kênh, rạch rồi bán lại cho những nhà nuôi heo, nuôi thỏ để mua gạo ăn. Mỹ Trúc cười hiền, nhe hàm răng có hai chiếc răng khểnh khi trả lời câu hỏi của tôi. Mỹ Xuyên thì thích hát, thích vẽ nhưng tính trầm hơn chị. Đang ngồi trong căn chòi, bỗng có gió mạnh kèm theo tiếng rắc rắc phát ra từ vách lá, chị Thắm bế con chạy ra ngoài. Chưa biết chuyện gì xảy ra nhưng tôi vẫn cứ chạy theo. Bé Mỹ Xuyên, Mỹ Trúc còn nhanh hơn cả tôi. Tức cười nhưng tôi không dám cười vì sợ chị Thắm thêm tủi thân. Có thể Mỹ Trúc phát hiện sắc mặt thất thần của tôi, nó cười và quay mặt sang chỗ khác để tránh cái nhìn của tôi. Cũng may là chỉ có một cơn gió thốc qua chứ ông trời làm dữ, bồi thêm một cơn gió nữa thì không biết mẹ con chị Thắm tá túc ở đâu. Chị Thắm nói: “Tụi nó lanh lắm, cảnh này diễn ra thường xuyên nên có kinh nghiệm. Chú thấy đó, chỉ có cái chòi mà cũng không nên hình, nhà có đàn ông cũng như không. Chỉ riêng việc chèo xuồng chở tụi nhỏ đi học mà cũng không làm được, hôm tỉnh thì làm biếng, khi say thì lại siêng bất tử đòi chở tụi nó đi học. Có lần xỉn chở con Mỹ Xuyên đi học thì bị lật xuồng, cũng may có người cứu kịp, bây giờ nghe nói “để ba chở đi” là tụi nhỏ nói “Thà con nghỉ học”. Thân tôi thế này làm sao chèo xuồng được, không có ai nên tụi nó tập dần, riết rồi tự chèo xuồng đi học”.
Chị Thắm tiễn tôi ra về trước khi anh Bảy Thân về. Chị tâm sự: “Chú thông cảm, cứ giờ này là ổng về, say xỉn tối ngày. Chú về trước chứ ổng về chửi tôi che miệng không kịp đâu”. Đoán tôi chưa hiểu nên chị liền giãi bày: “Cứ có người lạ đến nhà là ổng nói người đi vận động kế hoạch hóa gia đình, ổng ghét lắm. Thương mấy cô trên xã, trên huyện bị ổng chửi hoài. Tôi phải lén ổng đi kế hoạch chứ cái ăn thiếu trước hụt sau mà ổng cứ đòi đẻ… để kiếm con trai”.
Nghỉ học từ năm lớp 6, Nguyễn Văn Hải theo cha mẹ từ Tiền Giang lên TP.HCM tìm việc làm. Bắt đầu cuộc sống mới nơi đất khách quê người. Hải rất buồn phải xa bạn bè, thầy cô và mái trường. Năm 2005, gia đình Hải thuê đất đào ao thả cá ở xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Người cha thường xuyên đau ốm do vết thương ở đùi trái hồi ở chiến trường Campuchia tái phát. Thế là Hải trở thành lao động chính của gia đình.

Cảnh học sinh ngoại thành tự chèo xuồng đi học không phải là hiếm

Ước mơ cho ngày mai
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Mỹ Xuyên lém lỉnh: “Con mơ được làm cô giáo nè, ước ba bỏ rượu nè…”. Riêng Mỹ Trúc thì: “Con chỉ mong học hết lớp 9 mà không biết có được không. Bây giờ, được đi học ngày nào là con vui ngày ấy. Mỗi lần ba say thì bảo con nghỉ học, “đã tốn tiền ăn rồi còn thêm tiền trường”, con buồn lắm”. Được biết, Xuyên và Trúc được đến trường là nhờ vào tiền của chị hai Mỹ Liên tích cóp gửi về. Tuy nhiên, mấy mẹ con chị Thắm không dám nói lên sự thật mà nói là được nhà trường hỗ trợ tiền học phí vì sợ ông Bảy Thân chửi bới vì bỏ tiền cho con đi học là uổng phí…
Còn Hải, mỗi ngày từ tờ mờ sáng đến tối mịt quanh quẩn ở các ao cá, không có thời gian nghỉ ngơi. Nhiều hôm, Hải phải ngâm mình trong nước ao để kéo cá, vớt cá con và phân loại cá. Mặc dù trại cá nơi Hải làm việc nằm cách khu dân cư không bao xa nhưng với Hải, khu dân cư đó chính là thành phố còn nơi mình ở là nhà quê vì ở trại cá không có điện. Người Hải đen như cột nhà cháy. Bình, người trông coi ao cá bên kia con rạch thường trêu Hải: “Mày đen như vậy mà mắc chi phải đội nón”.
Hải mơ một ngày nào đó được đi chơi ở Suối Tiên, Đầm Sen… cho biết đó biết đây. Có lần, vì muốn biết Đầm Sen như thế nào, Hải đã trốn cha mẹ đón xe buýt đi chơi. Hải không nhớ mình đã lên, xuống xe buýt bao nhiêu lần nhưng vẫn chưa đến được Đầm Sen. Cũng may là Hải còn biết địa chỉ nơi gia đình mới đến ở và đi xe ôm về. Hải nói thật như đùa: “Bữa nào kéo cá xong xin má một triệu đồng ra Sài Gòn chơi cho đã”. Nói đến chuyện nghề nghiệp, giọng Hải chùng xuống: “Nghề nuôi cá này không tồn tại lâu, vài năm nữa khu vực này cũng san lấp hết, phải cố gắng đi học bổ túc văn hóa và học nghề gì đó để lên bờ mà sống”. Cha Hải thêm vào: “Từ ngày lên đây, bệnh tình của tôi nghiêm trọng hơn. Tôi đau lắm khi Hải phải nghỉ học. Tôi cầu mong được lành bệnh để Hải có thể đi học cái nghề gì đó mai này tự lo cho tương lai của mình”.
Trần Trọng Tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)