Thoát vị bẹn là sự cố ngoài mong muốn trong cơ thể con người, nhất là đối với các trẻ nam. Thay vì được định vị ở háng, ruột lại chui tọt xuống bẹn, xuống bìu không đúng chỗ. Nếu gia đình thiếu quan tâm với trẻ, thoát vị bẹn có thể sinh ra triệu chứng tắc ruột hay nguy hiểm hơn là ruột bị hoại tử.
Phụ huynh đưa trẻ đi khám thoát vị bẹn tại BV Nhi đồng 2 TP.HCM |
BS Phạm Ngọc Thạch – Trưởng khoa Tiết niệu (BV Nhi đồng 2 TP.HCM) cho biết điều trị thoát vị bẹn không có cách nào khác ngoài phẫu thuật.
Bên cao bên thấp
Trong một lần đưa gia đình đi bể bơi, vô tình anh Sĩ – ngụ ở đường Cống Lở, Q.Tân Bình phát hiện đứa con trai đang học lớp mẫu giáo có khối phồng ở bộ phận sinh dục khi chạy nhảy. Sau nhiều lần để ý, người cha 40 tuổi thấy tinh hoàn ngay dưới bìu càng ngày càng to bất thường. Hỏi người nhà là thầy thuốc, cháu bé 4 tuổi được chẩn đoán với bệnh lý thoát vị bẹn và khuyên anh nên đưa bé đến BV để chữa trị. Đó cũng là trường hợp thoát vị bẹn của bé M. (TP.Bình Dương). Ngay từ nhỏ bé gái 6 tuổi đã có khối phồng tại vùng mu mà cha mẹ lại không để ý tới. Thời gian gần đây cháu thường bị đau nhất là sau mỗi lần ho hay khạc nhổ. Khi đưa đến BV, các BS khẳng định đây là triệu chứng thường gặp của thoát vị bẹn ở bé gái. Chỉ cần quan sát từ bề ngoài và đặc biệt là khám lâm sàng, thầy thuốc có thể xác định đúng những triệu chứng cụ thể để phân biệt thoát vị bẹn với các căn bệnh khác như xoắn tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, u mỡ…
TS.BS Lê Thúy Tươi – chuyên gia tư vấn sức khỏe cho biết, do ruột không nằm đúng vị trí trong cơ thể mà chui tọt xuống bẹn, xuống bìu nên cách khắc phục tốt nhất là tìm mọi cách để đưa ruột trở về vị trí cũ. Thay vì có tác dụng giữ ruột định vị trong ổ bụng nhưng các cơ nâng đáy bụng này lại yếu đi một cách bất thường. Khi hàng rào bảo vệ bị lung lay chắc chắn các bộ phận của cơ thể bị lạc hướng một cách bất đắc dĩ. Bé gái cũng có thể “dính” thoát vị bẹn nhưng phần lớn tập trung nhiều ở bé trai. Vậy đâu là nguyên nhân có sự bất công này? Đó là trong quá trình xác lập cơ thể đã tạo nên khoảng hở quấn quanh tinh hoàn của thai nhi tạo ra cơ hội thuận lợi cho ruột chui tọt xuống bìu một cách dễ dàng nhất. Nói cách khác là ống phúc tinh mạc đã bị rò rỉ không bình thường. Theo lý giải của y khoa, khi một bên bị kéo căng thì bẹn co lại, còn một bên phải giãn ra nên mới sinh ra chuyện thoát vị.
Theo thống kê của BV Nhi đồng 2 TP.HCM, có đến 5% trẻ bị thoát vị bẹn và tràn dịch màng tinh hoàn. Đối với trẻ sinh non tỷ lệ còn cao thêm. Trẻ trai mắc nhiều hơn trẻ gái với tỷ lệ 9/1. Tỷ lệ thoát vị bẹn bên phải chiếm tới 60% so với bên trái và cả hai bên. Một số trẻ bị thoát vị bẹn kèm theo dị tật ẩn tinh hoàn. |
Thoát vị bẹn là bệnh lý thường gặp không chỉ trẻ em mà còn có cả người lớn nhất là khi mang vác nặng. Do bị ở vùng kín nên được coi là chuyện khó nói, ít khi chia sẻ với người khác kể cả anh em trong gia đình. Tuy nhiên, nếu không khắc phục kịp thời thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như bao căn bệnh khác. Nếu chậm trễ sẽ khó khăn trong quá trình điều trị và có thể gây biến chứng ảnh hưởng đến cả sinh mạng con người nhất là khi ruột bị hoại tử.
Con đường gần đến hoại tử ruột
Một số người lại chủ quan vì không phải khối phồng lúc nào cũng xuất hiện nhất là khi nghỉ ngơi hay nằm xuống. Có cha mẹ lại mừng thầm vì nghĩ nó đã tự biến mất mà không cần phải chữa trị. BS Nguyễn Ngọc Anh – Trưởng khoa Ngoại tổng hợp BV Nhân dân 115 TP.HCM khẳng định, khi được xử trí bằng ngoại khoa, các BS vá lại lỗ hổng ở thành bụng hoặc mổ đặt mảnh ghép nhằm ngăn chặn mô ruột đi lạc chỗ. Thời gian gây mê chỉ khoảng 30 phút. BS Lê Thúy Tươi cho biết, sau khi mổ có thể sau một ngày là về ngay, tập đi lại một cách chậm rãi để vết thương dễ được phục hồi. Nếu chưa mổ được ngay thì làm băng ép bên bị thoát vị và mổ sớm theo chương trình như bán cấp cứu.
Nghẹt hoại tử ruột là biến chứng thường gặp nếu thoát vị bẹn không được chữa trị kịp thời nhất là đối với trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh thường bị trong 3 tuần đầu đời sau khi sinh với tỷ lệ 60%. Thoát vị bẹn còn gây rối loạn tiêu hóa làm cho trẻ chậm lớn còi cọc do biếng ăn lười bú. Với bé trai, teo tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, hoại tử tinh hoàn là điều cũng khó tránh khỏi nếu “chủ quan khinh địch”.
BS Phạm Ngọc Thạch cho biết, với kỹ thuật mổ hiện đại như hiện nay, các vết mổ ngắn và nhỏ chạy theo vành bụng dưới nên đảm bảo tính thẩm mỹ. Nếu trước đây phải nằm lại 1, 2 ngày thì bây giờ phẫu thuật buổi sáng thì buổi chiều có thể ra về được. Khi phát hiện khối phồng to ở bộ phận sinh dục nhất là bìu của bé trai cần phải đi khám ngay. Nếu để lâu dễ bị ảnh hưởng tới ruột. Sau khi mổ giữ vệ sinh sạch sẽ, đi lại nhẹ nhàng không chạy nhảy và mang vác nặng. Nếu phẫu thuật tốt không đụng chạm tới tinh hoàn, ống dẫn tinh thì không ảnh hưởng đến đời sống tình dục và chuyện sinh con đẻ cái sau này” – BS Thạch trấn an.
Bài, ảnh: Quang Phan
Bình luận (0)