Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trẻ thụ hưởng chính sách giáo dục mầm non tại khu công nghiệp: Còn nhiều khó khăn khi thẩm định hồ sơ

Tạp Chí Giáo Dục

Tại TP.HCM, các địa phương địa bàn có khu công nghiệp (KCN) thừa nhận, việc thẩm định hồ sơ trẻ có cha mẹ đang làm việc tại các KCN để được hưởng chính sách phát triển giáo dục mầm non của Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM còn gặp nhiều khó khăn.


Việc thẩm định hồ sơ trẻ mầm non có cha mẹ làm trong khu công nghiệp còn gặp khó khăn

Tại quận 12, ông Khưu Mạnh Hùng – Trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết, năm học 2022-2023, toàn quận có 329 cơ sở giáo dục mầm non, gồm 23 trường công lập, 46 trường ngoài công lập và 260 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập. Trong đó, hệ thống trường công lập có 7.565 trẻ đang theo học, thấp hơn so với 8.859 trẻ theo học ở các trường ngoài công lập. Số trẻ học ở các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo và mầm non độc lập là 11.759 trẻ.

Địa bàn quận có KCN Tân Thới Hiệp (phường Hiệp Thành) với 28 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 7.000 công nhân. Trong đó, số công nhân có con nhỏ (từ 13 tháng tuổi đến 6 tuổi) đang học ở các trường ngoài công lập, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo và mầm non độc lập trên địa bàn là 155 người. Dù vậy, thống kê của Phòng GD-ĐT quận 12 cho thấy dù có 50 cơ sở giáo dục mầm non đang hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục 4.423 trẻ song không có cơ sở giáo dục mầm non nằm trong KCN Tân Thới Hiệp, mà chỉ ở khu vực lân cận ven KCN. 

Thực hiện Nghị quyết số 27 của HĐND TP.HCM về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có KCN, UBND quận đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT triển khai đến các cơ sở giáo dục mầm non, lập danh sách 104 trẻ đang học tại 10 cơ sở giáo dục thuộc loại hình dân lập, tư thục có cha hoặc mẹ là công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCN được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với tổng kinh phí 89.600.000 đồng. 

Ngoài ra, về chính sách cho giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN, chỉ có 3/352 giáo viên đang công tác tại Trường Mầm non Hiệp Thành đủ điều kiện nhận trợ cấp với tổng kinh phí 13.600.000 đồng. Các trường hợp còn lại không đủ điều kiện. 

Đặc biệt, với chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có KCN, toàn quận không có cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn KCN đủ điều kiện nhận kinh phí hỗ trợ 20.000.000-50.000.000 đồng để sửa chữa cơ sở vật chất, phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ do không có cơ sở giáo dục mầm non có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN.

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân – Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình cho biết, trên địa bàn quận Tân Bình không có KCN trú đóng nhưng giáp ranh có KCN Tân Bình (thuộc quận Tân Phú). 

Theo Nghị quyết 27, do trên địa bàn quận Tân Bình không có KCN nên không có cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục và giáo viên thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách. Riêng với chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN, đến tháng 3-2023, có 30 trường hợp đã nộp hồ sơ. Hiện nay, Phòng GD-ĐT đã tổng hợp và chuyển Phòng Kế hoạch – Tài chính thẩm định. Trong đó, có 24 hồ sơ trẻ đang học tại 5 trường mầm non công lập và 6 hồ sơ trẻ học tại 2 nhóm lớp tư thục.

Bà Xuân thông tin thêm, toàn quận có 65 trường mầm non, trong đó có 24 trường công lập và 41 trường ngoài công lập. Hiện có 5 trường tạm ngưng hoạt động theo nguyện vọng của cơ sở. Tổng số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập là 121 nhóm trẻ.

Theo bà Xuân, việc thẩm định hồ sơ đối với các trường hợp trẻ có cha mẹ đang làm việc tại các KCN hiện đang gặp khó khăn do mỗi cha mẹ trẻ làm việc tại mỗi KCN khác nhau trên nhiều địa bàn gồm TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện nên Phòng GD-ĐT khó xác minh công ty đó có thuộc KCN hay không. Ngoài ra, giấy xác nhận của cha mẹ trẻ cung cấp chỉ có dấu mộc công ty nơi làm việc của phụ huynh nhưng không có xác nhận của ban quản lý KCN do biểu mẫu không có nội dung này.

Bà Lê Thị Thu Sương, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình thừa nhận, hiệu quả triển khai của các chính sách hỗ trợ hiện nay chưa sâu rộng. Tới đây, địa phương sẽ tăng cường phối hợp với ban quản lý KCN, KCX để hỗ trợ người lao động. Để đảm bảo chính sách triển khai đúng đối tượng, địa phương sẽ tiếp tục rà soát, nhất là trường hợp đối tượng đã nhận hỗ trợ nhưng thay đổi nơi làm việc, học sinh nghỉ học…

Ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa -Xã hội, HĐND TP.HCM chia sẻ, hiện TP.HCM có nhiều chính sách riêng cho giáo dục mầm non do điều kiện đặc thù của thành phố. Tuy nhiên, qua báo cáo của địa phương, số lượng trẻ em, giáo viên và cơ sở mầm non được nhận hỗ trợ còn khá khiêm tốn.

Ông thẳng thắn đề cập: Hiện nay, xảy ra tình trạng trên cùng địa bàn, có giáo viên được nhận chính sách hỗ trợ, có giáo viên chưa được nhận khiến đội ngũ tâm tư. Do đó, theo ông, cần đánh giá lại hiệu quả triển khai của chính sách, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, cũng như đề xuất các giải pháp nhằm giúp chính sách phát huy hiệu quả tốt hơn trong thực tế.

Giang Quân

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)